23/05/2014 15:54 GMT+7

Sẵn sàng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền

hungthuat
hungthuat

TTO - 16g chiều nay 23-5, Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông. Có hơn 200 phóng viên, nhà báo của các hãng thông tấn trong và ngoài nước tham dự buổi họp báo này.

Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộcXem Video clip tàu Trung Quốc hung hăng đâm rách tàu Việt NamMỹ ủng hộ dùng pháp lý trong tranh chấp biển Đông

Đây là lần họp báo quốc tế lần thứ 3 của Bộ Ngoại giao từ sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

0yu7t7Zm.jpgPhóng to
Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam phát biểu khai mạc buổi họp báo quốc tế chiều 23-5- Ảnh: Nguyễn Khánh
Q4aqmqMX.jpgPhóng to
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh - tham mưu trưởng cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh
FejWCeBI.jpgPhóng to
Hình ảnh Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
zpeXxO2J.jpgPhóng to
Ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm ủy ban biên giới Quốc gia trả lời các câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Nguyễn Khánh
BKYASuoq.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Vụ trưởng vụ luật pháp quốc tế - Ảnh: Nguyễn Khánh
YLbZMhHp.jpgPhóng to
Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Quốc gia Đỗ Văn Hậu - Ảnh: Nguyễn Khánh
O5Eg5M3l.jpgPhóng to
Đông đảo phóng viên quốc tế và trong nước có mặt tại buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh
vqzICyQR.jpgPhóng to
Ông Ngô Ngọc Thu - phó tư lệnh, tham mưu trưởng cảnh sát Biển Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Nguyễn Khánh
B4VkNIYu.jpgPhóng to
Ông Lê Hải Bình - phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam điều phối các câu hỏi tại buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh
Et9u5VCZ.jpgPhóng to
Các vị đại biểu có mặt tại bàn chủ tọa trả lời các câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Nguyễn Khánh

Phát biểu khai mạc họp báo

Phát biểu của ông Trần Duy Hải giải thích công hàm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Phát biểu của ông Trần Duy Hải về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa

Phát biểu của Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN)

Phát biểu của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao

Ông Lê Hải Bình nói về vai trò ASEAN

Ông Trần Duy Hải nói về việc VN thống nhất không sử dụng quân sự

Video Tàu TQ dùng vòi rồng tấn công tàu VN do cảnh sát biển cung cấp cho báo Tuổi Trẻ trong buổi họp báo chiều nay

Tham dự và trả lời báo chí Việt Nam và quốc tế chiều 23-5 có: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao

Tại buổi họp báo, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói: Thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không để ảnh hưởng an ninh hàng hải khu vực.

Sau khi rút giàn khoan, Việt Nam và Trung Quốc sẽ bàn bạc, nhưng Trung Quốc gần đây đưa ra nhiều thông tin sai lệch liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Trước tiên, tôi xin bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc.

Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa. Từ nhiều thế kỷ nay, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa (Việt Nam) một cách hòa bình, không bị nước nào phản đối.

Khi Pháp thuộc, Pháp thay mặt Việt Nam quản lý hai quần đảo trên, phản đối các yêu sách của nước khác về hai quần đảo này. Tại Hội nghị San Francisco tháng 9-1951 giải quyết các vấn đề về lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ hai, phái đoàn Liên Xô đã đề nghị trao trả Hoàng Sa cho Trung Quốc nhưng 46/51 quốc gia đã bỏ phiếu phản đối.

Trưởng phái đoàn Việt Nam, Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam nhưng không gặp phản đối bất cứ ai. Hiệp định Geneve, Pháp rút khỏi Việt Nam, sau đó, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản và có hành vi thực hiện chủ quyền hai quần đảo này.

Trung Quốc tham gia hiệp định Geneve 1954 nên họ phải tôn trọng thực tế này.

Trung Quốc cố tình viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Theo ông Hải, năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối hành động này. Hành vi cưỡng chiếm là trái phép, không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc. Bị vong lục của Trung Quốc năm 1958 cũng công nhận xâm lược không đem lại chủ quyền.

Thực tế, đến nay không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Việc Trung Quốc nói có chủ quyền ở Hoàng Sa là không đúng.

Trung Quốc gần đây đã viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng công thư đó công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Thực chất, công thư này hoàn toàn không đề cập chủ quyền của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa. Công thư này chỉ ghi nhận Trung Quốc tuyên bố chủ quyển lãnh hải 12 hải lý, không nhắc gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc không đề cập hai quần đảo là đúng thực tế thời điểm đó vì hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17 nên được Pháp chuyển giao cho Việt Nam Cộng hòa..

Ngoài ra, việc Trung Quốc nói Hoàng Sa không có tranh chấp với VN là mâu thuẫn với chính lời lãnh đạo Trung Quốc. Ngày 24-9-1975, trong trao đổi với Bí thư thứ nhất VN Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình khi đó là Phó Thủ tướng cũng đã công nhận hai nước có tranh chấp. Ông Đặng Tiểu Bình khi đó là lãnh đạp cấp cao Trung Quốc nên không thể không biết.

Những văn bản này có trong bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có thể thấy trên các trang mạng và chúng tôi có thể cung cấp.

Gần đây, Trung Quốc có tuyên bố về việc VN khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp. Xin khẳng định tất cả mọi hoạt động dầu khí của VN đều nằm trong thềm lục địa của VN, được xác định phù hợp với Luật biển 1982, điều này được quốc tế công nhận, nhiều công ty dầu khí nước ngoài đã và đang có hợp đồng thăm dò, khai thác. Quan điểm gần đây của Trung Quốc thực chất muốn biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, muốn biến yêu sách đường lưỡi bò - thành sự thật.

VN thăm dò khai thác dầu khí đúng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của mình

Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN): PVN là công ty dầu khí quốc gia, được Nhà nước VN giao cho quản lý toàn bộ dầu khí trên lãnh thổ và lãnh hải của VN. Từ năm 1973-1974 chính quyền VN đã ký với công ty Hoa Kỳ khảo sát bắc Miền Trung, gồm cả Hoàng Sa.

Sau 1975, chúng tôi đã triển khai các hoạt động dầu khí trên toàn bộ lãnh hải, gồm cả khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Từ 1986, Quốc hội VN phê chuẩn công ước quốc tế về luật biển 1982, việc thăm dò khai thác dầu khí chỉ thực hiện trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Đến nay có 86 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực. Chúng tôi đã khảo sát và khoan trên 900 giếng dầu khí, đã có trên 30 mỏ đang được khai thác. Xin nhắc lại, tất cả hoạt động dầu khí PVN và các đối tác đều trong giới hạn vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Chúng tôi không có bất cứ lô dầu khí nào nằm ngoài vùng 200 hải lý thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được quốc tế công nhận. Khu vực Trung Quốc nói có tranh chấp là khu vực: Đông Nam, gọi là bãi Tư Chính - Vũng Mây, khu vực miền Trung Việt Nam, khu vực Hoàng Sa.

Vùng Hoàng Sa chính quyền miền Nam đã khảo sát địa chấn, gần đây chúng tôi tiếp tục khảo sát ở đây. Việc khảo sát được tiến hành tích cực. Trước đây, chúng tôi có thăm dò ngoài khu vực đường 200 hải lý, nhưng đó là trước khi Việt Nam phê chuẩn công ước quốc tế về luật biển. Sau khi Việt Nam phê chuẩn, Việt Nam đã tuân thủ nghiêm túc.

Các hoạt động dầu khí ở miền Trung, nơi Trung Quốc qua công ty CNOOC gọi thầu, chúng tôi vẫn tiến hành khảo sát. Đến nay, không có công ty quốc tế nào ký với Trung Quốc thầu 9 lô kể trên. Hoạt động dầu khí của PVN đang triển khai bình thường, phù hợp với Luật biển 1982. Chúng tôi trước nay đều công bố công khai mà không có bất kỳ cản trở, phản đối nào.

Điều này chứng tỏ Trung Quốc nói 57 lô VN phân đang nằm trong vùng tranh chấp là hoàn toàn sai trái.

* Vietnamnet: Phía Trung Quốc nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Điều này có đúng không? Công thư có phải là một tuyên bố có giá trị pháp lý không? Nếu không thì công thư này mang ý nghĩa gì?

- Ông Trần Duy Hải: Công thư của Cố thủ tướng là văn bản ngoại giao, nó có giá trị pháp lý về những vấn đề mà được nêu trong nội dung, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Công thư không đề cập chủ quyền chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nên đương nhiên nó không có giá trị pháp lý trong vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa.

Thứ hai, giá trị công thư cũng phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Geneve 1954 mà Trung Quốc có tham gia. Do đó, tôi xin nói logic thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được.

Thông tin Trung Quốc đưa xe tăng đến gần biên giới không chính xác

* Dân Việt: Trong chuyến thăm và làm việc ở Philippines, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập khả năng sử dụng biện pháp pháp lý. Nhà Trắng (Mỹ) đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong việc sử dụng biện pháp pháp lý. Việt Nam có tận dụng sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề này hay không và đã chuẩn bị đến đâu?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao: Là thành viên của Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam có quyền sử dụng mọi cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật biển để giải quyết các tranh chấp liên quan đến mình. Việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp bao gồm cả việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế.

Thứ hai, việc sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế, là một biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ ba, chúng tôi cho rằng sử dụng biện pháp pháp lý sẽ tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang.

Thứ tư, các bạn cũng thấy lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định là Việt Nam không loại trừ việc sử dụng bất kỳ một biện pháp hòa bình nào để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi, với tư cách cơ quan tham mưu, có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả mọi biện pháp có thể sử dụng được để phục vụ yêu cầu của chính phủ.

* Tiền Phong: Trong nhiều ngày vừa qua, mạng xã hội đưa nhiều thông tin quân đội Trung Quốc tập trung đưa vũ khí, xe tăng đến gần biên giới Việt Nam. Việt Nam có nhận được thông tin này và có giải pháp gì?

- Ông Trần Duy Hải: Xin khẳng định các hoạt động giao thương và giao lưu ở biên giới Việt-Trung vẫn diễn ra bình thường. Chúng tôi chưa nhận được thông tin nào liên quan đến việc điều quân hay chuyển quân. Đó là thông tin không chính xác. Trong cuộc gặp giữa hai thứ trưởng ngoại giao vừa qua, hai bên đã nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.

* Phó Đại sứ Australia: Đến nay giàn khoan Hải Dương 981 đã hoạt động được ba tuần. Phía Việt Nam đã có bằng chứng nào về việc Trung Quốc đã hoặc sắp hạ khoan thăm dò chưa? Thứ hai, liên quan đến thỏa thuận gần đây giữa Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và phía Trung Quốc là hai bên kiềm chế định không sử dụng vũ lực. Xin ông xác nhận thông tin này?

- Ông Đỗ Văn Hậu: Câu hỏi Trung Quốc đã bắt đầu khoan hay chưa là khó trả lời. Theo quy trình khoan bình thường, thì thời gian đã đủ để tiến hành khoan. Nhưng phía Việt Nam không tiếp cận được vào phía giàn khoan Trung Quốc nên chúng tôi không có thông tin chính xác. Xin nhắc lại theo quy trình bình thường thì giàn đã có thể khoan được.

- Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, phía Việt Nam đã kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam rồi hai bên trao đổi để sớm ổn định tình hình, tìm các giải pháp phù hợp để giải quyết. Nhưng đến nay phía Trung Quốc vẫn khước từ đề nghị thiện chí của Việt Nam và các bạn đã biết là Trung Quốc đưa ra nhiều luận điệu sai trái về các vấn đề về chủ quyền của Việt Nam.

Trong cuộc gặp hai thứ trưởng, phía VN đã nói hai bên không thể và không nên sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng vì điều này không phù hợp quy định của luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc và xu thế của thời đại hiện nay. Phía Trung Quốc cũng đã tán đồng ý kiến đó của Việt Nam.

* Có ý kiến nói rằng giàn khoan Hải Dương 981 nằm cách đảo của Trung Quốc chỉ 21 km, trong khi cách Việt Nam 221 km. Xin giải thích rõ hơn?

- Theo quy định công ước quốc tế về Luật biển 1982, mỗi quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Khu vực giàn khoan Trung Quốc đặt là nằm sâu trong thềm lục địa VN 80 hải lý. Trong quần dảo hoàng Sa, đảo Tri Tôn chỉ là một bãi đá ngầm. Theo công ước, nó không có vùng biển vượt quá 12 hải lý.

Trong khi giàn khoan Trung Quốc đặt cách đảo 18 hải lý. Nên giàn khoan không thể trong vùng biển của đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, Hoàng Sa là của VN. Nên trong bất cứ khả năng nào, việc đặt giàn khoan của Trung Quốc đều không hợp pháp.

"Vàng rất quý, nhưng chủ quyền quốc gia còn quý hơn vàng"

* VTC: Ông Hải đề cập tại Hội nghị San Francisco, phần lớn các quốc gia phản đối việc trao trả hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa cho Trung Quốc. Tại sao lại dùng từ trao trả ở đây khi Bộ Ngoại giao VN khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ có chủ qyền đối với Hoàng sa-Trường Sa? Vừa qua đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ có trả lời phỏng vấn CNN, trong đó nói rằng vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Tri Tôn 17 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý; Việt Nam có hơn 20 giàn khoan đang hoạt động ở khu vực tranh chấp còn Trung Quốc chỉ có 1 giàn khoan; Trung Quốc chỉ có tàu dân sự ở khu vực giàn khoan còn Việt Nam có tàu chiến có vũ trang. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam?

- Ông Trần Duy Hải: Tôi xin nhắc lại là đại biểu của Liên Xô trao quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa cho Trung Quốc nhưng 46/51 quốc gia đã phản đối. Thứ hai, tôi bác bỏ ý kiến của ông Thôi Thiên Khải. Xin khẳng định là giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đảo Tri Tôn thật ra là một bãi đá nên theo quy định của luật pháp quốc tế, nó không thể có vùng biển vượt quá 12 hải lý. Giàn khoan đó hoạt động cách Tri Tôn 17 hải lý. Do vậy không thể nói là nó không thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, dù cho khu vực đó có thuộc quần đảo Hoàng Sa hay không thì vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bất luận xét từ khía cạnh pháp lý nào, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này đều bất hợp pháp, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Về các hoạt động dầu khí, tôi và ông Hậu đã khẳng định rõ ràng tất cả hoạt động dầu khí của Việt Nam đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định đúng theo Công ước Luật Biển 1982.

- Ông Ngô Ngọc Thu: Đồng thời với việc đưa giàn khoan 981 hạ đặt ở vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã đưa các tàu chiến đấu, tàu chấp pháp và tàu dịch vụ đếnn vùng biển này để bảo vệ giàn khoan 981. Về tàu chiến, Trung Quốc có 5 loại tàu gồm 9 lượt chiếc ở đây.

Chúng tôi ghi được số hiệu của các tàu này: tàu vận tải đổ bộ có lượng giãn nước khoảng 17 ngàn tấn, trên đó có tám ống phóng tên lửa phòng không, một bệ pháo 76 ly, có thể chở được nhiều quân và khí cụ quân sự. Thứ hai là tàu hộ vệ tên lửa; ba là tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh; tư là tàu tuần tiễu săn ngầm và thứ năm là tàu khu trục tên lửa. Tất cả là năm loại và 9 lượt chiếc tàu.

Về phía Việt Nam, Việt Nam đưa số lượng hạn chế tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, hoàn toàn không có tàu chiến. Vấn đề này, phóng viên Việt Nam và quốc tế đã có mặt ở hiện trường để khẳng định đúng sai.

* DPA (Đức): Có thông tin 4 người Trung Quốc thiệt mạng ở cuộc gây rối ở miền Trung, miền Nam. Xin làm rõ?* Có thông tin 4 người Trung Quốc thiệt mạng ở cuộc gây rối ở miền Trung, miền Nam. Xin làm rõ?

- Ông Lê Hải Bình: Các cơ quan VN cho biết trong các cuộc gây rối ở Hà Tĩnh có hai người quốc tịch Trung Quốc đã bị chết; còn ở Bình Dương thì các đối tượng xấu đã kích động dẫn đến xô xát khiến một người Trung Quốc chết. Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ các cơ quan chức năng của Việt Nam.

"Xin khẳng định chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc VN, nên không có gì có thể đánh đối được. Như các bạn đã biết, vàng rất quý, nhưng độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng"

Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia

*Dân Trí: VN cho biết đã có 20 cuộc tiếp xúc với Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gây căng thẳng. Thủ tướng VN tại Philippines đã nêu rõ quan điểm là Việt Nam không đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông. Vậy xin hỏi, đây có phải thời điểm đến giới hạn của sự kiên nhẫn của VN? Xin ông bình luận về 16 chữ vàng mà Trung Quốc đã áp dụng với VN?

- Ông Trần Duy Hải: Xin khẳng định chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc VN, nên không có gì có thể đánh đối được. Như các bạn đã biết, vàng rất quý, nhưng độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng.

* Jiji Press (Nhật Bản): Trung Quốc thông báo dừng một số hoạt động giao lưu với VN. Chương trình nào bị dừng lại? Chúng có ảnh hưởng gì đến kinh tế VN? Thứ hai, tôi muốn biết số liệu ước tính trữ lượng dầu, khí ở Biển Đông? Tôi có số lượng của Mỹ và Trung Quốc nhưng chúng khác nhau đến cả 10 lần. Vậy số liệu của Việt Nam là thế nào?

- Ông Trần Duy Hải: Đến nay mọi hoạt động giao lưu giữa Trung Quốc và Việt Nam chưa có gì bị dừng lại. Có lẽ Trung Quốc nói liên quan đến lao động khi họ đưa một số lao động về nước. Đó chỉ là các lao động phổ thông nên các doanh nghiệp có khả năng thay thế, không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất bình thường của các doanh nghiệp VN.

- Ông Đỗ Văn Hậu: Với Biển Đông, các nước đều có đánh giá; đặc biệt ở vùng thềm lục địa VN, chúng tôi có khảo sát, đánh giá, dự báo có 4-6 tỉ tấn dầu. Còn ngoài khu vực này, chúng tôi không có đánh giá. Tuy vậy, đánh giá theo cách của người Mỹ hay người Trung Quốc đánh giá thì chúng tôi không làm và không tin đánh giá đó.

Ở khu vực giữa Biển Đông, nhiều người nói có nguồn dầu khí lớn. Thực chất chúng tôi không lạc quan như vậy. Tại khu vực Trung Quốc đang khoan, chúng tôi đã có khảo sát ở khu vực này nhưng chưa khoan nên chưa thể kết luận xem khu vực này có hiện hữu dầu khí không. Có thể nơi đây có dầu khi song theo chúng tôi triển vọng là không lớn.

* Infonet: Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết nhiều công dân VN nhập cảnh Trung Quốc những ngày vừa qua được phía Trung Quốc yêu cầu phải ký vào văn bản thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc thì mới được nhập cảnh. VN đã biết thông tin này chưa?

- Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi chưa nhận được thông tin này nhưng sẽ đề nghị các cơ quan chức năng VN xác minh. Nếu có sẽ xử lý vấn đề theo đúng luật pháp quốc tế cũng như thỏa thuận hai bên.

* VOV: Gần đây Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đâm tàu, gây hấn với tàu Trung Quốc. Điều này có đúng không? Thứ hai, sắp tới Việt Nam sẽ làm gì để tranh thủ sự ủng hộ của Asean trong việc đấu tranh pháp lý giành quyền chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa?

- Ông Ngô Ngọc Thu: Trong họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, họ có đưa thông tin cáo buộc VN khiêu khích, sử dụng tàu trên biển để đâm va vào tàu bảo vệ giàn khoan 981. Đây là thông tin sai lệch, mang tính vu cáo. Chúng tôi bác bỏ thông tin này.

Thực tế, Trung Quốc ở thời kỳ cao điểm là ngày 20-5 sử dụng tới 137 lượt chiếc tàu thuyền để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 4 lượt tàu chiến và một số tốp máy bay. Hoạt động của Trung Quốc gồm sử dụng súng phun nước có công suất lớn, máy phát tạo âm thanh, sóng âm tần gây khó chịu, ảnh hưởng thính giác của các khu vực xung quanh đến 100 mét, rồi dùng đèn pha công suất lớn để tác động lên các tàu của VN.

Ngoài ra, họ tiếp tục tiến hành đâm va vào tàu VN. Phía VN hoàn toàn không sử dụng công cụ trên tàu để đáp trả, không sử dụng súng phun nước, vòi rồng; chỉ sử dụng loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm trái phép vùng biển VN và các biểu ngữ yêu cầu tàu bảo vệ và giàn khoan rút khỏi vùng biển Việt Nam.

Thực tế tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư VN đã bị đâm va 20 lần. Có tàu bị đâm va 3-4 lần. Hình ảnh chúng tôi cung cấp cho báo chí đã chứng minh điều này. Phía VN xin khẳng định hoàn toàn không tấn công, khiêu khích tàu Trung Quốc.

- Ông Lê Hải Bình: Trong Hội nghị cấp cao lần thứ 24 của Asean vừa diễn ra tại Myanmar vừa qua, các diễn biến phức tạp trên biển đã được các lãnh đạo cấp cao đề cập. Các văn kiện chính thức của Hội nghị cấp cao đã đề cập. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ 1995, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean đã ra tuyên bố thể hiện quan ngại của Asean về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.

Có thể nói đây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Asean thời gian qua. Tại các diễn đàn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean mới diễn ra tại Myanmar và nhiều diễn đàn quốc tế khác, lãnh đạo Việt Nam đã đề cập đến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông một cách phù hợp với diễn đàn và bối cảnh.

Ngoài Tuyên bố chung của Bộ trưởng Ngoại giao Asean, một số nước Asean khác cũng ra tuyên bố riêng, yêu cầu các bên không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, dùng biện pháp hòa bình để giải quyết. Nói chung, công luận thế giới đều ủng hộ Việt Nam kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng.

Trong thời gian tới, trong các diễn đàn quốc tế và các hoạt động song phương, lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này một cách thẳng thắn, chân thành, phù hợp với diễn đàn và những gì xảy ra trên thực địa.

* Reuters: Xin hỏi cụ thể trong trường hợp thế nào thì VN sẽ sử dụng biện pháp pháp lý?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Cá nhân tôi là luật gia, tôi cũng luôn hỏi mình lúc nào nên sử dụng biện pháp pháp lý. Nhưng Chính phủ là nơi sẽ quyết định. Chính phủ sẽ phải quyết định dựa trên kiến nghị của nhiều cơ quan chức năng, chứ không phải trên khuyến kiến của một luật gia. Nên tôi nghĩ chúng ta phải chờ quyết định của Chính phủ.

Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình

* VnExpress: VN đang kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình. Thời gian tới nếu Trung Quốc không có thay đổi tích cực, VN có biện pháp nào mạnh mẽ hơn? Có ý kiến cho rằng sau khi rút giàn khoan thì Trung Quốc sẽ đánh dấu khu vực này và tuyên bố vùng nhận dạng có giới hạn. Việt Nam đã tính đến biện pháp đối phó tình huống này hay chưa?

- Ông Trần Duy Hải: Như Thủ tướng VN đã trả lời phỏng vấn ở Philippines, VN sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình. Tất nhiên, chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng nếu VN là nạn nhân thì ta phải tự vệ. Cho nên chúng ta phải sẵn sàng bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của chúng ta.

* Thanh Niên: Trong các tuyên bố của Trung Quốc đến nay, họ có ba lần giải thích khác nhau về vị trí giàn khoan Hải Dương 981. Lần thì nói đây là vùng lãnh hải của Trung Quốc, lần thì nói là ở trong vùng nước của quần đảo Tây Sa, tức Hoàng Sa; lần thì nói vùng nước phía nam của đảo Trung Kiến (tức Tri Tôn) Xin bình luận về các lập luận khác nhau này?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Bình luận duy nhất chúng tôi có thể nói được là chúng tôi từng được nghe rất nhiều lần các bạn Trung Quốc giải thích khác nhau về cơ sở pháp lý cho yêu sách của họ. Chúng tôi luôn đề nghị Trung Quốc cần có giải thích rõ về cơ sở pháp lý đối với yêu sách của mình với vùng biển.

- Ông Lê Hải Bình: Dù Trung Quốc nói khác nhau thế nào, về phía VN, chúng tôi chỉ có một khẳng định vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là nằm sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, vi phạm chủ quyền của VN theo Công ước Luật Biển 1982 mà VN và Trung Quốc đều là thành viên.

Báo Nga - Ria Novosti bình luận phiến diện

* Tuổi Trẻ: Gần đây báo Ria Novosti có bài bình luận quan hệ Nga - Trung, đề cập nhiều đến Việt Nam với các thông tin không khách quan. Xin Bộ Ngoại giao cho biết quan điểm về điều này?

Thứ hai, liên quan đến việc Trung Quốc đưa công nhân của nước này ở Việt Nam về nước, Trung Quốc sử dụng thông tin này để bóp méo tình hình an ninh trật tự ở Việt Nam, cho rằng an ninh ở Việt Nam không được đảm bảo. Xin bình luận về điều này.

- Ông Lê Hải Bình: Liên quan đến bài viết trên Ria Novosti, đây là bài báo thể hiện ý kiến cá nhân hết sức phiến diện và sai trái, đã xuyên tạc sự thật lịch sử và diễn biến hiện nay. Tôi rất lấy làm tiếc là một tờ báo uy tín như Ria Novosti lại cho đăng tải bài báo đó. Theo như kết quả làm việc của chúng tôi với Đại sứ quán Nga thì bài báo chỉ phản ánh ý kiến cá nhân của tác giả bài báo.

Liên quan đến việc Trung Quốc rút công nhân về nước, tôi xin trả lời như sau: Những vụ việc gây rối vừa qua là hết sức đáng tiếc. Cho đến nay, các biện pháp của Việt Nam - dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng - đã được thực hiện quyết liệt. Tình hình sản xuất kinh doanh và trật tự an toàn xã hội đã trở lại ổn định. Hầu hết doanh nghiệp VN và nước ngoài đã khôi phục hoạt động.

Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn tài sản, tính mạng cũng như quyền lợi hợp pháp của mọi cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài đang hoạt động, sinh sống ở Việt Nam; đồng thời đảm bảo không để tái diễn sự cố đáng tiếc vừa qua.

Tuyệt đại đa số các doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng đều đánh giá cao phản ứng nhanh chóng, biện pháp xử lý và nỗ lực của chính phủ Việt Nam và bày tỏ tin tưởng là chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp an tâm hoạt động. Theo chúng tôi biết, ngoại trừ Trung Quốc thì không có doanh nghiệp nước ngoài nào rút doanh nghiệp hay công nhân của mình về nước.

CẦM VĂN KÌNH - HƯƠNG GIANG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giàn khoan Trung Quốc đe dọa hòa bìnhCử tri bất bình trước hành động ngang ngược của Trung QuốcQuyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyềnSức mạnh lớn nhất của Việt Nam là chính nghĩaTrung Quốc phải rút giàn khoan, tàu, máy bay ra khỏi vùng biển Việt NamKiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốcCựu chiến binh phản đối hành động sai trái của Trung QuốcVăn sĩ Việt Nam lên án hành động của Trung Quốc ở biển ĐôngTàu Việt Nam tiến gần giàn khoan, Trung Quốc rút bớt tàu

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên