22/08/2010 09:12 GMT+7

Duyên số giải Fields - Kì 6: Ai là tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam?

GS NGÔ VIỆT TRUNG - PHÙNG HỒ HẢI
GS NGÔ VIỆT TRUNG - PHÙNG HỒ HẢI

TT - Truyền thống của người Việt chúng ta là "uống nước nhớ nguồn". Sau giây phút hạnh phúc tột cùng với sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields 2010, không thể không nhớ đến GS Lê Văn Thiêm, người được xem là cha đẻ của nền toán học hiện đại ở VN.

Lê Văn Thiêm hay Phạm Tỉnh Quát?

Phần lớn những người làm toán Việt Nam sẽ trả lời đó là GS Lê Văn Thiêm. Nhưng cũng có người cho rằng GS Phạm Tỉnh Quát mới là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ. Cả hai ông cùng bảo vệ tiến sĩ quốc gia (Doctor d’Etat) ở Paris năm 1948 và có nguồn tin nói rằng ông Quát bảo vệ trước ông Thiêm vài tháng. Vậy có thật là ông Thiêm là người Việt Nam đầu tiên có học vị tiến sĩ toán học hay không?

I5atU5Pg.jpgPhóng to
Sáu học sinh VN tham dự kỳ thi Olympic toán quốc tế chụp ảnh bên tượng đồng chân dung GS.TS Lê Văn Thiêm tại Viện Toán học - Ảnh: Bích Ngọc

Theo các thông tin không chính thức trên Wikipedia, Lê Văn Thiêm đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đức khoảng 1944-1945. Nhưng những thông tin này chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Các thông tin chính thức về ông Thiêm không nói về việc bảo vệ tiến sĩ ở Đức.

Sinh thời ông Thiêm thường coi nhà toán học Phần Lan Nevanlinna là thầy của mình, nhưng trong thời gian đó ông Nevanlinna không ở Đức. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về tính xác thực của thông tin trên Wikipedia.

Tháng 12-2008 có hai giáo sư H. Esnault và E. Viehweg từ ĐH Essen, Đức, đến thăm Việt Nam. Khi làm việc với Viện Toán học, họ rất ngạc nhiên và ấn tượng về cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Văn Thiêm.

Trở về nước, sau rất nhiều nỗ lực tìm hiểu, họ đã nhận được email của TS. U. Hunger từ phòng lưu trữ ĐH Göttingen với nội dung sau: Tôi có thể chứng thực rằng Thiem Le Van đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở đây (hồ sơ bảo vệ số Math.Nat.Prom. 0728). Tên của luận án là “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên”. Phản biện chính của luận án, và cũng là thầy hướng dẫn, là Hans Wittich.

Buổi bảo vệ được tổ chức vào ngày 4-4-1945, bằng tiến sĩ được trao vào ngày 8.4.1946. Điểm đánh giá trung bình: giỏi.

Những tư liệu vô giá

Ngay sau đó, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với TS. Hunger để xin bản copy các tư liệu về GS Lê Văn Thiêm. Ông yêu cầu chúng tôi phải có giấy cho phép đọc tài liệu của GS Lê Văn Thiêm. Rất may là cuối cùng ông đã chấp nhận thông tin từ Wikipedia về việc GS Lê Văn Thiêm đã qua đời hơn 10 năm. Đó là thời gian tối thiểu để người lạ có quyền tiếp cận tư liệu.

Khi nhìn thấy Bằng tiến sĩ trong đó ghi trao cho Lê Văn Thiêm từ Lac Thien, Annam, trái tim chúng tôi như nghẹn lại. Tên nước Việt Nam lúc đó chưa có và đất nước chúng ta chỉ được thế giới biết đến là 3 miền thuộc địa Tonkin (Bắc bộ), Annam (Trung bộ) và Cochinchina (Nam bộ) của Pháp.

Bản lý lịch của Lê Văn Thiêm cho chúng ta biết ông sang làm luận án tiến sĩ tại ĐH Göttingen với học bổng của Quỹ Alexander von Humboldt, quỹ hỗ trợ danh tiếng nhất của Đức cho các nhà khoa học nước ngoài. Ông bảo vệ chỉ 4 ngày trước khi quân đồng minh chiếm được Göttingen.

Có cái lạ là tên ông Thiêm không nằm trong danh sách các tiến sĩ toán bảo vệ ở Đức trong các năm 1907-1945. Theo danh sách này thì không có ai bảo vệ năm 1945 và vì vậy có thể ông Thiêm là người cuối cùng bảo vệ tiến sỹ toán học ở Đức trong Thế chiến lần thứ II.

Như vậy, câu hỏi về việc ai là tiến sĩ toán học Việt Nam đầu tiên đã được trả lời. Hơn thế nữa đó là bằng tiến sỹ của ĐH Göttingen, nơi được coi là trung tâm toán học thế giới trước Thế chiến thứ hai. Xem phả hệ các nhà toán học chúng ta thấy ông Thiêm là hậu duệ trực tiếp của các nhà toán học nổi tiếng thế giới như Leibniz, cha con Bernoulli, Euler, Lagrange, Fourier, Dirichlet, Kronecker.

Một điều thú vị là trong số các học trò của thầy ông Thiêm ta thấy có Gorenflo, người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp của nhiều nhà toán học Việt Nam. Ông Gorenflo là nhà toán học nước ngoài có công trình viết chung với nhiều nhà toán học Việt Nam nhất (15 người) và là người hướng dẫn luận án của GS Đinh Nho Hào, cán bộ Viện Toán học.

Bằng tiến sĩ thứ hai, tại sao?

Câu hỏi tiếp theo là tại sao ông Thiêm lại bảo vệ tiến sĩ lần nữa tại Pháp. Năm 1946, ông Đinh Văn Niêm, em họ của ông Thiêm, có nhận được một bức thư của ông Thiêm nói rằng ông quyết định sẽ về nước phục vụ chính phủ Việt Nam.

Cũng trong năm đó ông Thiêm đã gặp ông Tạ Quang Bửu trong đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam sang ký hiệp định Fontainebleau. Có thông tin nói rằng ông Bửu đã khuyên ông Thiêm ở lại Pháp nghiên cứu thì sẽ có lợi hơn cho đất nước. Có lẽ đó là nguyên nhân để ông Thiêm ở lại châu Âu và lấy thêm bằng tiến sĩ quốc gia ở Paris năm 1948. Sau đó ông Thiêm sang Thụy Sĩ làm trợ lý giáo sư cho ông Nevanlinna trước khi trở về nước tham gia kháng chiến năm 1949.

Cũng cần phải nói thêm rằng người hướng dẫn luận án tiến sĩ quốc gia của ông Thiêm và ông Quát là ông Valiron. Ông này cũng là thầy của ông Schwartz, được giải Fields năm 1950. Ông Schwartz lại là thầy của ông Grothendieck, được giải Fields năm 1966. Trong một số báo trước, chúng ta đã biết ông Grothendieck là cụ của Ngô Bảo Châu về mặt toán học.

Giáo sư Lê Văn Thiêm sinh ngày 25-3-1918 tại làng Lạc Thiện, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức.

Năm 1949, ông đã từ châu Âu về Việt Nam qua đường Thái Lan. Sau đó ông đi bộ từ Nam Bộ ra Việt Bắc, tham gia xây dựng trường đại học đầu tiên ở chiến khu. Cùng các trí thức khác như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa..., ông đã xây dựng nền móng cho khoa học Việt Nam.

Với sự trợ giúp của GS Hoàng Tụy, ông đã góp phần đưa nền toán học Việt Nam trong thời kỳ 1960-1980 lên một vị trí cao trong khu vực, được cả thế giới biết đến. Tới nay cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành một phần của lịch sử phát triển toán học Việt Nam hiện đại.

Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học, chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam và tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí toán học Việt nam là tạp chí “Acta Mathematica Vietnamica” và “Vietnam Journal of Mathematics”.

Ông cũng là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sư phạm Hà Nội (khi đó có tên là Đại học Sư phạm Khoa học) và Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (khi đó có tên là Đại học Khoa học Cơ bản).

Kỳ 1:Những người bạn lớn của toán học VNKỳ 2: Ngô Bảo Châu sản phẩm đặc biệt của A0Kỳ 3: Đôi cánh gia đìnhKỳ 4: Ngô Bảo Châu và duyên kỳ ngộ với PhápKỳ 5:Những điều thú vị về Ngô Bảo ChâuGiáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng FieldsGiáo sư Ngô Bảo Châu: Chúng ta hãy đi cùng một con đường

.......................................................................

Họgiống nhau ở chỗ cùng đoạt HCV Olympic toán học với điểm tối đa 42/42...

Kỳ tới:Đàm Thanh Sơn: từ toán đến lý

GS NGÔ VIỆT TRUNG - PHÙNG HỒ HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên