Hiến pháp sửa đổi đề cao quyền con người Hiến pháp mới là một dấu mốc quan trọngQuốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổiChạy đua với thời gian để “lấp khoảng trống”
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Tuấn Phùng |
Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi; bảo đảm sự phù hợp với các văn kiện Đại hội Đảng XI, phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Nhấn mạnh hơn nữa tư tưởng chủ quyền nhân dân
Nội dung Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị được xác định trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định thể chế của nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiến pháp sửa đổi nhấn mạnh hơn nữa tư tưởng chủ quyền nhân dân; bản chất của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực của phát triển xã hội.
"Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng" |
Khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp quy định trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền đó. Hiến pháp sửa đổi còn quy định nguyên tắc quan trọng là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, Hiến pháp sửa đổi ghi nhận đầy đủ các quyền dân sự - chính trị theo các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quy định các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các quy định của Hiến pháp sửa đổi làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh, về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác. Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Hiến pháp sửa đổi quy định rõ các định hướng chính sách phát triển trong từng lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường và làm rõ các chính sách, mục tiêu cơ bản để bảo đảm phát triển bền vững trong từng lĩnh vực theo hướng bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới; đồng thời cũng xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các chính sách và các quyền công dân liên quan đến một số lĩnh vực.
Cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực
Về tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp sửa đổi cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vị trí, vai trò, chức năng của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được quy định rành mạch, phù hợp hơn. Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đồng thời, Hiến pháp sửa đổi cũng phân định rõ hơn nhiệm vụ của Quốc hội trong việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; qua đó làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ trong việc chủ động, sáng tạo trong điều hành kinh tế - xã hội và quyết định các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc các vấn đề được Quốc hội ủy quyền bằng luật.
Chính phủ được xác định rõ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội với các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định mang tính khái quát và phù hợp hơn. Các quy định này là cơ sở hiến định quan trọng để giúp Chính phủ thể hiện khả năng kiến tạo, có thể ứng phó với các tình huống trong quá trình quản lý toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đúng tinh thần “kiện toàn bộ máy Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý vĩ mô, nhất là chất lượng xây dựng thể chế, quy hoạch, năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”.
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ đã có sự phân định rành mạch với nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng. Đặc biệt, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ được quy định tương xứng với vị trí của người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm cơ sở hiến định để Thủ tướng Chính phủ có thể phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo Chính phủ, trong định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ và lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Các quy định của Hiến pháp sửa đổi cũng đề cao, phát huy hơn vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng trong quản lý đối với ngành, lĩnh vực và trách nhiệm chính trị của bộ trưởng trước nhân dân.
Về chính quyền địa phương, Hiến pháp sửa đổi thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, bảo đảm về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Chính quyền địa phương phải là một tổng thể thống nhất, có cơ quan đại diện của nhân dân địa phương - hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính - ủy ban nhân dân, có chức năng bảo đảm tính thống nhất trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm sự quản lý, điều hành thông suốt từ trung ương đến địa phương, phù hợp mô hình nhà nước đơn nhất.
Các quy định của Hiến pháp là nền tảng pháp lý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nguồn lực và chế độ trách nhiệm của chính quyền địa phương nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992, đồng thời bảo đảm sự đổi mới đồng bộ về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước và bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương trong phạm vi thẩm quyền và nguồn lực được giao.
Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện được khái quát ở tầm hiến định các nhiệm vụ cơ bản của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân để làm cơ sở cho việc luật định các nhiệm vụ cụ thể của cơ quan này; xác định rõ thẩm quyền của hội đồng nhân dân trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương cũng như tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương.
Với nhiều nội dung mới như nêu trên, việc tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả Hiến pháp sửa đổi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ với vị trí là cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
4 nội dung cần tập trung
Trong hai năm qua, Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục có nhiệm vụ nặng nề và rất quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp theo đúng quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
Căn cứ kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch của mình để tổ chức thực hiện thống nhất các hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp trong phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung vào các nội dung:
1. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp sửa đổi nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức trong phạm vi cả nước về nội dung, tinh thần của các quy định của Hiến pháp sửa đổi.
2. Tổ chức rà soát toàn diện các văn bản pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, để lập danh mục đề xuất và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp sửa đổi.
3. Khẩn trương xây dựng, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp sửa đổi, đặc biệt là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương.
4. Tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả Hiến pháp sửa đổi.
Để việc thi hành Hiến pháp sửa đổi có hiệu quả và để các quy định, các giá trị của Hiến pháp sửa đổi phát huy đầy đủ hiệu lực trên thực tế, trong phiên họp Chính phủ cuối năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và cần phải huy động sự tham gia ủng hộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội... để bảo đảm phát huy được vai trò tối thượng của Hiến pháp nói riêng và vai trò của pháp luật nói chung trong đời sống.
Sửa đổi Hiến pháp 1992 một cách bài bản Nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp, theo sự phân công của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo công tác tổng kết thi hành Hiến pháp và tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được thành lập do một phó thủ tướng làm trưởng ban đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai cụ thể và thường xuyên tổ chức họp định kỳ với các thành viên. Việc tổ chức công tác tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng như lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ được thực hiện một cách quy mô, bài bản, nghiêm túc, khoa học, huy động được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Các bộ ngành, địa phương đã tham gia tích cực, khẩn trương vào hoạt động sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, xác định hoạt động tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012 và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013. Chính phủ đã kịp thời có các báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp và báo cáo về kết quả lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi hiến pháp để phục vụ việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các bộ ngành, địa phương, Chính phủ đã chủ động, tích cực tham gia sâu vào quá trình đề xuất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Hiến pháp sửa đổi và có các báo cáo góp ý, đề xuất chỉnh lý, hoàn thiện nội dung dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Nhiều nội dung đề xuất trong các báo cáo của Chính phủ đã được đưa vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. |
_________________
(Tựa bài và tựa xen trong bài do Tuổi Trẻ đặt).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận