Phóng to |
Những cuộc tình nào sẽ diễn ra ở chốn này? - Ảnh: My Lăng |
Kỳ 1: Nhập môn “kiều nữ” Kỳ 2: Nước mắt “kiều nữ”Kỳ 3:Đời hồng nhanKỳ 4: Thế giới “bung” tiền
Bẫy tình
Tôi chợt nhớ đến lời khuyên của một người khách: ”Em làm nghề này khó có người yêu lắm. Không đàn ông nào đủ can đảm cưới một cô PR làm vợ!”.
Chính những cô gái làm PR cũng nhận ra sự thật ấy. Cô PR tên Hồng Nga từng tâm sự: “Nga sẽ cố gắng kiếm tiền thật nhiều trong thời gian nhanh nhất rồi nghỉ luôn. Phải nghỉ làm bar Nga mới dám tin tình cảm của người ta dành cho mình”...
Còn Minh Nguyệt, cô PR người Tây Ninh, nói như cảnh báo: “Em đừng ngây thơ tin rằng có tình yêu giữa PR và khách! Em nghĩ người ta dám yêu một cô gái làm cái nghề ôm ấp đàn ông, cho đàn ông rờ mó, đụng chạm như tụi mình không? Mà nếu có thương mình thì người ta cũng không dám tính tới chuyện nghiêm túc. Trừ khi em bỏ nghề!”.
Chỉ về hướng Hải Ly, cô PR mới 19 tuổi, Minh Nguyệt nói tiếp: “Nhỏ đó có người yêu làm phục vụ trong bar mình đó. Ổng hiền khô à, chứ ghen quá chắc khùng luôn”.
Trước đây, Hải Ly làm PR ở một bar quận 12. Chủ bar là bạn thân của cha Ly. Sau khi cha Ly mất, ông ta đưa cô vào bar làm PR. Từ đó Ly phải gọi người đàn ông đáng tuổi cha mình là “anh”. Cô phải khéo léo từ chối rất nhiều lần đề nghị “qua đêm” với “anh”. Ly và người yêu hiện giờ biết nhau từ khi còn ở quê.
“Khi vào đây làm PR tui gặp lại ảnh rồi nảy sinh tình cảm. Tụi tui yêu nhau gần bốn tháng rồi. Tối nào cũng thấy tui ôm ấp khách trước mặt, cho khách sờ soạng, rờ mó nhưng vẫn phải cười, tui hỏi ảnh có nghĩ gì không, ảnh bảo: “Đó là công việc của em. Anh không ghen, chỉ cần hết giờ làm em trở về là em của anh là được”. Nhưng mấy bữa nay tui thấy ảnh buồn. Ảnh bảo tui nghỉ làm, về quê chơi cho thoải mái rồi lên Sài Gòn đi học làm tóc cho đàng hoàng” - cô PR quê An Giang phụng phịu vừa kể vừa liên tục vuốt mái tóc nhuộm vàng khè.
Chợt Hải Ly bặm môi, nói mà giọng chùng hẳn: “Tui ráng tỏ ra bình thường vậy thôi chớ làm sao ôm ấp một thằng đàn ông lạ hoắc trước mặt người mình yêu mà bình thường nổi?! Nhiều bữa về tui khóc... Cứ nghĩ tới ánh mắt ảnh nhìn mình lúc bị một thằng khách “quậy” là tui chịu không nổi. Bà có thấy tui mất nết không? Yêu một người, thương một người nhưng lại ôm nhiều người lạ hoắc lạ huơ trước mặt người mình yêu. Cứ nhớ tới cái nhìn của ảnh thôi là tui muốn bỏ nghề về quê rồi. Nhưng không làm PR thì làm nghề gì kiếm nhiều tiền được như vậy? Tui còn phải nuôi mẹ và hai đứa em đang học đại học nữa”...
Đánh trúng tâm lý cần tiền của PR, nhiều người khách chơi trò “câu cá” bằng “mồi câu” rất ngọt ngào: luôn tỏ vẻ lịch sự, đàng hoàng, hay quan tâm cuộc sống của PR, cảm thông với công việc của họ và sẵn sàng giúp đỡ với đề nghị: em bỏ nghề PR đi, về công ty anh làm thư ký cho anh với mức lương đủ sống hoặc học một nghề nào đó, anh sẽ lo hết cho em tiền ăn học, thuê nhà...
Không ít PR mới vào nghề ngây thơ tin rằng “trên đời này còn có người tốt” và vội vã nghỉ việc. Họ sa ngay vào bẫy tình của người khách trải đời. Chỉ sau một thời gian ngắn, “người tốt” lộ nguyên bộ mặt thật. Không ít cô PR mới sinh con xong phải quay lại nghề PR cùng nỗi hận đàn ông thấu trời.
Có một nàng Lọ Lem...
“Hồi mới gặp Cúc, tôi không ấn tượng gì ngoài gương mặt bướng bỉnh. Cô ấy không đẹp và “rực lửa” như những PR khác. Nhiều PR muốn “bào” tiền sẽ tìm đủ cách nói chuyện, thậm chí nói toàn chuyện nhảm nhí. Nhưng Cúc khác, cứ đứng đó, mặt lạnh tanh. Tôi uống ly nào, Cúc uống ly đó” - Dũng, một doanh nhân trẻ có máu mặt trong ngành bất động sản Sài Gòn, kể.
Từ đó, mỗi lần vào bar Dũng chỉ gọi cô PR có gương mặt bướng bỉnh ấy “đứng bàn” để nói chuyện. Cúc không bao giờ gọi điện thoại mời anh vào đặt bàn để lấy doanh số.
Hơn hai tháng sau, họ yêu nhau. Dũng khẳng định: “Muốn thay đổi lối sống của Cúc như hồi còn làm PR thì phải thay đổi thói quen. Có lần nghe một bản nhạc các bar hay mở, Cúc huơ huơ ngón tay giật giật theo nhạc liền bị tôi nhắc nhở ngay”.
Yêu nhau một thời gian, Cúc bỏ nghề PR. Cô học cắt tóc ở một salon tóc nổi tiếng tại quận 1 và làm thêm ở một spa. Đúng lúc đó, tài khoản của Dũng bị bố mẹ “phong tỏa” vì muốn cậu quý tử đi du học. Dũng bị “giam lỏng” ở nhà. Công ty riêng của anh giải thể. Dũng gần như “trắng tay”.
Khi đó, dù đang ở căn phòng thuê nhỏ như nhà vệ sinh bên quận 8 (ngang 1m, dài 2m) nhưng Cúc vẫn gửi Dũng một phần tiền lương hằng tháng để anh chi tiêu lặt vặt.
Có lần Cúc được khách bo 20.000 đồng, cô hớn hở dẫn Dũng đi ăn hủ tiếu. Đó là lần đầu tiên chàng trai nhà giàu ngồi ở vệ đường ăn tô hủ tiếu - món ăn xa lạ với những nhà hàng sang trọng và đẹp như tranh mà Dũng đã quen từ nhỏ.
“Vừa ăn tôi vừa sợ không đủ tiền nhưng lúc đó thấy rất hạnh phúc. Vì những lúc tôi khó khăn nhất người con gái ấy vẫn ở bên tôi, cùng sẻ chia mọi thứ trong cuộc sống mà không một lần than thở. Khi trong túi có nhiều tiền, tôi không dám tin ai. Nhưng lúc khó khăn, tôi thật sự tin vào tình cảm của người con gái mình yêu” - Dũng mỉm cười khi nhớ lại khoảng thời gian thử thách ấy.
Khi anh đưa Cúc đi giới thiệu bạn bè, nhiều người hỏi nửa đùa nửa thật: “Quen bao lâu thì bỏ?”. Họ đã yêu nhau hơn ba năm.
Người con gái Dũng yêu có một tuổi thơ không bình yên. 6 tuổi, Cúc và chị gái đi bán vé số. Khi bố mẹ chia tay, Cúc ở với cha. Rồi ông đi bước nữa. Cúc có thêm hai người em cùng cha khác mẹ. “Cúc rất có hiếu với cha mẹ và thương em. Cô ấy chưa bao giờ oán trách cha mẹ điều gì dù phải đi làm kiếm tiền nuôi hai em ăn học” - Dũng giải thích lý do mình yêu cô gái từng làm PR ấy.
Lần đầu tiên đưa Cúc về nhà, bố mẹ Dũng ít nói đến đáng sợ. Mặt lạnh băng. Lúc ăn cơm, họ vẫn giữ sự im lặng đến nghẹt thở ấy làm không khí bữa ăn như... chiến trận. Vừa bước chân ra khỏi cánh cổng hoành tráng kiên cố, Cúc bật khóc.
Dũng trầm ngâm khi nghe hỏi đến chuyện tương lai của hai người. Anh bảo: “Khi yêu Cúc, tôi coi quá khứ của cô ấy như một tờ giấy trắng. Điều quan trọng là hướng Cúc đến một tương lai tốt hơn với một lý lịch mới. Hãy để quá khứ ngủ yên nếu quá khứ ấy làm đau lòng người con gái tôi yêu. Tôi biết để gia đình mình chấp thuận còn cả chặng đường dài đầy khó khăn. Tôi đang thuyết phục bố mẹ và sẽ quyết tâm bảo vệ tình yêu của mình đến cùng”.
Nhiều PR không có kết thúc có hậu như vậy. “Họ chia tay sau một thời gian quen nhau vì người đàn ông không vượt qua được dư luận. Thật ra những cô PR càng tỏ ra bất cần đời, khinh miệt đàn ông lại là người rất dễ “gục” và yêu rất dữ dội. Nhưng đa số đàn ông đến với PR chỉ coi họ như kẻ lót đường, như một thứ tình tạm bợ thôi” - Linh khẳng định.
______________________
Thế giới giả tạo hào nhoáng dưới ánh đèn màu có phải là tất cả cuộc sống? Phải chăng ai cũng dễ dàng buông tay cho cạm bẫy cuộc đời?
Kỳ tới: Rời ánh đèn màu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận