Phóng to |
Thực hành chăm sóc người bệnh trong một lớp dạy nghề giúp việc nhà ở TP.HCM (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Tâm lụa |
Kỳ1:Kỹ nghệ quê mùa săn sóc thị thành Kỳ 2:Vú ơi!Kỳ 3:Muôn ngả ôsin
Mẹ ơi, đừng mướn bà Sáu!
K., hiện đang học lớp 8 tại một trường THCS ở P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM, vóc dáng như bao bạn bè khác nhưng có một điểm đặc biệt không bao giờ tiếp xúc với bạn bè. Khi đến lớp, K. không hỏi bài ai, không vui chơi cùng bạn, có lần bị bạn giấu tập vở, bị thầy quở mắng K. cũng lẳng lặng không nói rõ mà về nhà chép lại toàn bộ nội dung.
Ở nhà, trừ cha mẹ và một người anh họ, K. cũng không muốn nói chuyện với ai. Việc đi chơi và tiếp xúc người ngoài với K. gần như một cực hình, trừ lúc đi học, suốt ngày K. chỉ thu lu trong phòng học rồi phòng khách xem tivi. Có người dì ruột từ Mỹ về chơi, K. cũng chỉ đứng từ xa cười bẽn lẽn, mãi một lúc sau mới dám chạy lại...
Cuộc sống khép kín ấy của K. kéo dài nhiều năm nay. Chị Thoa, chị họ của K., cho biết nguyên nhân K. luôn mang trong mình nỗi sợ hãi người lạ xuất phát từ bà Sáu - người vú nuôi của cậu bé.
Hơn 10 năm trước, vì bận buôn bán hàng ở chợ Tân Bình, cha mẹ K. đã nhờ bà Sáu, một phụ nữ miền Tây, lên giúp việc nhà, trông giữ K.. Công việc lu bu, nhưng mỗi chiều tối khi trở về cha mẹ K. đều rất an tâm khi thấy con mình được tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đầy đủ và tuyệt nhiên không khóc nhè, mè nheo như trước. Sự ngoan ngoãn đó làm họ quên đi việc con mình ngày càng ít nói và hầu như không thích chơi với bọn trẻ trong xóm. Một đôi lần bỗng dưng K. thì thầm với mẹ: “Mẹ ơi, đừng mướn bà Sáu nữa!”. Tất nhiên lời bâng quơ của một đứa trẻ con không đủ làm cha mẹ K. bận tâm.
Sự tin tưởng của cha mẹ K. với bà Sáu kéo dài năm năm liền, và trong quãng thời gian ấy họ không hề biết có một sự thật là mỗi ngày con mình đều bị bà vú này ký đầu, nhéo mình, đau nhưng không để lại thương tích. Tiền bạc lẻ, đồ đạc lặt vặt đôi khi mất một cách khó hiểu nhưng không ai dám nghĩ oan cho bà vú. Chỉ mình K. chứng kiến và đó cũng là lúc tâm hồn trẻ thơ của cậu bé bị tổn thương: bà Sáu đe dọa K. nếu về méc ai trong gia đình sẽ bị “giết chết”. Mỗi ngày 12 giờ trong vòng tay của bà Sáu, thời gian tiếp xúc còn lại với người thân quá ít để giúp cậu bé vượt qua nỗi sợ hãi và nghe lời bà Sáu răm rắp.
Sự việc chỉ vỡ lở khi năm K. lên 7 tuổi, một lần gia đình K. mất 40 triệu đồng để trong cốp xe và quyết định truy tìm thủ phạm. Trong khi mọi người đang nháo nhác thì K. gần như lấy hết sức bình sinh chỉ vào người vú nuôi: “Bà Sáu lấy đó mẹ ơi” và chạy đến ôm chặt mẹ, mặt tái xám. Kiểm tra hành lý của bà Sáu thì hỡi ôi bọc tiền 40 triệu đồng dù vơi một nửa nhưng gia đình vẫn nhận ra, nhiều đồ đạc lặt vặt: chai dầu gió xanh, mấy cái muỗng sứ, mấy cái khăn len... chất đầy giỏ khi bà Sáu chưa kịp về thăm quê như định kỳ.
Bị tống cổ ra khỏi nhà, người vú nuôi độc ác đã lộ nguyên hình khi cầm cái ổ khóa ném vào K., may mắn là không trúng. Bà Sáu đi rồi, gia đình càng điên ruột khi K. trút được nỗi sợ hãi và kể hết tất cả sự bạo hành, những lần ăn cắp và đe dọa của bà Sáu. Nhưng năm năm dưới vòng tay bà Sáu quá dài, ký ức nặng nề của thời thơ ấu ấy khiến K. ngại ngần với tất cả những cuộc tiếp xúc với người lạ. Chị Thoa buồn rầu: “Tiếc là gia đình biết về bà Sáu quá muộn. Bây giờ K. đã lớn nhưng mỗi khi ai đó nhắc tới bà Sáu là người nó vẫn rúm ró, không biết bao giờ nó mới hoạt bát trở lại”.
Ám ảnh không lời
Cho tới nay đã ba năm nhưng chị Trang (đường Võ Trứ, Q.8) vẫn rùng mình khi nhắc đến người ôsin đã chăm sóc mẹ mình. Mẹ chị Trang bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường, không thể đi lại, nói năng được. Mấy anh chị em ai cũng có điều kiện về kinh tế nhưng lại không có thời gian chăm sóc mẹ. Chị Trang đến công ty giới thiệu việc làm, được giới thiệu một cô quê Cà Mau. Cô ôsin tỏ ra nhanh nhẹn và rất thương yêu bà cụ.
Thời gian đầu mỗi ngày chị đi làm về, cô giúp việc đều khoe bà hôm nay ăn rất ngon, ngủ rất tốt. Nhưng sau một tháng chị Trang thấy sức khỏe mẹ dần yếu đi, người lúc nào cũng đầy mùi hôi. Cụ già hơn 80 tuổi cứ lắc đầu nguầy nguậy khi có ai đó tới gần. Hỏi thì chị giúp việc trả lời: “Bà cụ không muốn cho ai động vào người”.
Chị Trang sinh nghi ngờ, quyết định gắn camera trong phòng của mẹ mới chứng kiến một sự thật đau lòng: cứ tới giờ ăn, khi bà cụ ốm yếu tội nghiệp tỏ ý không muốn ăn thì chị giúp việc lại quát mắng ầm ĩ, dùng chiếc muỗng to nhất để ép cụ ăn cho bằng hết số thức ăn, mặc khuôn mặt đau đớn và ánh mắt cầu xin. Những lúc bà muốn đi vệ sinh, có ú ớ khản họng thì chị ta vẫn mải miết xem tivi dưới lầu. Thay vì nâng đỡ, tập vật lý trị liệu cho bà cụ thì chị ta la hét, chửi mắng như với một đứa trẻ, cũng chẳng quan tâm, đoái hoài xem bà có cần gì thêm không. Công việc của chị ta mỗi ngày chỉ là cho bà ăn, uống thuốc và... xem tivi.
Khi chị Trang biết sự thật và đưa ra cuộn băng, người ôsin này mới cúi đầu nhận sự thật. “May mà gia đình tôi phát hiện kịp thời, nếu không mẹ tôi phải chết trong ấm ức. Từ đó tới nay con cháu phải thay nhau trông giữ mẹ chứ không dám đi tìm ôsin mới nữa” - chị Trang nói trong nỗi muộn phiền và ân hận.
____________________
Cuộc sống xa quê lại phải luẩn quẩn trong nhà gia chủ nên các ôsin trẻ hay buồn và mơ mộng chuyện tình cảm. Nhiều cô đã chạy theo “tiếng gọi trái tim” mặc cho nỗi khổ của chủ nhà!
Kỳ tới: Thưa anh, em đi lấy chồng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận