13/08/2010 06:23 GMT+7

Phận "kiều nữ" - Kỳ cuối: Lặng lẽ một chữ tình...

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Cho đến khi hoàn thành loạt bài này, tôi vẫn còn sợ cái cảm giác đau nhừ đốt sống lưng khi đứng trên đôi giày cao gót suốt tám giờ. Sợ những đêm về đặt lưng xuống mà những chùm ánh sáng chấp chíu sáng lóa cứ nhức nhối mắt. Sợ những đêm vắng mà đầu cứ ong lên những tiếng o o đều đều đến nỗi cảm giác thanh âm ấy ngang như một đường thẳng. Bụng cứ nóng râm ran suốt ngày hôm sau.

SDKNcYjq.jpgPhóng to

Có những phút sự san sẻ đến từ những nơi như thế này... - Ảnh: My Lăng

Trong thế giới nhập nhòa thật - ảo, xa hoa, hào nhoáng và tưởng chừng thực dụng đến trần trụi đó vẫn le lói ánh sáng của những đốm lửa mang hơi ấm tình người, soi rọi tâm hồn con người ấm áp hơn, trong lành hơn.

Nhiều PR luôn giữ vẻ lạnh lùng, bất cần. Họ dường như cố gồng lên tỏ ra “chị đại” (chị lớn) xù lông gai góc bảo vệ mình trong môi trường phức tạp này. Rồi họ lặng lẽ yêu thương, quan tâm nhau cũng trong vỏ bọc lạnh lùng ấy. Đôi mắt dịu dàng và sự lo lắng hiển hiện trên gương mặt đã lộ ra những cảm xúc thật nhất, nhân bản nhất trong sâu xa mỗi con người tưởng như chỉ biết có đồng tiền này.

Tôi đã hai lần được ăn mì gói và muối trộn ớt trong... nhà vệ sinh sau 12g đêm cùng họ. Thấy tôi mệt mỏi, liêu xiêu bước vào, những PR bar đang ngồi chồm hổm ăn mì gói hỏi thăm: “Em đói hả? Lại đây ăn mì gói nè”. Mì chưa chín hẳn nhưng đó là tô mì đặc biệt nhất từ trước tới giờ tôi được ăn.

Trong những ngày cuối cùng làm ở một bar trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, khi tôi nói bâng quơ: “Chắc em nghỉ làm xin việc khác, chứ uống rượu bia và thức đêm nhiều quá em chịu không nổi”, nhiều PR nhìn tôi bằng ánh mắt đầy lo lắng và cảm thông. Nhật Hoa ôm lấy tôi nói với thái độ rất chân thành: “Chị thấy em mong manh và hiền quá, không hợp với chỗ này. Em đã xin được ở đâu chưa mà tính nghỉ?”.

Kỳ 1: Nhập môn “kiều nữ” Kỳ 2: Nước mắt “kiều nữ” Kỳ 3: Đời hồng nhan Kỳ 4: Thế giới “bung” tiền Kỳ 5: Chuyện tình PR Kỳ 6: Rời ánh đèn màu Kỳ 7: Phút nói thật Kỳ 8: Tâm sự một “ngôi sao” PR

Khi tôi xin nghỉ, quản lý nhìn tôi bằng ánh mắt thân thiện, hỏi: “Có đứa nào ăn hiếp em phải không? Em nói đi, chị sẽ nói chuyện với nó ngay”. Chị trầm ngâm lắng nghe và tỏ vẻ thương cảm khi tôi trình bày lý do không phù hợp sức khỏe của mình.

Có lần khi thấy tôi đứng bàn với một nhóm khách trẻ, quản lý ghé qua nói nhỏ: “Nhóm này uống dữ lắm. Em nhắm thấy uống không nổi thì nói khéo là hơi mệt, không uống được hoặc xin rút ra nghe”...

Tôi có thiện cảm hơn với “má mì” sau lần một người khách quen của bar bất ngờ rủ tôi ra ngoài “đi chơi”.

Lúc đó đã hơn 12g đêm! Khi tôi từ chối, khách kỳ kèo với giọng đầy thách thức: “Đi chơi lát anh đưa em về, quản lý làm gì dám la em!”. Tôi liếc mắt nhìn “má mì” cầu cứu. Chị giả bộ làm mặt nghiêm, giải thích: “Em nó đang trong giờ làm không được ra ngoài anh à. Đây là quy định của bar, anh thông cảm...”.

Với những cô gái làm nghề PR bar có quá nhiều mâu thuẫn trong họ. Họ thèm khát niềm tin nhưng luôn hoài nghi. Họ cần tiền, muốn kiếm thật nhiều tiền đến mức sẵn sàng chiều khách nhưng cũng không ngại ngần dúi vào tay bạn mình 50.000 đồng khi người đó bị “lốc” (không có tiền “boa”).

Họ cười ngạo nghễ, khinh mạn khi nhắc về đàn ông, họ tỏ ra bất cần tình yêu nhưng lại khao khát tìm được một người đàn ông thật lòng yêu mình. Có những người muốn rời xa môi trường này để định hình cho mình một tương lai vững vàng nhưng lại không đủ can đảm “đoạn tuyệt”.

Có người trong cơn say đã gọi điện thoại tâm sự như trút hết gan ruột với nỗi cô đơn, mất phương hướng về cuộc đời mình. Cô gặp tôi chỉ để lang thang quanh thành phố, gục đầu vào lưng một người con gái khác, tìm hơi ấm và chút bình yên...

Vài nét “chân dung” các PR bar

Như chúng tôi đã nói ngay từ bài đầu, chữ PR dùng trong trường hợp của nghề PR bar hoàn toàn khác với khái niệm về ngành quan hệ công chúng (Public Relation - PR) trong lĩnh vực truyền thông. PR bar ở đây chỉ những cô gái làm công việc tiếp rượu ở một số quán bar, vũ trường...

Để kết thúc loạt bài này, xin giới thiệu thêm ý kiến một người trong cuộc: ông Chris Nguyen - giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Chicago Travel Co., Ltd:

Sự có mặt của các cô gái tiếp rượu có lẽ quyết định đến 50% cuộc vui của khách đến bar. Đơn giản thế này, nếu bạn có quan hệ tốt với các cô, bạn dễ dàng có được chỗ ngồi đẹp, biết thời điểm nào nhạc hay. Nếu ta đến đó vì công việc thì sẽ có những người bạn tiếp chuyện, mời rượu, không chỉ để mua vui lúc đó mà là để tạo mối quan hệ gần gũi, tạo ra chất keo của nhạc, cuộc sống sôi động.

Sự phục vụ của các cô gái tiếp rượu làm cuộc vui của khách thoải mái hơn rất nhiều.

Giới làm nữ tiếp rượu ở các bar/vũ trường có đủ kiểu, nhưng có thể chia làm hai nhóm. Nhóm đầu là các bạn muốn va chạm cuộc sống, va chạm với nghề cho hiểu biết và kiếm sống. Nhóm thứ hai là những người thuộc nhóm đầu tiên sa ngã, đua đòi, cần nhiều tiền hơn.

Có những bạn khó khăn, cần tiền phụ giúp gia đình phải lo mưu sinh. Số đó không ít. Cũng có người coi việc đi làm tiếp rượu tại bar là một hình thức vui chơi. Có những cô làm tiếp rượu cho vài nhãn rượu bia nào đó... xuất thân rất giàu nhưng họ muốn tự tập cho mình một cuộc sống năng động.

Tôi từng biết một bạn đi làm tiếp rượu bằng xe hơi. Tôi hỏi thì cô cho biết thích giới thiệu rượu này rượu khác, không nặng về tiền bạc.

Ngay giữa những cô gái tiếp rượu có những cô cực kỳ thông minh và cá tính độc đáo. Có cả những tầng lớp đi tiếp rượu nhưng lại... ngầm đi quản lý nhân sự. Họ cần phải đi sâu sát trong công việc họ đảm nhận. Ngay cả khi là người quản lý thì họ vẫn có thể là người tiếp rượu.

Quan niệm cho rằng có thể kiếm được nhiều tiền từ nghề tiếp rượu không hẳn đúng. Trong thời gian dài tiếp xúc, tôi chưa từng nghe một cô tiếp rượu nào nói nghề này dễ kiếm tiền. Thực tế là khi bỏ tiền đến một mức nào đó, đầu tiên người ta phải lấy lại được cái gì.

Dưới 30% các cô gái trong nghề tiếp rượu coi đây là nghề, số còn lại chỉ xem là việc thời vụ và làm một thời gian ngắn thôi. Khi các cô rời khỏi nghề, có lẽ phải gọi là thay đổi hẳn một cuộc sống khác chứ không phải lui về chốn bình lặng hơn.

Một số bạn tôi biết là sinh viên, là “con nhà lành” sẽ chọn cuộc sống khác...

______________________

Đón đọc số tới:Khốn khó vì Vedan

Câu chuyện của Vedan vẫn chưa có hồi kết, tiền bồi thường chưa ngã ngũ, dòng sông Thị Vải vẫn chưa thể hồi sinh, còn những người dân sống dựa vào dòng sông này cuộc đời họ đang lâm cảnh bần cùng.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên