20/10/2010 03:05 GMT+7

Ôsin ký sự

KIM TUYẾN - TÂM LỤA - VIỄN SỰ
KIM TUYẾN - TÂM LỤA - VIỄN SỰ

TT - Nghề giúp việc, từ cái nghề tay ngang quê mùa vài năm trước đã dần hòa nhịp với đời sống hiện đại, trở thành một “kỹ nghệ săn sóc” cho những góc nhà bận rộn và tất bật chốn thị thành.

Kỳ 1: Kỹ nghệ quê mùa săn sóc thị thành

Bốn tên thật là Nguyễn Thị Hường, quê Hòa Định, Phú Hòa, Phú Yên. Năm nay cô 17 tuổi, đi làm giúp việc được hai năm nhưng đã đổi chỗ làm đến 12 lần.

y6D53KIa.jpgPhóng to

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Dục (Cần Thơ) hướng dẫn nhau thực hành bài học - Ảnh: Tâm Lụa

Từ nhà quê...

Từ nhỏ đến lớn Bốn nào biết cái máy giặt tròn méo ra sao, rồi vận hành thế nào. Cả những cái máy hút bụi với chi chít chữ tiếng Anh như thách đố. Bốn cứ lóng ngóng làm cái này thì hỏng cái kia.

Thậm chí việc chà bồn cầu tưởng như đơn giản nhưng Bốn làm cũng không xong. “Những ngày đầu làm chỗ thân quen của bà cô họ ở quận 5, em còn không biết chà bồn cầu phải dùng loại gì. Thế là em cho nước rửa chén vào bồn cầu để chà. Em thấy cũng sạch mà bị cô chủ mắng té tát. Đang lau chén đĩa, em sợ đến mức làm rơi luôn cả chồng chén... thế là bị đuổi”, Bốn kể lại lần sa thải đầu tiên.

Sau lần đó Bốn được người quen giới thiệu cho chỗ làm khác trong một gia đình ở quận 7, sợ tai nạn trước lặp lại Bốn tìm hiểu kỹ từng nhãn hiệu nào xài cho việc gì. “Ở quê đâu có xài tùm lum thứ nước vầy đâu, rửa rau cũng có nước riêng, rửa chén, chà bồn cầu, nước lau nhà, nước xịt phòng, nước xả vải... tùm lum chữ Tây Tàu em không làm sao nhớ hết”, Bốn nhăn mặt kể lại.

Bốn tập ghi nhớ, phân biệt các chai lọ ấy bằng hình ảnh, kiểu dáng. Nhưng lần này Bốn vẫn gặp sự cố ở máy giặt. Chỉ vì không phân biệt nút xả, nút sấy chỗ nào nên Bốn làm rách cả mớ đồ hiệu của chủ. Lần ấy Bốn lại tiếp tục bị đuổi, chủ thương tình cho ít đồng lương. Để tồn tại, Bốn phải học nghề từ đàn chị đi trước.

Bốn hồ hởi kể: “Hồi trước em có biết gì đâu, giờ đây em biết nhiều mẹo lắm. Như việc tẩy vết mốc trên vải da phải dùng dầu thông để lau, sau đó dùng giấy nhám chà lên bề mặt, rồi dùng xi cùng màu da phủ lên chỗ mốc... Hay khử cặn trong ấm nước, chỉ cần cho ba củ khoai tây đun lên, cặn sẽ ra... Mấy cái này em được các chị trong xóm trọ chỉ từ từ đó”.

...Đến “trường ôsin”

Ôsin là ai?

Từ nhiều thế kỷ trước, trong những gia đình giàu có VN luôn có những người giúp việc chăm lo việc bếp núc, dọn dẹp... cho gia đình chủ. Theo thời gian, tên gọi và vị trí của họ cũng dần thay đổi. Từ “con sen”, “lão bộc” đến “kẻ ăn người ở trong nhà”... Và bây giờ người ta quen gọi người giúp việc nhà là ôsin. Đây là tên nhân vật chính trong một bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản: một cô gái từ quê ra thành thị làm nghề giúp việc nhà với ý chí và nghị lực lớn để thay đổi số phận mình.

“Em không tìm thấy mạch, mạch em không nhảy nữa thầy ơi!” - cả lớp cười ồ lên, thầy giáo lắc đầu ngán ngẩm. Đó chỉ là một trong vô số tình huống dở khóc dở cười trong lớp dạy người giúp việc cách chăm sóc người già, người bệnh tại Công ty Nhân Ái (Q.8, TP.HCM). Với nhu cầu ngày càng cần nhiều người giúp việc, nhiều công ty chuyên cung cấp và đào tạo người giúp việc ra đời. Nhiều ôsin đã chọn cho mình đường đi bài bản hơn để hành nghề chuyên nghiệp.

Những phụ nữ quê từ khắp nơi: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Long An, Hà Tĩnh... quanh năm lặn lội với ruộng đồng giờ rón rén làm quen với những đồ dùng sinh hoạt sang trọng. Thầy giáo Huỳnh Nhân của Công ty Nhân Ái khan đặc tiếng vì nhắc đi nhắc lại bài giảng, bởi học viên của mình cứ nhớ nhớ quên quên. Từng kiếnc thức ơ bản như mỗi phút có bao nhiêu giây, hay dìu người ốm đi như thế nào... trong từng bài giảng đều thấy ông lồng ghép vào đó những câu chuyện rất đời thường, cảm động.

“Cuối buổi học sẽ có kiểm tra, ai trên 50 điểm mới được đi làm, nếu không đạt sẽ phải ở nhà học khi nào thuộc bài, thi qua mới thôi. Làm nghề này cực khổ lắm, cốt phải có cái tâm thì mới làm được”. Thầy giáo vừa dứt lời, phía dưới tiếng mọi người nhao nhao: “Ở nhà ăn cơm bằng tô, gánh lúa nặng oằn vai mà còn làm tốt thì khổ mấy tui cũng chịu đựng được, phải chịu khổ mới có tiền đem về cho chồng con mừng chứ”, “Ở nhà học riết không có cơm ăn, phải có tiền đem về trả nợ, nuôi chồng nuôi con nữa”...

Tại Công ty Chuyên Việc (Q.11, TP.HCM), chúng tôi được chị Thảo, nhân viên công ty, hỏi rất nhiều về gia đình, nhân thân và cả kinh nghiệm làm việc nhà khi ngỏ ý muốn được học làm người giúp việc. Chị Thảo hỏi cặn kẽ: “Em muốn làm quản gia hay bảo mẫu?”. Chị Lê Thanh Nhàn (20 tuổi, quê Tây Ninh) ngơ ngác rồi hỏi: “Quản gia là sao chị, chắc oai hơn bảo mẫu?”. Chị Thảo phì cười giải thích quản gia là công việc lau dọn chăm sóc nhà cửa, còn bảo mẫu là chăm sóc em bé. Nhàn còn trẻ, chưa có con nên được nhận vào lớp quản gia.

Còn chị Trần Thị Mùi (40 tuổi, quê Đồng Nai) được nhận vào lớp bảo mẫu. Chị Thảo nhắc đi nhắc lại quy định của công ty cho chúng tôi nhớ: “Các chị sẽ được học ở công ty ba ngày. Học xong rồi các chị phải làm dưới sự hướng dẫn của công ty, không được tự ý liên hệ riêng với khách hàng để nhận việc trong vòng một năm, nếu vi phạm các chị phải đền bù cho công ty 50 triệu đồng”. Hai chị Mùi và Nhàn nghe đến đây mặt mày xanh tái. Nhưng chị Thảo đã kịp trấn an: “Mấy chị chỉ cần làm việc chăm chỉ, không tự móc nối làm riêng thì lo sợ gì”.

Chị Mùi trầm ngâm: “Tôi mong học nhanh nhanh để mau chóng đi làm kiếm tiền. Một tháng kiếm được 2 triệu cũng là mơ ước của tôi”.

Lớp học quản gia và bảo mẫu diễn ra trong ba ngày, bắt đầu từ 8g-17g. Chúng tôi học từ cách ủi quần áo đến các việc lựa chọn, chế biến thực phẩm. Những kiến thức tưởng chừng đơn giản như chọn cá tươi, chọn gạo ngon thế nào nhưng đến đây những “học trò nhà quê” mới vỡ lẽ và thốt lên “À, ra thế!”. Việc sử dụng máy móc hiện đại như máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi cũng khiến nhiều thành viên trong lớp học đổ mồ hôi. Chị Nhàn cứ nhìn trước nhìn sau những chiếc máy rồi lóng ngóng thốt lên: “Em không nhớ nổi!” khiến cả lớp cười ầm.

Giờ nghỉ trưa ít ỏi của chúng tôi, mọi người ăn vội phần cơm đạm bạc, có người nhanh chóng lẩm nhẩm lại những gì vừa học. Chị Nguyễn Thị Thanh (quê Đồng Nai) thì thào đọc lại bài cô giáo vừa giảng: “Nếu thấy vết ố vàng và mùi nước tiểu trên gạch men thì phun... phun thuốc tẩy trắng Xì-da-lô-gen (Xyalogen) pha với nước rồi đợi một hồi mới lau sẽ bay hết mùi hôi... Sao khó nhớ vầy nè!”...

______________________

Vú em” - hai từ có vẻ như ra khỏi đời sống hiện đại, nhưng đâu đó giữa cuộc đời vẫn còn những tình cảm sâu đậm dành cho “bà vú”.

Kỳ tới: Vú ơi!

KIM TUYẾN - TÂM LỤA - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên