17/07/2012 08:10 GMT+7

Cần có lộ trình tăng viện phí

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Nhiều ý kiến cho rằng tăng viện phí là điều phải làm. Nhưng tăng như thế nào để xã hội chịu đựng được là vấn đề cần phải tính toán kỹ, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn như hiện nay.

Tăng viện phí: Giải pháp nào cho người nghèo?Ai bên cạnh bệnh nhân nghèo?Tăng viện phí, tăng gánh nặng cho dân

HiLcp3X6.jpgPhóng to

Bệnh nhân ung thư điều trị dài hạn nằm chờ ngoài hành lang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Phải chọn người nghèo làm trung tâm

cgvfY4sV.jpgPhóng to
Ảnh: VIỄN SỰ
Đây là quan điểm của thạc sĩ Lê Văn Thành - trưởng phòng nghiên cứu văn hóa xã hội Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM - trước việc nhiều tỉnh thành đồng loạt tăng viện phí. Thạc sĩ Lê Văn Thành chia sẻ:

- Chúng ta cần có cái nhìn khách quan với ngành y tế là không thể không tăng viện phí. Nhưng tăng quá nhiều, quá gấp như những đề xuất trong thời điểm này thì không hợp lý hợp tình, nhất là đối với người nghèo.

* Theo ông, không hợp lý hợp tình ở chỗ nào?

- Hiện có rất nhiều loại giá tăng, toàn những thứ bức xúc phải tăng, nhưng để cùng tăng một thời điểm sẽ gây liệu pháp sốc tâm lý với người dân. Viện phí có thể nhích dần lên, chia nhỏ khoảng thời gian ra, ví dụ tăng ba hay sáu tháng một lần, mỗi lần một ít.

* Có ý kiến cho rằng viện phí tăng nhưng với những người có bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ không bị tác động nhiều lắm?

- Lập luận đó không có cơ sở. Không phải cứ tăng viện phí là BHYT sẽ trả. Bởi người có BHYT phải chi trả 25% chi phí khám chữa bệnh nên số tiền phải chi trả cũng sẽ tăng lên theo mức tăng giá. Thứ hai, BHYT cũng đang rất căng thẳng, nguy cơ vỡ quỹ rất lớn. Nếu viện phí tăng nữa chắc chắn sẽ vỡ. Bên cạnh đó, tỉ lệ người tham gia BHYT lại chưa thấy sáng sủa lắm. Có thể tiên liệu việc tăng thêm quỹ BHYT rất mờ mịt. Đó là chưa nói đến viện phí tăng thì những danh mục về các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tốn kém có thể bị thu hẹp lại, càng không thuyết phục được người dân tham gia. TP.HCM từng đặt ra mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014 nhưng hiện nay gần như đã rút lại mục tiêu đó vì thấy quá khó.

* Theo ông, có giải pháp nào để dung hòa, vừa đủ bù đắp chi phí, vừa giúp người dân không bị sốc?

- Chính sách nào của Nhà nước cũng chỉ nên tập trung vào một nhóm người nhất định chứ không nên dàn trải. Với viện phí, chính sách phải ưu tiên cho nhóm người có thu nhập thấp nhất, nghèo nhất. Nếu không tập trung cho nhóm người này thì không giải quyết được vấn đề.

* Vậy có điểm gì chưa hợp lý trong việc hạch toán viện phí hiện nay?

- Tính toán về viện phí nên tách những khoản đã có phần hỗ trợ của Nhà nước ra. Không tính những phần này vào viện phí thì viện phí mới sát giá và bớt tăng. Như vậy BHYT mới đủ sức chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh của những người mua bảo hiểm. Chúng ta không nên đặt mục tiêu nhiều quá để dẫn đến viện phí cao. Chỉ nên đặt mục tiêu duy nhất, sát sườn nhất thì mới phù hợp. Đừng bắt người dân phải gánh thêm những khoản khác. Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, không khó để giải quyết.

Khả năng vỡ quỹ rất lớn

MBfEf3N9.jpgPhóng to
Ảnh: L.TH.H.
Xung quanh vấn đề viện phí tăng, ông Bùi Đức Tráng - nguyên giám đốc Bảo hiểm y tế (BHYT), nguyên phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - chia sẻ:

- Có thể nói cho đến nay chưa ai xác định được tăng viện phí như thế đủ hay chưa, tăng thế nào mới đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

* Ông có cho rằng tăng viện phí đi đôi với tăng chất lượng khám, chữa bệnh?

- Theo cách nhìn của tôi, việc tăng viện phí hiện nay không phải để giải bài toán về tăng chất lượng mà là ngăn đà trượt dốc của chất lượng khám, chữa bệnh.

* Vì sao, thưa ông?

- Chi phí khám, chữa bệnh hiện nay luôn vượt quá khả năng chi trả của người bệnh và của quỹ BHYT, thật ra cũng không ai kiểm soát được phí thực. Ai cũng thấy mức đóng góp viện phí của người bệnh, mức thanh toán viện phí của quỹ BHYT luôn không theo kịp đà tăng viện phí bởi các nguyên nhân: số người mắc bệnh tăng hơn rất nhiều so với trước, số lượng bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khá đông, có quá nhiều kỹ thuật cao được sử dụng tràn lan, giá thuốc luôn tăng bất thường, nạn phong bì phổ biến. Chỉ thế thôi đã đẩy viện phí lên quá cao.

* Nhưng thưa ông, quỹ BHYT cũng tăng hơn nhiều so với trước?

- Đúng, nhưng rõ ràng là không sao theo kịp giá viện phí, do đó khả năng vỡ quỹ là rất lớn. Theo tôi được biết, hiện nay bảo hiểm xã hội VN đang chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các địa phương phải bảo đảm cân đối quỹ, không để bị vượt chi.

* Theo ông, vì sao hiện nay ở nhiều địa phương đời sống người dân còn thấp, khả năng cung ứng dịch vụ y tế còn kém, trang thiết bị và cơ sở vật chất cũng làng nhàng nhưng vẫn duyệt cho thu viện phí ở khung tối đa?

- Phải chăng nhiều địa phương có tâm lý “chẳng phải tiền của mình, chẳng ảnh hưởng đến ngân sách địa phương, cứ duyệt viện phí cho cao lên” để thu được nhiều tiền nhằm tăng cơ sở vật chất cho bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho dân. Thế nhưng các địa phương này quên mất nguồn thu của BHYT rất thấp, nhất là không thể cào bằng với việc thu viện phí như nơi có điều kiện cao về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được.

* Có giải pháp nào để giải quyết các bất cập này không?

- Theo tôi, Nhà nước còn cấp ngân sách cho ngành y tế là còn duy trì bao cấp. Việc cấp kinh phí không phân định được số tiền nào cho người bệnh, còn người bệnh cũng không biết có bao nhiêu tiền dành cho mình, đồng thời lại hình thành cách ứng xử chưa hay của nhân viên y tế đối với người bệnh là ban phát, xin cho.

* Nhưng thưa ông, nhiều bệnh viện hiện đang thực hiện tự chủ, hoàn toàn không nhận ngân sách nhà nước cấp khi hoạt động...?

- Tự chủ tài chính là tự thu, tự chi nên việc thu viện phí của các bệnh viện thật khó kiểm soát. Mọi hoạt động của bệnh viện theo phương thức này đều mang nặng tính kinh doanh. Đây là kiểu thu viện phí mà người bệnh hoàn toàn không biết bệnh viện thu như vậy có đúng không, dựa trên cơ sở nào. Chỉ có bên thứ ba là cơ quan BHYT quản lý tiền của người bệnh đóng góp mới có thể giám sát việc thu viện phí có hợp lý không.

Vụ “Lo vỡ quỹ, bệnh viện siết bệnh nhân”:

Không được áp dụng trần chi phí khám chữa bệnh

Ngày 16-7, Bảo hiểm xã hội VN cho hay đã có thông báo gửi Bảo hiểm xã hội TP.HCM yêu cầu không áp dụng trần chi phí khám chữa bệnh, bệnh viện và cơ quan bảo hiểm phối hợp để chi phí điều trị hợp lý hơn. Theo Bảo hiểm xã hội VN, quý 1-2012 cán cân thu - chi quỹ bảo hiểm y tế TP.HCM chỉ dương 7 tỉ đồng, quý 2 có khả năng thu không đủ chi, nên một số bệnh viện đã áp dụng trần chi trả, trong đó có bệnh viện áp dụng trần 400.000 đồng với bệnh nhân tiểu đường, trong khi đây là hình thức thanh toán sai quy định.

Bảo hiểm xã hội VN cũng cho biết sẽ tạm dừng chi trả thuốc điều trị viêm gan siêu vi Interferon và Peg Interferon cho đến khi Bộ Y tế có phác đồ điều trị. Trả lời Tuổi Trẻ về việc hiện đã có một số bệnh viện có phác đồ điều trị bệnh viêm gan siêu vi C có sử dụng thuốc này, Bảo hiểm xã hội VN cho biết theo Luật khám chữa bệnh, bệnh viện không có quyền xây dựng phác đồ điều trị.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên