Phóng to |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại khu vực hồ chứa bùn đỏ số 1. Hồ chứa này dự kiến sẽ đầy vào cuối năm 2014 - Ảnh: M.Vinh |
Phó thủ tướng dành nhiều thời gian làm việc với các bên liên quan về vấn đề an toàn của hồ bùn đỏ và các tác động có thể xảy ra đối với môi trường. Hồ bùn đỏ số 1 đã được vận hành từ tháng 12-2012 khi Nhà máy alumin Tân Rai chính thức khởi động. Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng yêu cầu phải “nâng cấp độ dự phòng về an toàn môi trường”, hồ chứa bùn đỏ phải tuyệt đối an toàn.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu cần phải rà soát thiết kế của hồ bùn đỏ, từ đó có những điều chỉnh nâng cao mức an toàn. Ông cho rằng thiết kế của hồ bùn đỏ đã được đưa ra cách nay khá lâu, trong khi đó biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp và công trình sẽ khó tránh khỏi tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể là lũ và những trận mưa lớn kéo dài thường thấy ở Tây nguyên. Phó thủ tướng cho rằng: lũ lụt ở miền Trung, Tây nguyên là kinh nghiệm để tính toán toàn bộ công trình nói chung và hồ bùn đỏ nói riêng có thể chịu đựng được tác động của lũ lụt ở mức độ nào.
Ông Phan Bội Lợi, giám đốc Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng, cho biết sau hơn một năm vận hành đã nảy sinh một số điều cần điều chỉnh xử lý. Chẳng hạn, đó là lượng nước đưa ra hồ bùn đỏ nhiều hơn dự kiến. Khoang số 1 sẽ đầy vào cuối năm 2014, sớm hơn so với dự kiến và dự án đang tiếp tục đầu tư thêm 178 tỉ đồng để xây dựng thêm khoang dự phòng chứa bùn đỏ số 3.
Phó thủ tướng nhấn mạnh phải hạn chế tối đa việc để nước thải từ nhà máy thoát ra ngoài - kể cả nước mưa từ khu vực nhà máy, nâng tỉ lệ tái sử dụng nước từ hồ bùn đỏ đã qua xử lý, làm sạch. Phó thủ tướng yêu cầu đặt thêm các trạm quan trắc ở những địa điểm mà nhà máy alumin và nhà máy tuyển quặng xả thải ra ngoài môi trường và liên tục có các báo cáo tác động môi trường.
Theo ban quản lý dự án, hiện tổ hợp nhà máy bôxit - nhôm đang trong tình trạng có nguy cơ mất an toàn sản xuất do lệ thuộc 30% lượng điện do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cung cấp nhưng không ổn định. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc tự chủ nguồn điện bằng nhiệt điện nằm trong thiết kế của tổ hợp nhà máy và nguồn điện từ mạng lưới quốc gia là nguồn điện dự phòng. Lệ thuộc nguồn điện chứng tỏ nhà máy alumin và cả tổ hợp hoạt động chưa phù hợp với thiết kế. Trong khi đó, đại diện EVN cho biết đang triển khai thêm một đường dây 110 kV nối từ TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đến khu vực nhà máy để củng cố mức độ an toàn trong sản xuất.
Tổng giá trị dự án tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai đến thời điểm này đạt hơn 14.900 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư hơn 15.200 tỉ đồng (đạt 98%). Từ khi bắt đầu sản xuất đến nay, tổ hợp nhà máy bôxit - nhôm Lâm Đồng đã sản xuất được 260.000 tấn alumin. Hiện nhà máy đang hoạt động duy trì ở mức 60% công suất thiết kế (công suất thiết kế 600.000 tấn/năm).
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tiếp tục tranh luận về hai dự án bôxitKhai thác bôxit: nguy cơ thua lỗ nặng nềKhai thác bôxit: Chi phí tăng cao, công nghệ lạc hậuTKV khẳng định bôxit Tân Rai có hiệu quảTKV khẳng định hiệu quả, không dừng dự án Nhân CơBôxit Tân Rai phải quyết toán dự án chậm nhất cuối năm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận