26/06/2010 06:32 GMT+7

Phận "Lính thợ" giữa đêm dài nước Pháp - Kỳ 4: "Một cổ hai tròng"

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC

TT - Sau thất bại của chính quyền Paul Reynaud vào tháng 6-1940, các cơ “lính thợ” Việt buộc phải di tản. Ở nhiều khu trại, các viên sĩ quan Pháp cai quản bỏ đi và thậm chí còn lấy theo lương thực dự trữ.

Có những trang trại “lính thợ” Việt phải nương theo dòng người di tản về miền nam, vì lúc đó bản thân họ chẳng có thông tin gì nhiều ngoài chuyện Chính phủ Pháp đã đầu hàng.

d3v3heme.jpgPhóng to

Lính thợ Phạm Văn Nhân với phiên hiệu đơn vị của mình - Ảnh do ông Phạm Văn Nhân cung cấp từ tư liệu cá nhân

Kỳ 1: Kế hoạch Mandel Kỳ 2: “Ấy năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh” Kỳ 3: “Đêm dài” trên đất Pháp

“Chạy giặc” ở Pháp

Cụ Lê Văn Phu, một trong những “lính thợ” ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nhớ lại: “Lúc nghe Pháp thua, chúng tôi rất bàng hoàng. Không ai hiểu tại sao và tự hỏi rằng có thể nào một đế quốc mạnh mẽ như Pháp lại thua nhanh chóng như vậy? Có người nói rằng tại vì phụ nữ Pháp sinh ít con trai nên không đủ quân đi đánh trận... Tuy nhiên, tôi hiểu ra một điều: nước Pháp không phải là một cường quốc vô địch như tôi cứ tưởng từ xưa đến nay”.

Không chỉ bàng hoàng, ngơ ngác, nhiều “lính thợ” còn thất vọng trước cách đối xử hèn nhát của các sĩ quan Pháp ở một số trại.

Cụ Lê Văn Thọ (thông ngôn của cơ 35) kể trong tự truyện: “Khi màn đêm buông xuống, ban chỉ huy ít ỏi của chúng tôi đã bỏ trốn với chiếc xe tải công vụ duy nhất, mang theo phân nửa lương thực dự trữ trong kho. Thế là chúng tôi bị bỏ rơi ngang, không được chỉ thị điều gì cả. Niềm khao khát được sớm đoàn tụ với gia đình, nỗi sợ hãi bị quân Đức bắt, sự ngao ngán của cuộc bại trận làm chúng tôi quên mất bốn viên sĩ quan đã quên danh dự và bổn phận của họ đối với chúng tôi: những người thuộc dân Pháp đến đây từ bên kia đại dương, bất đắc dĩ phục vụ nước Pháp.

Tám thông ngôn chúng tôi đã tụ họp lại và tự trao cho trách nhiệm đảm đương số phận của đại đội. Chẳng có gì phải suy nghĩ, phải lo sợ. Chúng tôi quyết định rời thành phố ngay để thoát khỏi tay quân đội Đức. Trên đường di tản, trong một đất nước xa lạ thiếu sự chỉ huy, không chỉ thị, phó mặc cho chính mình, chúng tôi mất hết phương hướng nhưng vẫn không nản lòng. Sau khi thảo luận, bộ tám chúng tôi nhất trí quyết định đi theo hướng đoàn người dân Pháp chạy di tản về miền nam dưới ánh nắng rực rỡ. Nỗi lo âu của chúng tôi là khi đêm xuống phải tìm nơi ẩn thân: nếu được một kho lúa trống, một sân ga, một căn nhà chứa hàng hóa, sân chơi của trường học thì thật tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi vẫn tụ tập đầy đủ bên nhau...”.

Trong bước đường cùng nơi quê người, tình đồng hương đã giúp họ vượt qua những khó khăn trên hành trình qua hàng trăm cây số trong băng tuyết và giá rét. Cứ ngày đi đêm nghỉ ở bất cứ nơi nào có thể. Và họ đã vượt lên định mệnh...

Đói, rét và hai tầng áp bức

7% “lính thợ” qua đời

Các báo cáo chính thức của những người quản lý Cục Nhân công thuộc địa (MOI) cho biết những “lính thợ” Đông Dương cũng chẳng khổ nhiều hơn so với đại đa số người Pháp.

Thế nhưng các số liệu công bố chính thức lại nói khác: số thường dân Pháp thiệt mạng do liên quan đến chiến tranh chỉ là 330.000 người (tức 0,8% dân số), trong khi số “lính thợ” qua đời trong giai đoạn này là 1.061 người (tức hơn 7% “lính thợ” Việt còn lại ở Pháp).

Đến cuối năm 1940 thì hầu hết “lính thợ” đều ra được vùng tự do. Nhưng từ thời điểm này ta có thể thấy gồm hai giai đoạn: giai đoạn nông - lâm nghiệp (1941-1942) mà trong đó phần lớn “lính thợ” đi lên rừng lấy củi (như ở Aveyron), đi trồng lúa (ở Camargue) hoặc đi làm muối ở miền nam; và giai đoạn công nghiệp (1942-1944) khi họ lại bị đưa vào làm việc trong các xí nghiệp, công xưởng để phục vụ quân đội Đức...

Sự phân chia như trên thật ra lại dính dáng đến khúc quanh của cuộc thế chiến, khi có đến 43% lính thợ Đông Dương phải làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho lực lượng Đức chiếm đóng. “Lính thợ” Việt khổ cực nhất là ở giai đoạn này.

Cụ Phan Văn Nghị, 95 tuổi, ở xã Triều Thủy, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, nhớ lại: “Pháp thua trận, Đức tràn sang. Mình bị hai tầng chỉ huy: Đức chỉ huy Pháp, Pháp chỉ huy mình, nghĩa là phải có hai phiên dịch. Mình nghe thằng Tây nói nhưng đó là ý của thằng Đức”.

Cụ Lê Văn Phu ở Paris kể rõ hơn: “Khi quân đội Đức chiếm đóng Pháp, chúng tôi bắt buộc phải làm dưới chỉ đạo của Đức. Việc làm thì cũng giống như trước và thêm những việc khác như lên rừng đốn củi, làm mỏ đá xây dựng... Những nơi này xa và hẻo lánh. Rừng lạnh và thiếu thức ăn, thiếu thuốc men khi đau ốm. Thời gian này có rất nhiều anh em đau ốm nặng đến tử vong là chuyện bình thường. Đời sống vật chất của chúng tôi rất tệ. Tóm tắt là đói. Toàn dân Pháp đã không có gì để ăn, làm sao tới mình”.

Như phần lớn dân Pháp sống ở thời bị chiếm đóng, “lính thợ” Việt bị đói triền miên, bị lạnh vì thiếu quần áo, giày vớ. Nỗi khổ tinh thần cũng mang họa không kém: số trường hợp tự vẫn trong giai đoạn này không hiếm. Một báo cáo đề ngày 25-6-1943 của cảnh sát mật Pháp còn lưu tại Trung tâm Lưu trữ tài liệu lịch sử hải ngoại (CAOM) cho biết các vụ tự tử có liên quan đến nỗi nhớ nhà. Nhưng lớn hơn hết vẫn là những cái chết vì điều kiện sống thiếu thốn: 40% trường hợp tử vong của “lính thợ” Việt trong giai đoạn này là do viêm phổi.

Những người nông dân xứ nhiệt đới vẫn chưa kịp thích nghi với mùa đông nước Pháp và thêm vào đó là tình trạng thiếu thốn. Thư đề ngày 25-10-1944 của ông Bloch, giám đốc nhân lực tập thể (còn lưu tại CAOM), cho hay ông đã trông thấy những người “lính thợ” Việt mang guốc mộc tự đóng để không phải đi chân trần trong mùa đông giá rét.

Cụ Trần Công Giao ở Nam Định kể lại những câu chuyện rùng mình: “Anh em “lính thợ” người đi làm rừng, làm muối kham khổ không chịu nổi, có người phải tự chặt ngón tay để khai bệnh, vào nhà thương ở Marseille để được ở nhà. Có anh em đói quá ra thùng rác công cộng bới tìm xương bò, xương heo người ta bỏ để mút tủy ăn, dẫn tới phát bệnh mà chết”.

Nhưng cái đói mới là điều khủng khiếp đối với anh em “lính thợ” Việt. Ông Đặng Văn Long kể: “Nhiều anh em chúng tôi bị tù vì thường phải ăn cắp vặt. Chúng tôi quá đói nên nếu không ăn cắp thì chẳng thể sống sót được. Chúng tôi ăn tất cả những gì có thể hái lượm được. Thực phẩm người ta cung cấp cho chúng tôi trong hai tuần lễ thật ra chỉ đủ cho bốn đến năm ngày. Những ngày còn lại chúng tôi ăn bất kể thứ gì, kể cả cỏ dại”.

Một cư dân Pháp ở Bergerac, ông Jean Magne, xác nhận điều này khi cho hay ông từng trông thấy những “lính thợ” Đông Dương đi bắt sò ở Dordogne để ăn. “Đối với người địa phương đó là thứ không ăn được, nhưng tôi không hiểu vì sao họ vẫn ăn và vẫn sống” - ông này bình phẩm.

Rồi chiến tranh cũng chấm dứt, nhưng đời “lính thợ” Việt chưa hết khổ.

__________

Vượt qua thảm kịch chiến tranh và nô dịch xứ người, những người “lính thợ” trở về và đón nhận những bi kịch ly tán, mất mát... ở quê nhà.

Kỳ tới: Về nhà, về nhà...

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên