29/11/2013 06:20 GMT+7

Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 28-11, với 486/488 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội (hai đại biểu không biểu quyết, không đại biểu nào không tán thành), Quốc hội đã thông qua toàn văn Hiến pháp (sửa đổi).

97,59% đại biểu Quốc hội đồng tình thông qua Hiến phápHiến pháp (sửa đổi) thể hiện rõ hơn vai trò Chủ tịch nướcĐảng gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng bản Hiến pháp

gEFVBejW.jpgPhóng to
97,59% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Hiến pháp sửa đổi - Ảnh: V.Dũng

Viết hoa từ “Nhân dân”

Một điều khá thú vị trong bản dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua ngày 28-11 là danh từ “Nhân dân” được viết hoa, điều không được thể hiện trong các bản hiến văn trước đó. Ngay tại Lời nói đầu đã có tất cả năm từ “Nhân dân” được viết hoa: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước...”.

Sau đó, nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành tuyệt đối trên số đại biểu có mặt: 491/491.

“Hiến pháp thể hiện được tinh thần đổi mới. Hiến pháp thể hiện được ý Đảng, lòng dân” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố. Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng hiểu rằng trong một bộ phận, một số người thuộc các tầng lớp nhân dân chúng ta và ngay cả một số vị đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác. Tuy nhiên, tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội đã đồng tình cao với dự thảo thông qua lần này. Những ý kiến còn khác so với dự thảo ở khoản này, điều kia, câu nọ, thì chúng tôi, Quốc hội chúng ta hết sức trân trọng để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước”.

Hiến pháp (sửa đổi) gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Về cơ bản, Hiến pháp (sửa đổi) kế thừa nhiều nội dung của Hiến pháp năm 1992. Theo các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, điểm mới đáng chú ý nhất trong bản hiến văn mới này là nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Từ “kiểm soát” hoàn toàn mới so với Hiến pháp năm 1992 được bổ sung tại khoản 3, điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tại điều 4, ngoài các nội dung về bản chất của Đảng, khẳng định Đảng Cộng sản VN “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp (sửa đổi) đã bổ sung quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Tại điều 6, bổ sung quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp...”.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nữa là Hiến pháp (sửa đổi) đã dành riêng một chương để quy định về quyền con người, quyền công dân ngay sau chương quy định về chế độ chính trị. Theo đó, các quyền cơ bản như “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” tiếp tục được khẳng định và quy định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Hiến pháp (sửa đổi) cũng thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn vai trò của Chủ tịch nước, đặc biệt là trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang. Khoản 5 điều 88 quy định Chủ tịch nước “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...”. Hoặc trong quan hệ với Chính phủ, điều 90 quy định: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.

Hiến pháp (sửa đổi) cũng dành riêng một chương để quy định về hai thiết chế độc lập: Hội đồng bầu cử và Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, quy định “Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp...”; “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên