20 cuộc giao thiệp,Trung Quốc vẫn ngoan cố
Phóng to |
Ảnh: Việt Dũng |
Đây cũng là vấn đề được nêu trong các báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Quốc hội.
Vào chiều 20-5, Quốc hội đã có phiên họp riêng để nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày diễn biến vụ việc, chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Diễn biến khó lường
“Chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp đấu tranh ngoại giao và một trong những biện pháp này là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Cho đến nay có 20 cuộc giao thiệp như vậy và chúng ta kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là lập trường kiên quyết của chúng ta”. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội |
“Chúng ta đều đã biết tình hình ở biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ông khẳng định việc làm của Trung Quốc “là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông, bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng và nhà nước Việt - Trung”.
Trong bối cảnh đó, ông Hùng cho rằng: “Đồng bào ta thật sự lo lắng và kiên quyết phản đối, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”.
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết nhân dân cả nước rất bất bình về việc làm trên của phía Trung Quốc.
Nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
“Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời làm cho chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, phản đối việc công khai vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống
Trước các vụ việc đáng tiếc xảy ra tại một số địa phương như Bình Dương, Hà Tĩnh thời gian qua, ông Nhân cho biết: “Nhân dân cũng kiên quyết phản đối, lên án một số kẻ xấu đã tổ chức các hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ủng hộ chủ trương của Chính phủ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến các nhà đầu tư và uy tín của đất nước”.
Bên cạnh đó, “cử tri và nhân dân làm nghề đánh bắt hải sản tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, điều chỉnh việc vay vốn theo hướng tăng định mức và kỳ hạn vay vốn. Đồng thời giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để mua sắm, cải tạo, hoán đổi tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Trong nhóm giải pháp nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ: “Tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế.
Tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại. Thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận