28/06/2010 02:24 GMT+7

Phận "Lính thợ" giữa đêm dài nước Pháp - Kỳ 6: Trở lại Camargue

VÕ TRUNG DUNG (THANH LIÊM chuyển ngữ)
VÕ TRUNG DUNG (THANH LIÊM chuyển ngữ)

TT - Cách Toulouse vài trăm kilômet là Arles, thủ phủ của vùng Camargue. Đường lộ D36 của Arles chạy giữa những đồng muối và đồng lúa xanh rì. Đó thật là một cảnh tượng lạ khi một bên là các đồng muối trắng dài, còn một bên là những đồng lúa dợn sóng trong gió trải dài suốt tầm mắt.

98GkatnW.jpgPhóng to
“Lính thợ” Việt Nam làm lúa nước ở Camargue - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Kế hoạch Mandel Kỳ 2: “Ấy năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh” Kỳ 3: “Đêm dài” trên đất Pháp Kỳ 4: “Một cổ hai tròng” Kỳ 5: Về nhà, về nhà...

Miền đất của “thương hiệu” lúa Pháp

Lái xe đi vào quận Salins de Giraud thì thấy ngay tấm bảng có dòng chữ “Paraman City”. Ở trung tâm của “city” này chỉ có vài ngôi nhà nhỏ, lèo tèo vài cửa tiệm và một trạm xăng. Để ý lắm mới thấy một tấm biển nhỏ ghi dòng chữ “đường Paraman”.

Con đường dẫn ra những cánh đồng muối trải dài, vuông vức như những hồ tắm thường thấy. Nhưng ở đầu đường là những dãy nhà dài, mái cong cong, trông từ xa như những hầm tránh bom của lính Pháp mà ta thường thấy trong các phim lịch sử về Điện Biên Phủ.

Ở đó giờ chẳng còn ai. Ngày xưa nơi đó đông đúc lắm vì là trại của cơ 25 “lính thợ” Việt. Ở khu nhà hầm tránh bom ấy có những nhà làm lán trại ngủ, có nhà bếp nấu ăn tập thể, có trạm xá, kho lương thực, có văn phòng làm việc của các quan Pháp. Nhưng nhìn kết cấu có thể đoán điều kiện sống ở đó rất sơ sài.

Giờ cỏ hoang mọc đầy cả trong lẫn ngoài những dãy nhà hầm tránh bom. Chúng tôi thử tìm chút gì đó còn sót lại của 70 năm trước nhưng vô vọng!

Ở vùng Camargue, những “lính thợ” Việt đã được đưa vào làm muối và trồng lúa. Thời đó gió biển, cái lạnh buốt da, công việc nặng nhọc trên đồng muối, nhất là đám muỗi háu đói của vùng đầm lầy ven biển đã nhanh chóng vắt kiệt sức lực của những người nông dân Việt.

Thoạt đầu khi đến đây làm muối, gặp thời buổi thiếu thốn lương thực, “lính thợ” Việt được kêu gọi ra đồng hoang làm lúa để tự cải thiện đời sống. Như cá gặp nước, họ vận dụng những kỹ thuật trồng cấy ở quê nhà để cải tạo vùng đất được giao cho mình. Không có cái cày, họ làm đất với cuốc, xẻng.

Cũng sạ, cũng gieo. Nhờ biết làm đất kỹ lưỡng nên đồng lúa của người Việt tốt hơn, cho năng suất cao hơn của những nhà nông Pháp trong vùng.

Bàn tay những nông dân Việt đã đưa nghề lúa nước vùng này trở thành thế mạnh. Diện tích trồng lúa ở Camargue mở rộng thêm lên đến 800ha vào năm 1944. Phần lớn đồng ruộng này là của tư nhân.

Vẫn có thể tìm thấy tên của những địa chủ đã thuê nông dân Việt: nhà Guinot, nhà Arbaud, nhà Paulon, nhà Thibert... và một công ty lớn tên Saint-Gobain mà sau này đổi tên là Péchiney. Những người “lính thợ” Việt ở Camargue cũng đứng ra canh tác cho riêng mình trên vùng ruộng rộng đến 20ha.

Rồi một cơ “lính thợ” khác được điều thêm đến. Họ được giao thêm ruộng đồng để làm lúa kiểu Việt. Kinh nghiệm của họ được giới thiệu cho những người nông dân ở Camargue... Dẫu không là người đầu tiên đem lúa nước đến vùng Camargue, nhưng cũng có thể nói những người “lính thợ” Việt đã góp phần làm thay đổi cách trồng cấy ở đây, làm đồng lúa xanh hơn, danh tiếng hơn.

Dấu tích trên những nẻo đường Pháp

Tháng 1-2010, con cháu các cụ “lính thợ” đang sinh sống tại Pháp liên lạc với nhau thông qua các diễn đàn trên mạng. Họ trao đổi thông tin, các tài liệu chính thức thu thập được cũng như các tư liệu của gia đình mình. Mục đích của họ là tái hiện quãng thời gian sinh sống và làm việc của cha ông mình tại Pháp trong khoảng năm 1939-1952.

Cuộc tìm kiếm và tái dựng đem lại nhiều thông tin quý báu. Danh sách các địa phương ở Pháp có mặt “lính thợ” Việt cứ dài ra: Toulouse, Sorgue, Lattes, Toulon, Saint-Etienne, Saint-Chamas... Những nơi sinh sống của họ thường là gần hoặc ngay tại địa điểm làm việc là nhà máy, cánh đồng hoặc lán trại tạm bợ trong rừng...

15gJ9Bt4.jpgPhóng to
Một ngôi nhà lính thợ Việt từng cư ngụ cách đây 70 năm - Ảnh: V.T. DUNG

Thời đấy, những trại “lính thợ” Đông Dương thường là doanh trại quân đội cũ, nhà kho, những tòa nhà không còn người ở, những rẻo đất trống trong bệnh viện được cơ quan quản lý là Cục Nhân công thuộc địa (MOI) cho cải tạo lại. Vết tích của những địa điểm đó vẫn có thể tìm thấy được trên đất Pháp hiện nay...

Ở phía nam thành phố Toulouse, suốt dọc bên trái con đường Espagne là những dãy nhà xưởng công nghiệp nằm trên cù lao Ramier giữa sông Garonne. Một trong những nhà xưởng đó có tên SNPE Nguyên liệu năng lượng. Khu xưởng hiện nay được bọc bằng tường rào cao và gắn đầy camera quan sát.

SNPE là tên viết tắt của Công ty thuốc súng và thuốc nổ quốc gia. Tên cũ của nó thật ra là Xưởng thuốc súng quốc gia Toulouse. Vào thời năm 1939-1944 có bốn cơ (đại đội) “lính thợ” Việt làm việc ở đây theo ca ba - tám, tức ba ca tám giờ. Họ làm ra đạn súng trường, đạn đại bác, lựu đạn và các loại mìn. Thoạt đầu làm cho quân đội Pháp và từ cuối năm 1942 thì làm cho quân đội Đức.

Giờ đây những ngày đầu tháng 6 này, khi đứng quan sát từ một ngọn đồi gần đấy, tôi vẫn còn trông thấy vài ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch đỏ quạch quen thuộc của thời đó. Chúng được giữ lại như là chứng tích của một thời công nghiệp. Khu xưởng đó thật ra đã bị phá hủy vào năm 1944, tức khi Thế chiến sắp chấm dứt, sau đó mới được xây dựng lại.

Cách xưởng SNPE Nguyên liệu năng lượng khoảng 800m, nằm về phía bên phải là một bức tường dài vốn bằng gạch đỏ nhưng nay đã xám đen theo thời gian. Đó là bức tường bao bọc bệnh viện tâm thần lâu đời nhất của vùng này - Bệnh viện Braqueville. Ngày nay được đổi tên thành Bệnh viện chuyên khoa Marchant, lấy theo tên một bác sĩ tâm thần nổi tiếng của địa phương này.

Đây là bệnh viện công chuyên chữa các loại bệnh tâm thần, và nhìn theo lớp tường rào cao gắn đầy camera bảo vệ có thể đoán nơi này tiếp nhận cả những bệnh nhân có biểu hiện gây nguy hiểm.

Ngoại trừ vài tòa nhà xây mới hiện đại, còn thì phần còn lại trong khuôn viên bệnh viện cũng vẫn như cách đây 70 năm. Đó là những cấu trúc nối với nhau bằng các lối đi lót đá hộc. Trong này có một khu nhà lớn hơn một chút, xây đẹp đẽ hơn, nằm dưới tàng cây trông như những khu biệt thự của giới trung lưu Pháp. Nó nằm hơi tách biệt so với các khu nhà còn lại, bởi nơi đây hiện là nơi nuôi dưỡng những bệnh nhân tâm thần lưu trú dài hạn.

Cách đây gần 70 năm, bốn cơ “lính thợ” Việt làm việc cho Xưởng thuốc súng quốc gia Toulouse được đưa về cư ngụ ở nơi này cho gần với nơi làm việc. Theo các tư liệu lưu trữ ở Aix en Provence, điều kiện lưu trú nơi này tương đối đàng hoàng, ngoại trừ không gian hơi chật hẹp. “Lính thợ” Việt ngày trước phải ngủ giường tầng.

Đến khi quân Đồng minh phá xưởng thuốc súng vào năm 1944, các cơ “lính thợ” Việt được chuyển đến doanh trại quân đội cũ ở Mortarieu thuộc khu ngoại ô Montauban, không xa Toulouse...

*****

Trong nghĩa trang nhỏ thuộc khuôn viên Công ty Solvay, một chi nhánh của Péchiney tại Camargue, chúng tôi nhìn thấy vài nấm mộ không có người chăm sóc, trên đó chỉ còn thấy những cái họ “Trinh” (Trịnh), “Nguyen” (Nguyễn), “Pham” (Phạm) ghi đơn giản là qua đời năm 1941, 1942...

Có những câu chuyện đau lòng nhưng lịch sử vẫn phải được tôn trọng như chính nó. Không chỉ ở Việt Nam, ngay tại Pháp vẫn còn rất đông con cháu các “lính thợ” Việt mong muốn tìm hiểu về cha ông mình...

------------------------------------------------------

Cô là một phụ nữ Pháp gốc Việt chọn con đường ít người lựa chọn: tái hiện phần lịch sử bị lãng quên của những người “lính thợ” Việt Nam tại Pháp.

Kỳ tới:Người phụ nữ kỳ lạ

VÕ TRUNG DUNG (THANH LIÊM chuyển ngữ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên