27/06/2010 07:05 GMT+7

Phận "Lính thợ" giữa đêm dài nước Pháp - Kỳ 5: Về nhà, về nhà...

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC

TT - Ngày 8-5-1945, tại thủ đô Berlin, đại diện bộ tư lệnh tối cao của Đức đã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Liên Xô và lực lượng đồng minh. Nước Pháp được giải phóng. Gần 20.000 “lính thợ” VN bị đưa sang Pháp phục vụ cuộc chiến đứng trước cơ hội chấm dứt những tháng năm khổ cực nơi đất lạ quê người.

Xo1WVosm.jpgPhóng to
Cụ Lê Xuân Thiềm thời “lính thợ” và khi về già - Ảnh: V.T.D.

Kỳ 1: Kế hoạch Mandel Kỳ 2: “Ấy năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh” Kỳ 3: “Đêm dài” trên đất Pháp Kỳ 4: “Một cổ hai tròng”

Chưa bao giờ hai tiếng “về nhà” lại cháy bỏng trong lòng những người “lính thợ” như lúc này. Cụ Lê Văn Phu, hiện định cư tại Pháp, khẳng định trong lần trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ: “Chúng tôi chỉ mong về nước. Có người vừa cưới vợ thì phải đi. Nhớ gia đình lắm, nhất là nhớ mẹ. Người Việt thì hay nhớ mẹ...”.

Cụ Lê Xuân Thiềm, 94 tuổi, ở xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tâm sự trong lần tiếp xúc chúng tôi: “Chúng tôi đã góp cả sức lực thanh niên cho nước Pháp, chừng trở về tuổi trẻ đã hao mòn gần hết. Có mấy đồng bạc dành dụm được trong suốt quãng thời gian lao động như khổ sai định mang về cho cha mẹ cũng bị quan ba tước mất khi tôi đặt chân về tới Ba Đồn (Quảng Bình). Bây giờ tuổi già xế bóng chỉ mong mỏi được bồi đắp phần nào để vui hưởng tuổi già nhưng hi vọng quá mong manh...”.

Bức bách đường về

“Chiến tranh đã chấm dứt, chúng tôi sắp được trở về quê nhà hay chăng? Sau khi chia sẻ niềm vui của những người Pháp được hồi hương, chúng tôi có quyền nghĩ mình sẽ được trở về quê hương, theo cái logic là hòa bình đã trở lại, sự có mặt của chúng tôi ở đây không cần thiết nữa” - “lính thợ” Lê Hữu Thọ nhớ lại.

Thật sự vào thời điểm đó nhiều công xưởng, nhà máy ở Pháp bắt đầu dành công việc cho đàn ông Pháp trở về từ chiến trường. Những người “lính thợ” Việt cũng thừa hiểu không còn chỗ đứng cho mình, vốn không có trình độ chuyên môn lại còn là người dân xứ thuộc địa.

Những lời đồn đoán về cuộc hồi hương sắp đến bắt đầu lan tràn khắp các trại Badafier, Poinsard sang Bécassière và từ thành phố Sorgues sang Vaucluse, Marseille... Tất cả ”lính thợ” ai cũng vội vàng chuẩn bị hành trang cho riêng mình. Những đồng tiền ít ỏi dành dụm được bấy lâu nay được đem ra các cửa tiệm bán vật dụng du lịch. Vali, rương lớn, rương nhỏ, rồi quần áo lạnh đều bị những người Việt háo hức về nhà vét sạch chỉ trong một hai ngày.

Những chuyến tàu hồi hương đầu tiên sau khi thế chiến kết thúc đã được tổ chức vào tháng 7-1946. Nhưng con số thật ít ỏi. Do lo sợ tình hình chiến sự ở VN, cuộc hồi hương dự kiến đã bị hoãn lại vô thời hạn...

Thời gian nằm trại chờ đợi kéo dài đã làm dấy lên làn sóng phản kháng lan tràn. Từ những trại lớn như trại Mazargue ở Marseille cho đến các trại nhỏ như ở Tarnet Garonne hoặc Vendée. Một báo cáo đề ngày 23-11-1946, còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ tài liệu lịch sử hải ngoại, xác nhận đã có những cuộc biểu tình của “lính thợ” Việt liên quan đến chuyện hồi hương.

Một báo cáo của cảnh sát mật thành phố Marseille còn ghi rõ: “Đến lúc này (năm 1946 - PV), vấn đề hồi hương là chuyện khẩn cấp cần giải quyết và dường như đó là chuyện duy nhất mà các “lính thợ” lưu tâm...”.

Trước áp lực đòi quyền hồi hương của “lính thợ”, cộng với áp lực phải đối phó với nguy cơ thiếu lương thực khi mùa đông đang đến gần, phía Pháp đã tổ chức cho khoảng 2.000 “lính thợ” bị ốm đau và những người không đủ khả năng làm việc ở Pháp trở về VN. Báo cáo của cảnh sát mật Pháp viết: “Chắc chắn là những người “lính thợ” Đông Dương sẵn sàng dùng mọi phương cách để được hồi hương và những cuộc biểu tình sẽ lại xảy ra trong thời gian sắp tới, nhất là nếu tàu Felix Roussel, dự kiến khởi hành ngày 26-11, khiến họ thất vọng lần nữa”.

Lần lượt sau đó những người “lính thợ” Việt cũng được hồi hương, nhưng có lẽ phải đến sau hiệp định Genève được ký kết những người “lính thợ” cuối cùng mới được trở lại quê hương theo yêu cầu của họ.

uMENtBly.jpgPhóng to
“Lính thợ” biểu tình đòi hồi hương trong một trại lính ở Pháp - Ảnh chụp lại từ tư liệu

Buồn đau ngày trở lại...

Hơn mười năm xa cách lại không có tin tức gì với gia đình, việc được trở về nhà là một niềm mong ước quá lớn với những người “lính thợ”. Nhưng trường hợp của ông Trần Công Giao (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) quả là một mất mát quá lớn.

Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển, một ngày cuối tháng 12-1949 ông cùng những “lính thợ” đồng hương Hà Nam đặt chân lên cảng Hải Phòng. Mang nỗi nhớ cha mẹ, vợ con cháy bỏng, ông lần tìm lại quê xưa mới hay cha ông đã qua đời hơn ba năm trước đó do không có tiền chữa bệnh, người chị ruột duy nhất cũng mất trong nạn đói năm 1945.

Còn vợ ông, do đằng đẵng mấy năm không tin tức, tưởng ông đã gửi thân xứ người nên đi lấy chồng khác. Những người thân yêu nhất sau mười năm trở lại giờ chỉ có mẹ già và đứa con gái 13 tuổi, mà khi ông bị đưa xuống tàu sang Pháp nó mới hơn 20 tháng. Quá đau buồn ông đã bỏ quê Hà Nam, đến Hưng Yên tìm việc mưu sinh để được gần gũi, thăm nom người con gái đang ở với ngoại ở Bắc Ninh.

Hoàn cảnh của ông Phan Văn Nghị ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế cũng làm nhiều người xót xa. Ngày trở về ngỡ rằng sẽ được cha mẹ, vợ con ra chào đón, nhưng ngược lại là hung tin: cha mẹ ông đã qua đời mà vợ cũng đã đi lấy chồng khác.

Ở cuối đường hầm của sự khổ đau, cụ Giao, cụ Nghị, bằng nghị lực bản thân đã vượt qua định mệnh và tìm được những “bến bờ” mới, bù đắp những mất mát trong chuyện riêng tư. Tuy muộn mằn nhưng dẫu sao các cụ vẫn còn may mắn hơn những người “lính thợ” đã gửi thân mình lại nơi xứ người.

Và câu chuyện về chuyến tàu chở 488 “lính thợ” từ Pháp về VN đã bị quân đội Anh bắt giữ lại ở Madagascar xa xôi mãi đến giờ vẫn chưa ai biết số phận chừng ấy con người ra sao. Ai trong số họ còn sống và hằng ngày vẫn đau đáu vọng cố hương?

_____________________

Cộng tác viên của Tuổi Trẻ đã đến miền nam nước Pháp để gặp lại những chứng nhân thời “lính thợ” đầy đau thương...

Kỳ tới: Trở lại Camargue

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên