25/06/2010 06:12 GMT+7

Phận "Lính thợ" giữa đêm dài nước Pháp - Kỳ 3: "Đêm dài" trên đất Pháp

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC

TT - Sau chuyến đi dài khoảng một tháng, những người lính thợ cập bến cảng Marseille. Họ được đưa về tạm trú vài ngày ở nhà tù Baumettes vừa xây xong. Bắt đầu từ lúc đó, lính thợ người Việt nằm dưới quyền cai quản của Cục Nhân công thuộc địa (MOI) thuộc Bộ Lao động Pháp.

Như vậy lẽ ra họ phải được xem là những nhân công dân sự, hợp đồng lao động sáu tháng đổi một lần. Điều này cũng nằm trong dự tính của phía Pháp để nhanh chóng tống khứ số nhân công thuộc địa khi không còn cần đến nữa. Và thật sự là đã có những nhóm lính thợ đầu tiên bị đưa trở về Việt Nam ngay sau khi Pháp bị Đức chiếm đóng. Câu chuyện này chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.

RoGxsJ0k.jpgPhóng to

Cụ Phan Văn Nghị, 95 tuổi, vẫn còn nhớ nguyên vẹn những ký ức lính thợ xưa - Ảnh: Tấn Đức

Kỳ 1: Kế hoạch Mandel Kỳ 2: “Ấy năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh”

Đặt chân lên đất Pháp, khoảng 20.000 lính thợ Việt được cơ cấu làm 73 cơ (compagnie, tức đại đội), mỗi cơ 200-300 người. Những cơ đóng ở các địa phương gần nhau sẽ được gom lại thành một đạo (légion) - theo số liệu chính thức của Pháp thì có năm đạo. Họ phải sống trong các trại theo kỷ luật quân đội. Lúc đó, các cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp tư nhân có thể sử dụng số công binh thuộc địa này nếu chấp thuận các điều kiện nhận người do MOI đưa ra.

Trong xưởng thuốc súng

“Chúng tôi là công nhân thay thế những công nhân Pháp mạnh khỏe đã bị động viên ra tiền tuyến. Làm việc ở xưởng thuốc súng tuy chỉ trong thời gian ngắn gần hai tháng nhưng đã làm chúng tôi có cảm tưởng như đã sống đến cái cảnh tận cùng của địa ngục. Đều là người dân quê nên họ đã chấp nhận chung đụng một cách khổ sở với những băng thuốc súng, những chất độc màu vàng, và hệ thống làm việc “ba - tám”.

Thật là khốn khổ! Sự tiếp xúc với chất bột ghê tởm đó đã gây ra cho họ bệnh chàm, những cơn nôn ọe, làm họ mất ăn mất ngủ. Làm việc ban đêm cùng sự chênh lệch giờ giấc khiến họ mệt nhoài thể xác, rối loạn tinh thần, chưa kể những nỗi sợ hãi trước viễn cảnh xưởng thuốc súng bị oanh tạc. Nếu được lựa chọn, họ thà xung phong vào các đơn vị chiến đấu còn hơn” - cụ Lê Hữu Thọ kể.

Cho đến tháng 6-1940, các công binh người Việt chủ yếu làm việc trong các xưởng quân khí của Pháp, trong đó đến 70% bị trưng dụng vào các xưởng thuốc súng. Cụ Phan Văn Nghị, 95 tuổi ở xã Triều Thủy, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, kể lại trong sự minh mẫn: “Xưởng thuốc súng rộng lắm, dài đến mấy cây số, ai làm công việc chi thì biết nấy. Anh nhồi thuốc thì cứ nhồi xong để đấy, xong thì về, ai có nhiệm vụ cắt thuốc thì cắt, rồi tới người vô hộp... Làm theo dây chuyền ấy mà”.

Cụ Nghị và bốn thanh niên cùng làng đã được tuyển mộ sang Pháp vào cuối năm 1939. Những nông dân trai tráng xa nhà bước vào cuộc sống mới với cung cách làm việc theo ca tám giờ, luân phiên ba ca trong ngày. Cụ Nghị mô tả: “Ca nhất từ 6g sáng đến 2g chiều, ca hai từ 2g chiều tới 10g đêm và ca ba từ 10 giờ đêm đến 6g sáng. Mỗi người cứ thay đổi từ ca một đến ca ba”.

Không dễ cho những nông dân Việt thích nghi với giờ làm việc đêm và kiểu làm việc chuyên nghiệp người nào việc nấy của nước công nghiệp. Nhưng đáng sợ hơn chính là loại công việc nguy hiểm dính tới thuốc súng độc hại.

Cụ Lê Văn Phu, một trong những lính thợ ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh sang Pháp vào giữa tháng 3-1939, kể lại trong cuộc phỏng vấn của Tuổi Trẻ tại Pháp: “Tất cả chúng tôi đều được đưa vào làm trong những nhà máy phục vụ quân đội Pháp như nhà máy làm thuốc súng, đạn, vũ khí... Nhiệm vụ của chúng tôi là lao động thay cho thanh niên Pháp phải ra chiến trường. Việc làm rất cực nhọc. Thuốc hóa học làm đạn xộc vào mũi, vào miệng, vào mắt khiến nhiều anh em bị bệnh, không ăn gì được dù lúc đó còn thức ăn đầy đủ”.

Thất vọng

Nhiều giấc mơ đẹp đã tan vỡ. Những người lính thợ Việt chỉ thấy được nước Pháp to lớn và đẹp đẽ trong những ngày đầu vừa đặt chân lên đất nước lục giác này, khi được vận chuyển đến các khu trại trên những chiếc xe tải che bằng vải bố. Giờ đây cuộc sống của họ gắn với 8 giờ ở nhà xưởng và khu nhà trại với giường tầng kiểu kỷ luật nhà binh.

Sau khi đặt chân lên đất Pháp, lính thợ Việt vẫn được cơ cấu theo tiểu đội địa phương như đã sắp xếp từ bên nhà. Khi đi làm việc họ cũng được bố trí theo vùng miền như thế để đảm bảo tính đồng hương tương hỗ cho nhau. Tính đến tháng 6-1940, lính thợ Việt có mặt ở khắp 24 tỉnh của Pháp. Tập trung đông nhất là ở Gironde với 2.327 lính thợ làm việc tại xưởng thuốc súng Saint-Médard-en-Jalles.

Nỗi thất vọng trước thực tế càng làm những người nông dân chân chất nhớ nhà. Cụ Thiếu Văn Mưu, 90 tuổi, xuất thân từ tỉnh Phú Thọ, hiện định cư ở thành phố Vénissieux, Lyon (Pháp), kể với chúng tôi: “Tôi bị cưỡng bách đến Pháp ngày 9-4-1940. Tôi làm lính thợ cho một nhà máy thuốc súng ở Sorgues, phía nam. Chúng tôi bị bắt buộc phải làm theo lệnh người chỉ huy. Khó nhọc lắm. Rất nhiều anh em bị suy nhược tinh thần. Phần xa quê, xa gia đình. Phần rất ít khi có được tin tức, thư từ gì. Không biết ở nhà ra sao? Khổ lắm!”.

Thương nhớ và lo lắng cho người thân ở quê nhà là một nỗi khổ. Chuyện lương bổng cũng làm những người lính thợ băn khoăn. Cụ Mưu nhớ lại: “Còn về lương tiền, lính thợ hạng thấp nhất lĩnh lương 1 quan (franc) một ngày, thợ có tay nghề thì 1,25 quan. Thông ngôn thì được 5 quan! Riêng tôi làm phó giám thị được 1,5 quan/ngày”.

Không ít lính thợ Việt thất vọng với thực tế lương bổng đó. Trong Trung tâm Lưu trữ tài liệu lịch sử hải ngoại (CAOM) còn một lá thư của lính thợ tên T.N., thuộc cơ 54 ở Marseille gửi về gia đình ở Việt Nam ngày 17-4-1940 với nội dung: “Anh chị thương nhớ, em muốn anh chị biết là khi còn làm việc ở Đồng Hới, em kiếm được 6 đồng bạc mỗi tháng (1 đồng bạc Đông Dương = 10 franc, thời đó mua một con trâu chỉ 10 đồng bạc Đông Dương). Ở đây em chỉ còn kiếm được 3 đồng. Vậy nên em muốn nhờ anh chị hỏi bên sở vụ chỉ cho em cách làm để đòi tăng lương lên 6 đồng bạc như trước đây... Tất cả đồng đội ở đây đều trong hoàn cảnh như em”.

Nhưng những người lính thợ Việt lúc đó hẳn chưa thể hình dung được khó khăn còn chờ đón họ ở tương lai rất gần, khi nước Pháp đầu hàng Đức.

__________

Tháng 6-1940, chính quyền Paul Reynaud từ chức và chính quyền Vichy ký hiệp ước hợp tác với Đức. Nhiều đoàn lính thợ phải tan tác, khởi đầu cho giai đoạn “một cổ hai tròng”...

Kỳ tới: “Một cổ hai tròng”

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên