Phóng to |
Phút đối diện với mình, mỗi người là một tâm trạng trong tấm gương cuộc đời... - Ảnh: My Lăng |
Kỳ 1: Nhập môn “kiều nữ” II Kỳ 2: Nước mắt “kiều nữ”Kỳ 3:Đời hồng nhan II Kỳ 4: Thế giới “bung” tiềnKỳ 5: Chuyện tình PR II Kỳ 6: Rời ánh đèn màu |
Tôi khóc mà không biết vì sao!
Cô trầm ngâm rồi tiếp: “Gần một năm, tôi cặp với một người giàu có. Anh ta hứa sẽ lo cho tôi ăn học nếu tôi nghỉ làm bar. Sau một thời gian sống như vợ chồng, anh ta đột ngột biến mất. Khi tôi đang hạnh phúc nghĩ đến một tương lai tốt đẹp với một tình yêu đẹp thì anh ta đạp nát giấc mơ đó. Tôi hận đàn ông, nhất là đàn ông đi bar.
Hồi mới làm tôi bị một ông già sụ bóp ngực, tôi khóc từ bar về nhà. Kinh tởm quá! Nhưng có lần một chị PR làm trước tôi bảo đã làm cái nghề này chỉ cần có tiền “boa” là được. Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy cũng có lý. Từ đó tôi cho khách sờ mó, đụng chạm thoải mái nhưng không đi khách.
Tôi giấu cả nhà chuyện mình làm ở bar. Mọi người nghĩ tôi chỉ đi bán cà phê. Riết rồi tôi cũng mặc cảm về cái nghề của mình. Chỉ nghe ai đó vô tình nhắc tới từ PR bar đã thấy nhột rồi. Từ lúc đi làm bar tôi hay khóc lắm. Khóc lúc đứng bàn, lúc cầm tiền boa. Khóc mà không hiểu tại sao mình khóc thì còn ai hiểu được mình...
Nhớ lại mấy lần sốt 2-3 ngày nhưng vẫn ráng đi làm, tôi thấy tội nghiệp chính mình. Cứ uống say lại lao xuống nhà vệ sinh móc tay vào họng cố ói rượu ra rồi lên đứng bàn tiếp. Làm cái nghề này phải say chứ không phải mình muốn say, không mê tiền cũng phải mê tiền. Quen cỡ nào thì quen nhưng khi vô bar đều là khách hết. Sau lưng họ, câu chuyện của chúng tôi về khách chỉ xoay quanh hai vấn đề: thằng nào dê xồm, thằng nào boa nhiều, thằng nào keo kiệt.
Ở trên bar, PR đẹp bao nhiêu, tươi tắn bao nhiêu thì phòng locker và nhà vệ sinh là nơi họ bộc lộ thật nhất diện mạo mình: mệt mỏi, rũ rượi, văng tục và cả nước mắt. Tôi sợ cái cảnh ôm xô ói đến mức ám ảnh. Tôi sợ phải ăn mì gói nóng để đỡ cảm giác say. Nhất là phải ăn chanh, ăn nhiều tới nỗi chát cả miệng và khàn cả tiếng để chống say phần nào và làm tỉnh rượu.
Nhiều lúc tôi rất lo lắng và sợ cho tương lai mình. Không lẽ tôi cứ say xỉn đến cắm đầu để lấy tiền sống như thế này mãi? Có lúc nghĩ tới cảnh mình già tôi thấy sợ. Lúc đó mình không còn đẹp, không đứng bar được nữa sẽ làm nghề gì? Ai nuôi mình? Rồi đời mình sẽ về đâu? Mà không làm PR thì mình sẽ làm nghề gì kiếm được nhiều tiền như thế?...
Tôi ráng làm bar một thời gian, tiết kiệm tiền gửi ngân hàng. Làm tới lúc đủ để không phải lo khi ốm đau sẽ nghỉ, đi học làm nail hoặc uốn tóc. Tôi muốn ngẩng cao đầu khi yêu một người đàn ông. Nhưng khi còn làm PR bar, tôi không tự tin vào chính mình, không dám tin vào tình cảm của người đàn ông mà mình thích. Cứ cho là tụi tôi mặt dày, là chai cảm xúc nhưng khi đã thương ai đó thật lòng làm sao không mặc cảm, không thấy tủi nhục khi phải ôm khách trước mặt người mình yêu?”.
Tôi chỉ buồn, không xấu hổ...
“Không có bar xấu, không có vũ trường xấu. Chỉ có khách đi chơi xấu, PR bar xấu mới làm môi trường này biến tướng - Thụy Vy, quản lý PR một bar ở Q.Phú Nhuận, khẳng định - Nghề PR bar cũng chỉ là một công việc bình thường như những ngành nghề khác. Hiểu đúng nghĩa thì PR bar, vũ trường là những nhân viên chăm sóc khách hàng, đứng nói chuyện và uống rượu với khách, làm cho khách cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Nhưng có những PR bar đã hiểu sai công việc của mình, cứ nghĩ cho khách ôm ấp, sờ mó, càng chiều khách càng được nhiều tiền. Còn khách thì coi PR bar như trò chơi giải trí, thậm chí coi PR như gái bia ôm nên làm xã hội nhìn nghề này chẳng ra gì.
Tôi làm PR bar từ năm 2003. Gia đình, bạn bè đều biết tôi làm PR. Trước đây trong đầu bố mẹ tôi, con gái làm PR giống như gái bia ôm! Tôi biết điều đó nên giấu một thời gian rồi mới dám nói. Bố mẹ tôi xấu hổ và tức giận lắm nhưng cuối cùng cũng tin tôi. Ngay trong lần đầu tiên ra mắt bố mẹ chồng (Vy sắp làm đám cưới với một người từng là khách ở một bar cô làm việc) tôi cũng không giấu. Thà nói thẳng ngay từ đầu để họ hiểu chứ cứ xì xầm tôi chịu không nổi. Chúng tôi kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, phải cực khổ đứng trên giày cao gót tám giờ, uống rượu bào cả ruột để kiếm tiền boa chứ có phải ngửa tay xin đâu.
Khi một người khách bảo tôi giới thiệu cho anh ta một vài em PR “đi chơi”, tôi lắc đầu bảo không biết. Anh ta nửa đùa nửa thật: “Em làm quản lý mà dở quá vậy?”. Tôi trả lời: “Em chỉ quản lý họ trong giờ làm việc, còn họ làm gì ngoài luồng em không biết được”.
Tôi hay nói với nhân viên của mình: PR bar không phải là nghề bán thân. Khách đi bar cũng vậy, rất nhiều dạng, nhiều thành phần. Không phải ai cũng xấu xa, bầy hầy. Tôi đã có nhiều người bạn từng là khách nhưng giờ thân thiết như anh em trong nhà. Họ quý tôi dù tôi không sà vào lòng họ, không chiều chuộng khách như nhiều PR bar khác. Tôi vui vẻ, cởi mở với khách nhưng luôn có một khoảng cách để họ tôn trọng mình. Thật ra nhiều khách đi bar chỉ để xả stress, để thoải mái, vui vẻ thôi. Nếu uống rượu, nghe nhạc mà có một cô gái dễ thương đứng nói chuyện sẽ rất vui. PR phải làm cho họ hiểu và tôn trọng công việc của mình.
Thu nhập của một quản lý PR như tôi trung bình trên 15 triệu đồng/tháng. Với một người không bằng cấp, thu nhập như thế rất cao. Tôi ráng làm tới tết rồi nghỉ, sau đó sinh con. Tôi dành dụm được ít tiền sẽ buôn bán thứ gì đó. PR chỉ kiếm ra tiền khi còn trẻ đẹp thôi.
Lấy chồng xong tôi sẽ đi khám tổng quát. Tôi bị gai cột sống vì đi giày cao gót nhiều quá. Đã thế mỗi lần xỉn là nằm lăn lóc dưới nền đất lạnh. Ai làm cái nghề này lâu cũng bị bệnh về mắt, cột sống, tai và đường ruột. Bụng ai cũng to như có thai 2-3 tháng vì uống rượu bia nhiều quá. Có bar khách quậy quá, hút thuốc lá phà vào mặt. Tối về nhà thấy đầu tóc, áo quần, tay chân khét lẹt mùi thuốc lá! Suốt cả tuần cứ gần 3g-4g sáng mới ngủ được. Đi trên đường cứ bồng bềnh, lâng lâng, không biết mọi người xung quanh đang nói gì.
Nhà tôi ở Bình Dương. Đêm nào cũng 2g sáng mới chạy về. Sau lần bị cướp xe, cứ nghe tiếng xe chạy gần mình là tim tôi đập thình thịch. Nhiều đêm say đến rũ người trên xe mà vẫn phải chạy. Nhiều đêm tỉnh táo tôi cắm đầu phóng như điên vì sợ bị cướp. Nhiều đêm đội mưa gió đi về, vừa lạnh vừa đói, nghĩ tới cảnh người ta đang ngủ trong chăn êm nệm ấm, tôi tủi thân khóc suốt dọc đường...”.
--------------------------------------------
Giữa những trắng đen cuộc đời đâu phải ai cũng buông tay mặc cho may rủi! Câu chuyện “giữ mình” của một PR bar là sinh viên, vốn từng là ngôi sao trong các bar danh tiếng.
Kỳ tới: Tâm sự của một “ngôi sao”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận