07/08/2010 06:47 GMT+7

Phận "kiều nữ - Kỳ 3: Đời hồng nhan

MY LĂNG - MỸ THƯƠNG
MY LĂNG - MỸ THƯƠNG

TT - Trong 14, 15 giây di chuyển từ sàn bar xuống phòng VIP, trong đầu tôi hình dung những tình huống xấu nhất và cách xử lý. Mặc dù vậy, khi dòng chữ VIP in đậm to đùng trên cánh cửa đập vào mắt và nghe người phục vụ nói lúc mở cửa “Vui vẻ nha anh”, tôi rợn ót!

2yzvCLVF.jpgPhóng to
Đi vệ sinh để tranh thủ ngồi bệt xuống sàn nhà vệ sinh sau những giờ mệt mỏi trên đôi giày cao gót - Ảnh: My Lăng

Kỳ 1: Nhập môn “kiều nữ” Kỳ 2: Nước mắt “kiều nữ”

Như một cơn say

Nhưng phòng VIP trước mắt tôi là một quầy bar nhỏ với đầu đĩa hát karaoke, có một nhân viên phục vụ và tới... bốn bảo vệ. Thành ghé tai nói nhỏ: “Anh biết em không uống rượu được, không thích ôm khách mà quản lý cứ sàng qua sàng lại nên đưa em xuống đây tránh phiền phức cho em. Em không chịu được máy lạnh đúng không? Anh thấy em run lên”. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng... Lúc gần về, Thành nâng ly mời và tế nhị giúi tiền vào tay trái tôi...

Buổi tối hôm ấy, khi đứng xong bàn cuối cùng, trong cơn say Thục Ngân - cô PR mới đi làm ngày đầu - bất ngờ gục mặt vào vai tôi lặng lẽ khóc: “Hồi trước đi chơi bar thấy nhiều cô gái lả lơi ôm khách, em cười khinh bỉ họ, cho rằng đó là loại đàn bà không có lòng tự trọng. Thế mà cuối cùng em cũng không khác gì người ta...”. 18 tuổi Ngân gặp một đại gia. Đó là người đàn ông rất đạo đức trong cái nhìn đầy ngưỡng mộ của một cô gái ngây thơ. Nhưng khi biết Ngân có thai, anh ta rời xa không một lời giải thích. Cô phải ra Nha Trang sinh con trong một cô nhi viện. Gần hai năm sau, Ngân quyết định về Đà Lạt thú thật mọi chuyện với gia đình rồi gửi con cho cha mẹ. Ngân xuống Sài Gòn học một trường du lịch.

“Bar không phải là nơi dành cho gái nhà lành. Nhưng không bằng cấp như em muốn kiếm nhiều tiền thì bar là lựa chọn tốt. Nếu cái chết giải quyết được vấn đề thì em đã chết rất nhiều lần rồi. Nhưng em không thể bỏ người thân của mình được. Con em ai sẽ lo? Em đã sinh nó ra trên đời thì nhất định sẽ không để nó khổ”, Ngân tâm sự.

Ban ngày cô lên giảng đường, tối đến làm PR bar. Ngân luôn giữ thái độ chừng mực: cho khách ôm nhưng không quá đà, uống rượu nhưng luôn khôn khéo nhờ khách uống giùm phần của mình. Nhưng có hôm đứng bàn nhiều quá Ngân vẫn say. Khuya hôm đó, khi đưa cô về nhà trọ, đang loạng choạng đi như lê từng bước lên bậc cầu thang, Ngân ngồi thụp xuống ôm gối khóc. Cô nghẹn ngào: “Em sợ cuộc đời mình giống như cơn say này, đi mãi mà không tới đích. Em từng sống rất kiêu hãnh nhưng nếu cứ như thế này mãi em sẽ hư mất. Nhân phẩm của em nếu đổi được cơm ăn áo mặc cho con em, lo cho ba mẹ em thì em không tiếc. Nhưng nhiều lúc phải để cho những kẻ chẳng ra gì ôm mình mà vẫn phải cười thì nhục lắm”.

Người phụ nữ mới 22 tuổi nhưng đầy từng trải ấy tỏ ra bi quan: “Trên đời này làm gì có tình yêu vĩnh cửu. Em không yêu đàn ông nữa. Em chỉ yêu tiền thôi”. Ngân nói một cách bất cần. Vậy nhưng có lần đi chơi với Ngân, khi được Thắng (một người khách) tặng bó hoa hồng, cô rạng rỡ đón bằng hai tay với niềm vui như trẻ thơ.

Những mảnh buồn...

Giống như Thục Ngân, những cô PR mà tôi gặp luôn lạnh lùng, bất cần và gai góc. Họ luôn nói đến tiền và luôn nhắc đến đàn ông với thái độ khinh miệt, cay nghiệt. Họ đốp lại đầy dữ dội khi ai đó chạm đến nghề nghiệp của mình: “Ừ. Tao không đàng hoàng mới đi làm cái nghề này!”. Nhưng khi say, họ trở nên dịu dàng và lo lắng quan tâm một cách chân tình. Họ chỉ nói về cuộc đời mình - những câu chuyện được chắp nối rời rạc với nỗi đau và chuyện buồn trong những cơn say. Họ luôn cười tươi và đầy sức sống để che đi những góc khuất trong tâm hồn.

Khá nhiều PR ở đây từng có gia đình. Như Minh Nguyệt, cô PR quê Tây Ninh hay ngồi trầm lắng ở một góc trong sàn, đã lập gia đình 10 năm trước. Ở tuổi 30, Nguyệt khó cạnh tranh với những PR trẻ khác. Lấy chồng bốn năm, cô đi lao động ở Hàn Quốc, gom góp tiền gửi về cho chồng mở quán cà phê. Đột ngột về VN, Nguyệt vụn vỡ khi thấy chồng đang sống cùng một nhân viên bán cà phê.

Cuộc chia tay đau đớn. Nguyệt đi làm ở quán nhậu rồi chuyển qua làm PR một bar ở Gò Vấp. Một tay bảo kê là đại ca ở đó mê Nguyệt đến mức cuồng si. Hắn tìm đủ mọi cách, kể cả đe dọa, để Nguyệt đồng ý lấy mình. Cô phải trốn đi. Nguyệt đang sống chung với một chàng sinh viên thua mình sáu tuổi. Cô đi làm để lo cho bạn trai ăn học nhưng anh ta suốt ngày vùi mặt trong phòng chơi game. Nguyệt thở dài thừa nhận: “Chị biết chuyện này rồi chẳng đến đâu. Nhưng những lúc say về lại cần một người đàn ông cho mình dựa dẫm”.

“Chị không tin bất cứ thằng đàn ông nào nữa - Nguyệt khẳng định - Không thể có tình yêu giữa PR và khách. Ôm những thằng đàn ông lạ thì làm gì có cảm giác nhưng vì tiền phải vậy thôi”.

Câu nói của Nguyệt làm tôi nhớ đến Quỳnh Thy. Thy là một trong những PR rất chịu chiều khách. Giọng cô khàn bởi thuốc lá và rượu. Thy thường đến sớm. Cô luôn ngồi lặng lẽ ở một vị trí nhất định trước tấm gương lớn, tự trang điểm. Sự từng trải với nhiều nỗi đau từ những đổ vỡ đã làm gương mặt Thy già nhiều hơn cái tuổi 21.

Tối hôm đó. Lần thứ ba gặp Thy trong phòng vệ sinh, Thy say lả. Trong cơn say Thy kể những thông tin rời rạc: “Chồng Thy bị tạm giam hơn ba tháng rồi... Ảnh bán “hàng” rồi xài luôn! Mỗi tháng Thy thăm ảnh hai lần... Thứ ba này em đi với Thy không?”.

7g sáng thứ ba. Khi tôi đứng trước cửa nhà Thy vẫn nằm mê mệt. Mãi sau Thy mới dậy. Cô gạt mớ tóc rối, than đau đầu và nói bằng giọng khàn đặc: “Tối qua Thy say quá không biết ai đưa về. Điện thoại không biết ai cầm. Cũng chẳng biết khách có bo tiền hay không”. Thy liêu xiêu đứng dậy. Cô không dám ăn sáng, vơ lấy mũ bảo hiểm đi ngay.

Cuộc gặp gỡ vẻn vẹn 15 phút của vợ chồng Thy trong nhà tạm giam Công an quận Tân Phú. Trên đường về, Thy gục mặt vào vai tôi nói bằng giọng nghèn nghẹn: “Tòa sắp xử rồi. Nếu ảnh bị tù trên 10 năm không biết Thy có đứng nổi không nữa...”.

Có lần khách ép uống dữ quá, Thy say tới nỗi té đập đầu xuống sàn. Lúc tỉnh dậy thấy mình đang ở nhà. Rờ lên đầu cô thấy máu khô! “Thy giấu bố mẹ đi chụp phim coi có bị sao không. Thy không sợ chết. Chỉ sợ là gánh nặng của bố mẹ thôi” - Thy nói, đôi mắt buồn thăm thẳm... Có một thời gian dài cùng quẫn, tuyệt vọng, Thy từng cắt mạch máu hai lần. Nhưng cô không có ý định tự tử để chết mà chỉ muốn biết cảm giác gần chết như thế nào!

Một tối, hơn 12g đêm. Tôi đang đứng bàn thì nhận được điện thoại của Thục Ngân. Ngân khóc nức nở làm tôi phát hoảng. Một người khách xin quản lý cho cô ra ngoài đi ăn nhưng lại dừng trước một... khách sạn! Cô bật khóc nằng nặc đòi về bar. Lúc ấy Ngân mới hiểu “đi ăn” là đi khách!

___________________

Đối lập với những “bóng hồng nhan” này là những cảnh đời khác hẳn: đời của kẻ lắm bạc nhiều tiền...

Kỳ tới: Thế giới “bung” tiền

MY LĂNG - MỸ THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên