06/11/2013 20:24 GMT+7

Không có bão, các địa phương vẫn không chủ quan

ĐẠI VIỆT-ĐÔNG HÀ-TẤN THÁI-NG.NAM-TIẾN THÀNH-DUY THANH-V.T
ĐẠI VIỆT-ĐÔNG HÀ-TẤN THÁI-NG.NAM-TIẾN THÀNH-DUY THANH-V.T

TTO - Các địa phương như TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa... vẫn không chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai mặc dù "cơn bão số 13" như dự đoán ban đầu chỉ là áp thấp nhiệt đới.

eJ7oIKC2.jpgPhóng to
Trên 60 em nhỏ trú bão tại trường tiểu học Long Thạnh (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, H.Cần Giờ, TP.HCM). Ảnh: Hữu Khoa

TP.HCM: chỉ nghỉ học đến hết ngày 6-11

Lúc 18g ngày 6-11, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Trên trang web của sở đã có các thông báo khẩn về ứng phó với bão và theo chỉ đạo của UBND thành phố, đến thông báo thứ 3 chúng tôi có ghi rõ các đơn vị giáo dục tạm ngưng hoạt động cho đến hết ngày 6-11. Nếu không có gì xảy ra, ngày 7-11, học sinh vẫn đi học bình thường theo đúng tinh thần thông báo của UBND thành phố”.

Theo ghi nhận của TTO, từ 17g đến18g ngày 6-11, khu vực ven biển Cần Giờ không còn mưa gió. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM thì đã có 33 tấn gạo, 1.000 thùng mì gói và 37.000 lít nước uống sẵn sàng để phục vụ người dân bị ảnh hưởng do bão tại huyện Cần Giờ. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cần Giờ đã tiếp nhận 550 thùng mì, 2 tấn gạo, 170 thùng nước suối, 3.600 chai dầu gió và 2.000 quả trứng.

Bà Rịa- Vũng Tàu yên ắng

Cuối ngày 6-11, thời tiết tại Bà Rịa- Vũng Tàu khá yên ắng. Trời không gió và mát tạnh. Đường phố yên ắng với người đi ngoài đường ít, nhiều cửa hàng kinh doanh đóng cửa. Nước biển ở khu vực biển Bãi Trước lên khá cao, trong, xanh. Nhiều trẻ em nhảy xuống tắm biển.

Tuy vậy, nhiều người dân vẫn không chủ quan và đi lấy cát để dằn trên mái tôn. Nhiều ghe cá lưới trích đã được ngư dân đưa lên “trú” ở công viên Bãi Trước hay vỉa hè đường Quang Trung. Công ty cổ phần phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu cũng điều xe cưa những cành cây có nguy cơ gãy đổ trên đường Lê Lợi.

Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro cho biết hoạt động của các giàn khoan dầu khí của doanh nghiệp này ngoài khơi Vũng Tàu vẫn hoạt động bình thường.

pEtVBI8Z.jpg
Công nhân cưa cành cây có nguy cơ gãy đổ trên đường Lê Lợi (Vũng Tàu) chiều 6-11. Ảnh: Đông Hà.

Cà Mau: nhiều tàu thuyền hoạt động trên biển

Tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện vẫn còn trên 1.500 tàu (với 10.967 lao động) đang hoạt động trên biển. Ông Lê Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết đã chỉ đạo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh theo dõi và kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển. Đồng thời yêu cầu những người làm đáy hàng khơi có ý thức di dời, không hoạt động tại vùng chịu ảnh hưởng của bão để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng. Các huyện ven biển duy trì lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến bão để phòng chống kịp thời.

o1GXDRnU.jpgPhóng to
Người xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận chằng chống nhà cửa tối 6-11 - Ảnh: Tiến Thành.

Ninh Thuận: Mưa lớn, người dân lo chằng chống nhà cửa

Từ 19g tối 6-11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, dọc các xã ven biển, vùng trũng của huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận như Phước Diêm, Cà Ná… có mưa lớn, trời nổi gió khiến nhiều hộ dân phải lấy cát chằng chống nhà cửa. UBND huyện Thuận Nam ( Ninh Thuận) lên kế hoạch sơ tán gần 940 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu tới nơi an toàn. Được dự báo là khu vực đổ bộ trực tiếp áp thấp nhiệt đới, chính quyền và người dân địa phương đã không chủ quan liên tục cập nhật về bão, áp thấp nhiệt đới, đồng thời lên phương án chằng chống nhà cửa bằng bao cát.

Bình Thuận: tàu thuyền neo đậu an toàn

Đến 17g ngày 6-11, tại một số địa phương ở Bình Thuận xuất hiện mưa nhỏ. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh (7.797 chiếc/39.000 lao động) đã neo đậu an toàn tại các khu vực tránh trú bão, cửa biển trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở nuôi thuỷ sản, lồng, bè các loại được gia cố, đảm bảo an toàn. Năm đội xung kích của lực lượng quân sự đã được tổ chức sẵn sàng nhận lệnh điều động tham gia ứng cứu nếu thời tiết xấu.

N1nXo75I.jpg
Tàu cá của ngư dân Cao Văn Trung được cứu vào bờ an toàn ngày 6-11. Ảnh: V.V.T

Khánh Hòa: cứu một tàu cá gặp nạn

Trưa 6-11, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Khánh Hòa nhận được thông tin tàu cá do ngư dân Cao Văn Trung điều khiển, đang tìm nơi tránh bão thì bị hỏng, thả trôi từ 10 giờ cùng ngày tại khu vực Mũi Nam đảo Hòn Tre (Vịnh Nha Trang). Lập tức 2 tàu thuộc Hải đội 2 cùng 16 cán bộ, chiến sĩ được điều gấp đi cứu nạn. Biển xấu, sóng to, gió lớn, tầm nhìn hạn chế nhưng đến 14 giờ cùng ngày, tàu biên phòng đã tiếp cận tàu cá trên và lai dắt vào bờ an toàn.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đến 17g30 ngày 6-11, tỉnh này sơ tán hơn 710 người của 188 hộ dân thuộc TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm, hai địa phương dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới. Các địa phương khác cũng đã có phương án sơ tán dân tùy theo diễn biến của cơn áp thấp.

ĐẠI VIỆT-ĐÔNG HÀ-TẤN THÁI-NG.NAM-TIẾN THÀNH-DUY THANH-V.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên