31/12/2013 09:15 GMT+7

Chạy đua với thời gian để "lấp khoảng trống"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Theo quyết nghị của Quốc hội, Hiến pháp (sửa đổi) với nhiều quy định mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày mai (1-1-2014). Tuy nhiên, để tất cả điều khoản được quy định trong Hiến pháp đi vào cuộc sống thì các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là cơ quan lập pháp, còn “cả núi công việc” phải làm.

Hiến pháp sửa đổi đề cao quyền con người Hiến pháp mới là một dấu mốc quan trọngQuốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi

Ít nhất 74 văn bản luật phải sửa

Lãnh đạo Ủy ban Pháp luật cho biết với những nội dung cần có luật mới thi hành được, ví dụ như quy định về quyền biểu tình thì mới phải chờ Quốc hội. Tuy vậy, qua rà soát bước đầu đã thấy ít nhất 74 văn bản luật cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015 để có thời gian rộng rãi hơn. “Nhưng Quốc hội đã quyết như vậy rồi thì không còn cách nào khác là các cơ quan chức năng phải chạy đua với thời gian để lấp khoảng trống trong thi hành Hiến pháp” - ông Hiện nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Văn Minh - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật - giải thích: theo nghị quyết số 64 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi), những công việc nào đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực. Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức tòa án nhân dân, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015)...

Đề xuất Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp

Được biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các cơ quan tham mưu khẩn trương chuẩn bị nội dung để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hướng dẫn một số nội dung thi hành Hiến pháp ngay trong tháng 1-2014. Theo ông Hùng, với những quy định mới về thẩm quyền của cơ quan nhà nước, ví dụ: Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND tối cao (trước đây thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước); quyền của Chủ tịch nước về phong, thăng quân hàm cấp tướng (trước đây Thủ tướng ký quyết định phong, thăng quân hàm đến trung tướng); quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể giải thích Hiến pháp và hướng dẫn ngay về trình tự, thủ tục.

Trước khối lượng công việc rất lớn, đã có một số ý kiến đề nghị Quốc hội tổ chức riêng một kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. “Hiến pháp mới đã dành riêng một chương rất quan trọng để quy định về quyền con người, phù hợp với các công ước quốc tế mà VN tham gia ký kết. Chúng ta cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật để thực hiện, ví dụ như pháp luật về tổ chức điều tra hình sự hay pháp luật về tố tụng hình sự có nhiều điều cần phải sửa đổi, bổ sung ngay bởi thực hiện theo luật hiện hành thì có thể sẽ vi phạm Hiến pháp” - ông Nguyễn Hòa Bình, viện trưởng Viện KSND tối cao, nêu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị “ưu tiên những văn bản pháp luật liên quan đến quy định mới về đổi mới thể chế kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người và quyền dân chủ của nhân dân...”.

Theo Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, bên cạnh việc bãi bỏ, sửa đổi ngay những quy định của luật trái với Hiến pháp thì cần rà soát để sửa đổi, bổ sung một cách căn cơ hơn. “Tôi lấy ví dụ, lâu nay Chủ tịch nước vẫn giữ quyền phong, thăng quân hàm với cấp thượng tướng, đại tướng nhưng thật ra thì Chủ tịch nước chỉ ký, hồ sơ thủ tục là ở bên khác chuẩn bị. Bây giờ mở rộng thẩm quyền, vậy để bảo đảm chữ ký của Chủ tịch nước có giá trị thực tế thì phải quy định vai trò của Văn phòng Chủ tịch nước tham gia vào quy trình, thủ tục như thế nào? Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang với Tổng bí thư (bí thư Quân ủy Trung ương) với Chính phủ ra sao? Tôi nghĩ cần có văn bản luật để quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, chức năng của Chủ tịch nước” - bà Doan nói tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên