Phóng to |
Bảng thông báo lý do cho học sinh về sớm tại Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5, TP.HCM chiều 6-11 - Ảnh: Như Hùng |
1,4 triệu học sinh TP.HCM nghỉ học
Trước những nhận định áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão số 13, UBND TP.HCM đã quyết định di dời dân tại xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) và những khu vực trũng thấp khác đến nơi an toàn. Bắt đầu từ 4g sáng và đến khoảng 9g sáng công tác di dời 2.154 người dân cơ bản hoàn tất. UBND TP.HCM cũng đã có công văn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn TP được nghỉ học ngày 6-11. Đến 16g chiều 6-11, toàn bộ trường học tại TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động, 1,4 triệu học sinh nghỉ học. Từ 10g sáng, phụ huynh tại các quận 2, 9, 11, Thủ Đức... đã nhận được thông báo đến đón con về và nghỉ học buổi chiều để tránh bão. Trưa và chiều 6-11, nhiều phụ huynh tại TP.HCM đã phải bỏ công sở để đi đón con, gây ra cảnh nhốn nháo, kẹt xe ở nhiều khu vực trường học. Không ít phụ huynh phải xin nghỉ việc buổi chiều để trông con sau khi trường trả con về.
Ở Trường mầm non Nhiêu Lộc, Q.Tân Phú, học sinh không được phép ra sân vào buổi trưa và chiều cùng ngày. Cô Vũ Thị Yến Nga - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Tất cả cửa sổ, cửa chính chúng tôi đều cho đóng hết. Theo chỉ đạo của sở, trường đã gọi điện cho phụ huynh, yêu cầu đón con trước 16g. Sau 16g, trường cúp hết hệ thống điện, neo buộc cửa nẻo thật cẩn thận”.
Do lượng phương tiện cùng lúc đổ ra đường để đưa đón học sinh nên nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã bị kẹt xe, trong đó có một số đường bị tê liệt giao thông trong khoảng một giờ.
Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã liên tục có ba công văn khẩn đến tất cả các đơn vị giáo dục (từ mầm non đến phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở ngoại ngữ - tin học, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ...) trên địa bàn TP đề nghị tạm ngưng các hoạt động giảng dạy và học tập từ 16g đến hết ngày 6-11.
Phóng to |
Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) được nghỉ học, ngồi chờ phụ huynh đón về chiều 6-11 - Ảnh: Như Hùng |
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM: nghỉ học là cần thiết
Tuy nhiên đến tối 6-11, khu vực được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất áp thấp nhiệt đới là huyện Cần Giờ (TP.HCM) chỉ có mưa nhẹ, trời âm u. Vì vậy có ý kiến cho rằng việc cho học sinh nghỉ học làm phụ huynh lo lắng, nhốn nháo vì thay đổi giờ giấc làm việc, đưa đón con em mình. Tuy nhiên, ông Trần Công Lý - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP kiêm phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP - cho rằng việc ra quyết định cho học sinh nghỉ học là cần thiết.
Theo ông Lý, dựa vào các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão số 13, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thành Đông Nam bộ trong đó có TP.HCM. Trên cơ sở đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP tham mưu cho UBND TP ra quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 6-11, đồng thời tạm ngưng hoạt động các bến tàu, đò khách ngang sông (trừ bến phà Bình Khánh). “Việc này cũng nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và người dân. Bởi nếu xảy ra mưa dông lớn như dự báo, khả năng gãy đổ cây xanh, cột điện, biển quảng cáo, nước ngập là rất lớn và gây nguy hiểm khi học sinh đi học. Tuy nhiên đến tối ngày 6-11, thông tin áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão và đổ bộ vào khu vực Khánh Hòa - Ninh Thuận, không ảnh hưởng nhiều đến TP.HCM. Đây cũng là điều đáng mừng và cũng mong người dân thông cảm và chia sẻ với TP vì nỗi lo chung trong điều kiện hoàn cảnh như thế” - ông Lý nói.
Trong khi đó, ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho rằng việc dự báo luôn có sai số và có nhiều yếu tố tác động để áp thấp nhiệt đới không mạnh lên như dự báo. Còn chính quyền triển khai phòng chống để đối phó với khả năng xấu nhất là điều cần thiết, không chỉ Việt Nam mà các nước luôn thực hiện như vậy.
Lúc 18g ngày 6-11, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Nếu không có gì xảy ra, ngày 7-11 học sinh vẫn đi học bình thường theo đúng tinh thần thông báo của UBND TP”.
Bão Hải Âu mạnh lên cấp siêu bão
Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi áp thấp nhiệt đới tan, thời tiết ngày 8 và 9-11 trở lại bình thường nhưng sau đó sẽ chuyển xấu do ảnh hưởng của cơn bão Hải Âu (Haiyan, tên do Trung Quốc đề xuất).
Trong ngày 6-11, bão Hải Âu đã liên tục mạnh lên. Đêm 6-11, Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Mỹ cho rằng sức gió bão Hải Âu đã lên mức 260 km/giờ, giật 315 km/giờ, và xếp vào hàng siêu bão. Website dự báo bão của Anh Tropicalstormrisk đã xếp bão Hải Âu ở mức 5, mức cao nhất trong thang xếp hạng về bão Saffir - Simpson. Trong khi đó, Cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản cho rằng bão đang có sức gió 204 km/giờ, giật 287 km/giờ.
Ông Lê Thanh Hải nhận định khi vào biển Đông ngày 8-11, bão Hải Âu còn rất mạnh, gây gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, sau đó đi vào khu vực Trung Trung bộ.
Hủy 24 chuyến bay Hãng hàng không VietJet Air (VJA) và Vietnam Airlines (VNA) cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn và gió giật mạnh, hai hãng đã hủy tổng cộng 24 chuyến bay đến và đi từ Cam Ranh và Buôn Ma Thuột. Dự kiến ngày 7-11, VJA, VNA sẽ tăng chuyến các đường bay đến và đi từ Cam Ranh, Buôn Ma Thuột để giúp hành khách đi lại. L.Nam |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
TP.HCM di dời 2.000 dân tránh bãoChiều tối 6-11, bão số 13 sẽ đổ bộ vào bờKhông có bão, các địa phương vẫn không chủ quan Phần cơm nghĩa tình cho dân tránh bão TP.HCM: phụ huynh nháo nhào đón con tránh bão Kiên Giang còn 13 tàu cá chưa liên lạc được Hủy 24 chuyến bay vì bão
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận