24/06/2010 05:13 GMT+7

"Ấy năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh"

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC

TT - Mậu Dần năm ấy vừa qua/ Đến năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh/ Suất về đi lính tòng chinh/ Hà Nam tỉnh ấy nhật trình kể ra/ Làm trai ở nước Nam ta/ Quan Tây lấy lính vệ hòa ra đi/ Nghĩ sao tuyển lính cũng kỳ/ Tỉnh năm phủ huyện tuyển thì có ba/ Bình Lục tuyển trước phủ nhà/ Còn hai phủ huyện vệ hòa tuyển sau...

Hơn 70 năm đã trôi qua, kể từ khi “kế hoạch Mandel” bắt đầu thực thi vào năm Kỷ Mão (1939), bài vè nói về sự kiện này vẫn còn trong trí nhớ của cụ Trần Công Giao (94 tuổi), hiện sống ở thành phố Nam Định.

VbH29jkL.jpgPhóng to

Kỳ 1: Kế hoạch Mandel

Không đi lính thì... đi tù

Mặc dù đã ở tuổi cổ lai hi nhưng đôi tai, ánh mắt cụ Trần Công Giao vẫn tỏ ra rất tinh tường. Gợi lại chuyện xưa, cụ thao thao kể: “Ngày ấy tôi đang là anh dịch mục (một chức vụ gần giống trưởng thôn ngày nay - PV) của thôn Gia Hội, xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam thì bị hương lý gọi lên. Hắn bảo theo lệnh của huyện, tôi phải đi bắt lính, hễ nhà nào có hai hoặc ba thanh niên thì phải bắt một người để đưa sang Pháp làm lao dịch. Nhìn đi ngó lại, từ đầu tới cuối thôn toàn anh em con cháu, không bà con bên nội cũng bà con bên ngoại, tôi không nỡ làm khó ai. Họ yêu cầu tới 40 người, nhưng tìm mãi cả Bình Lục chỉ được chừng 10 người.

Không bắt đủ số quân, hương lý quay qua dụ: “Dịch mục các anh hãy cùng tôi lên huyện báo cáo lại tình hình rồi ta tùy cơ ứng biến, chứ nhất định chúng tôi không để các anh đi đâu”... Khi lên tới huyện, quan trên đập bàn quát: “Sao có chừng này người, hãy về tìm thêm, nếu tuyển không đủ thì chúng tôi sẽ cách chức lý trưởng của anh...”. Hương lý hoảng quá bỏ chúng tôi lại đó. Thế là tôi phải đi, nếu không đi Tây nó cho là chống đối thì phức tạp lắm”.

Tài liệu còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ tài liệu lịch sử hải ngoại (CAOM, Pháp) cho biết chính sách trưng dụng dân thuộc địa bản xứ dựa trên bộ máy hành pháp và hành chính thiết lập trong giai đoạn giữa hai kỳ Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Mọi thủ tục mộ phu tại Đông Dương được giao phó hẳn cho chính quyền thuộc địa.

Thực tế là việc tuyển mộ người tình nguyện tại địa phương không thành công như dự tính, nhưng việc tuyển mộ có tính ép buộc cũng không gặp phải sự phản kháng tập thể nào. Ước tính có tới 90% lính thợ thời đó được tuyển mộ chủ yếu từ các vùng nông thôn nghèo khó, nhất là ở các xứ bảo hộ Bắc kỳ và Trung kỳ. Ở thuộc địa Nam kỳ chỉ tuyển mộ độ 1.000 người. Chính sách tuyển mộ thời đó phần nào mang tính phong kiến, cưỡng bức kiểu “quan trên lệnh xuống” thì cứ phải nhắm mắt thi hành.

Lính thợ Đặng Văn Long, sau này định cư ở Paris, viết trong hồi ký: “Vừa mới ở đồng về, chúng tôi đã nghe thằng mõ loa loa vọng lên từ cuối làng: Dân làng nghe đây nghe đây, theo lệnh quan, nhà nào có hai con trai trên 18 tuổi thì phải cử một đứa xung quân, mẫu quốc Pháp đang gặp khó”.

Một số nhân chứng hiện còn sống tại VN cũng như ở Pháp mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng xác quyết: đã có lệnh quan thì chẳng mấy ai dám chống lệnh! Ông Hà Mười ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, kể: “Cha mẹ tôi là nông dân. Gia đình tôi có mẩu ruộng nhỏ. Tôi không được đi học nên chẳng biết đọc, biết viết. Tôi bị mộ lính năm 1939. Tôi đi thay cho mấy người anh của tôi đã có vợ con. Chúng tôi chẳng thể trốn được vì có biết trốn đi đâu, mà có trốn được thì gia đình mình sẽ phải gánh chịu hậu quả...”.

Đó cũng là câu chuyện của gia đình ông Thiếu Văn Mưu, một lính thợ đang định cư ở thành phố Vénissieux, Pháp: “Quê tôi ở tỉnh Phú Thọ, VN. Cuối năm 1939, ông trưởng làng đến nhà tôi nói: “Nhà này có hai người con trai. Một trong hai người phải nhập vào đoàn công binh của tỉnh Phú Thọ để sang Pháp. Nếu các anh không chịu đi thì vào tù ngồi. Còn như bỏ trốn thì cha các anh sẽ phải chịu trách nhiệm thay các anh”... Người anh của tôi vừa lập gia đình, nên tôi phải tình nguyện ra đi... Tôi bị cưỡng bách đến Pháp ngày 9-4-1940...”.

nE9SClaB.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Thanh và người vợ Pháp, bà Juliette - Ảnh: V.T.Dung

Bên cạnh đại đa số thanh niên bị bắt buộc đi lính thợ cũng có một số rất ít người tình nguyện đi, vì họ cho rằng đi Pháp cũng là một cách thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, thoát khỏi nanh vuốt cường hào, địa chủ ở làng quê.

“Ngay từ thời đó đã có những dòng người nông dân đi phu đồn điền vào Nam kỳ hoặc sang tận Tân Đảo (Nouvelle - Calédonie) nên sang Pháp cũng có khác gì đâu. Còn với riêng tôi, ra đi như thứ ánh sáng cuối đường hầm... Ra đi để không phải nghĩ ngợi gì nữa” - ông Nguyễn Văn Thanh, một lính thợ quê ở Đà Nẵng, sang Pháp từ năm 19 tuổi, kể trong cuốn tự truyện của mình như vậy.

Hành trình “bão táp”

Họa sĩ Lê Bá Đảng (người làng Bích La Đông, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), hiện định cư tại Paris, là một trong những lính thợ về sau đã có những thành công trên con đường học thuật. Hơn 70 năm ông vẫn chưa quên những ngày đầu đặt chân xuống tàu: “Đầu tháng 2-1940, tôi lên tàu Cap Varella, khởi hành từ Đà Nẵng. Trên tàu quả thật là khủng khiếp. Chúng tôi được xếp ngủ dưới hầm chở hàng hóa như những con thú! Phương tiện cứu hộ đường biển chỉ làm bằng tre, thùng phuy cột dính bằng kẽm.

Hôm nào trời êm, gió hiền thì đỡ khổ, gặp những ngày sóng to gió mạnh thì khổ ơi là khổ, nôn nao trong bụng, ói tới mật xanh mật vàng... Ăn uống thì bữa sau giống bữa trước, chỉ có cơm với nước canh không có rau, dọn ra cho mười người trong một cái chậu to. Trung bình mỗi chuyến hải hành kéo dài một tháng đến 40 ngày, qua nhiều trạm cập bến. Lính thợ không có quyền xuống đất liền mỗi khi tàu ghé qua.

Tinh thần lính thợ qua mấy ngày đi biển xuống tới vực sâu vì ai cũng bị bắt buộc rời xa gia đình để đi mà chẳng biết đi đâu. Chuyến vượt biển kéo dài lê thê. Cứ mỗi nơi tàu dừng lại, tôi muốn nhảy xuống trốn khỏi tàu mà không được...”.

Ông Lê Văn Phu, người được mật vụ Pháp thời ấy xếp vào hàng ngũ “lãnh đạo của phong trào lính thợ theo cộng sản”, cũng hồi tưởng: “Dạo đó, từ Hà Tĩnh chúng tôi đi tàu lửa đến cảng Tourane (Đà Nẵng) rồi từ đấy đi bằng tàu thủy sang Pháp. Nếu tôi không nhầm thì có khoảng 15 chuyến tàu sang Pháp.

Mỗi tàu chở được khoảng 2.000 người đi từ 15-45 ngày tùy tuyến đường. Riêng tôi đi qua Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải rồi cuối cùng đến Marseille. Đó là những ngày tháng không thể nào quên, dù sau này chúng tôi tiếp tục trải qua nhiều gian khổ. Họ nhồi nhét chúng tôi trong những khoang tàu chật cứng, thiếu không khí và ánh sáng, thiếu chỗ vệ sinh, còn ăn uống kham khổ khiến anh em đau ốm nhiều lắm”.

Hàng ngàn, chục ngàn thanh niên trai tráng “được tuyển” theo kiểu “không đi lính thì đi tù” bị đưa sang Pháp trên những chuyến tàu như thế. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của chặng đường mười năm “khổ sai” nơi miền đất lạ...

_______________

Sau một tháng vật vã trên tàu, những người lính thợ cập cảng Marseille. Điều gì đang chờ đợi họ?

Kỳ 3: “Đêm dài” trên đất Pháp

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên