13/07/2012 10:46 GMT+7

Tăng viện phí: Giải pháp nào cho người nghèo?

Q.THANH
Q.THANH

TT - Ngày 12-7, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo cho hay cơ quan này vừa có văn bản khẩn gửi các tỉnh đã thông qua viện phí mới đề nghị xây dựng lại cơ cấu viện phí cho đúng thực tế đời sống của nhân dân.

Tăng viện phí, tăng gánh nặng cho dânTỉnh nghèo muốn viện phí cao

2Wkk2Rev.jpgPhóng to
Người dân đến thanh toán viện phí BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tỉnh Lào Cai là địa phương đã tạm ngừng việc thông qua viện phí mới do HĐND còn có nhiều ý kiến khác nhau - Ảnh: HỒNG THẢO

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính chung trên toàn quốc, tỉ lệ dân có bảo hiểm y tế (BHYT) mới chỉ ở mức 63%. Theo tính toán mới nhất của cơ quan bảo hiểm, nếu áp mức phí mới như đề xuất của địa phương, dự kiến tổng chi phí khám chữa bệnh cho nhóm bệnh nhân bảo hiểm sẽ tăng 30%, tức khoảng 10.000 tỉ đồng/năm. Trong đó, số 37% người dân chưa có BHYT sẽ phải chi thêm khoảng 5.000 tỉ đồng cho khám chữa bệnh. Một con số không hề nhỏ trong tình hình khó khăn hiện nay.

Chất lượng chưa cải thiện

Viện phí mới vừa bắt đầu áp dụng nhưng đã nảy sinh cuộc tranh cãi giữa bệnh viện và cơ quan bảo hiểm. Phó giám đốc một bệnh viện loại đặc biệt ở trung ương cho biết bệnh viện ông áp mức giá 100% khung, đồng thời cho rằng nên ủng hộ các địa phương áp mức phí cao, vì phải có tiền thì họ mới có điều kiện nâng chất lượng dịch vụ. Nhưng ông Nguyễn Minh Thảo lại nói “cứ có phở ngon, khắc trả giá tốt”. “Nếu cơ sở y tế cam kết lộ trình tăng chất lượng dịch vụ, bảo hiểm cũng có lộ trình tăng phí. Nếu năm 2013 bệnh viện tăng 25% chất lượng so với hiện hành, phí sẽ tăng thêm 25%. Nếu đến năm 2015 chất lượng bệnh viện đạt chuẩn, bảo hiểm sẽ trả phí tính đúng, tính đủ” - ông Thảo nhấn mạnh.

Viện phí sắp tăng, trong đó nhóm bệnh viện tuyến hạng 1 và đặc biệt đều đề xuất Bộ Y tế áp 100% khung giá, thậm chí có bệnh viện đang muốn tăng thêm nữa. Tăng thì muốn nhưng thực tế chất lượng dịch vụ ở các bệnh viện vẫn chưa cải thiện bao nhiêu. Tại các khu vực chờ khám, người bệnh vẫn chưa được hưởng các điều kiện được tính trong viện phí mới như điều hòa, chỗ ngồi, mái che nắng mưa. Tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên, vẫn 2-3 người bệnh/giường.

Sau văn bản khẩn của Bảo hiểm xã hội VN hôm 10-7, HĐND tỉnh Lào Cai đã ngừng thông qua đề xuất viện phí mới với mức thu từ 80-100% so với khung quy định của thông tư liên bộ Y tế - Tài chính, tỉnh đã giao các ngành chức năng tính toán lại viện phí trong vòng một tháng tới. Tỉnh Phú Thọ đề xuất áp 94% khung, nay đang rà soát và dự kiến sẽ áp dưới 80% khung. Đối với tỉnh Cao Bằng, địa phương có ý kiến quỹ BHYT còn dư tiền nên phải nâng viện phí lên (dự định áp dụng 93% khung). Bảo hiểm xã hội cũng đã có văn bản đề nghị xem xét lại giá viện phí. “Bệnh viện cho rằng mức phí này chưa đủ tổng chi phí khám chữa bệnh, nhưng họ quên là viện phí hiện nay mới tính 3/7 yếu tố cấu thành giá, còn lại lương Nhà nước vẫn trả, nhà cửa vẫn do Nhà nước xây và máy móc thiết bị cũng do Nhà nước mua, chỉ được khấu hao linh kiện và một phần máy móc”- một chuyên gia về tài chính y tế phân tích.

Những mối lo

Liên quan đến viện phí, ngày 12-7 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Y tế về giá thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật y tế.

Theo giám đốc Sở Tài chính TP Đào Thị Hương Lan, sở này là cơ quan phối hợp, cho ý kiến về giá thanh toán các dịch vụ y tế, tuy nhiên đến nay Sở Y tế TP chưa gửi các mức giá đề xuất đến Sở Tài chính TP. Trong khi đó, thông tin từ Sở Y tế TP cho biết hiện các bệnh viện được phân công đang xây dựng giá viện phí trên cơ sở định mức của Bộ Y tế.

Sở Y tế sẽ thành lập đoàn thẩm định gồm: Sở Y tế, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội TP. Sau khi thẩm định, liên sở sẽ trình UBND TP và UBND TP sẽ trình HĐND TP phê duyệt.

Thực tế cho thấy hầu hết các lãnh đạo bệnh viện đều ủng hộ việc tăng viện phí nhưng chính những người này cũng còn nhiều băn khoăn. Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - nói việc tăng viện phí đồng loạt sẽ tạo một áp lực, gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt với những người bệnh nghèo không có BHYT. Bác sĩ Thịnh cho rằng cần phải có lộ trình, tăng trọng điểm một số dịch vụ chứ không nên tăng một loạt tại thời điểm kinh tế còn khó khăn. Hiện chi phí trung bình cho một người đến khám, xét nghiệm... để chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Ung bướu là khoảng 3 triệu đồng, chưa kể khi điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Với mức viện phí như hiện nay đã là nỗi lo cho nhiều người, tăng viện phí hàng loạt thì những người có thu nhập thấp không có đủ tiền điều trị bệnh. Tại Bệnh viện Ung bướu có quỹ sổ vàng để lo cho bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, khi tăng viện phí đồng loạt, chắc chắn số người bệnh không có khả năng chi trả viện phí sẽ tăng, đến lúc đó quỹ này cũng không còn đủ khả năng lo được.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn TP.HCM - nói cùng với việc hỗ trợ người nghèo mua BHYT, Nhà nước cần tính đến cơ chế cho bệnh viện được giữ bao nhiêu phần trăm viện phí để lo cho bệnh nhân nghèo, không có khả năng điều trị. “Một bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như bị suy thận phải chạy thận nhân tạo, chi phí điều trị mỗi năm có thể lên đến 100 triệu đồng. Nếu những bệnh nhân này không có BHYT hoặc không có khoản hỗ trợ nào khác thì rất khó cho cả người bệnh lẫn bệnh viện” - bác sĩ Nghiệm nói.

Cứu người là trên hết

Cũng tỏ ra quan ngại về vấn đề tăng viện phí, bác sĩ Lê Quang Võ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ - nói: “Bệnh viện chúng tôi đang rất lo về việc tăng giá viện phí trong tháng 8, nhất là làm sao để miễn giảm viện phí cho người nghèo không có thẻ BHYT. Trước nay bệnh viện thường kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ các trường hợp khó khăn, đồng thời có đặt thùng gây quỹ tại bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân nghèo... Hi vọng khoản tiền này có thể đỡ đần chút nào cho người nghèo”. Ông Võ cũng nhấn mạnh trong từng trường hợp cụ thể, nếu được địa phương xác nhận gia đình khó khăn, bệnh viện vẫn sẵn sàng miễn giảm viện phí.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi - giám đốc Sở Y tế Cần Thơ - cho biết thêm: các bệnh viện phải giữ các chính sách miễn giảm viện phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như trước đây. Nhưng lâu dài, ngành y tế và bảo hiểm xã hội phải động viên cho 40% người dân trong địa phương chưa có BHYT tham gia mua BHYT. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Cần Thơ, trước đây người cận nghèo được hỗ trợ hoàn toàn tiền mua thẻ (từ nguồn ngân sách cũng như nguồn tiền của dự án hỗ trợ y tế ĐBSCL và quỹ Vòng tay nhân ái), nên số thẻ lên tới 47.000, nhưng từ tháng 5-2011 trở lại đây do không còn hỗ trợ, số thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo tuột xuống chỉ còn hơn 2.000 thẻ.

Tại Hậu Giang, bác sĩ Võ An Ninh - giám đốc Sở Y tế - cho biết: “Tỉnh chúng tôi có khoảng 50% dân số không có thẻ BHYT. Nhưng chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện dứt khoát không để bệnh nhân nghèo không đến bệnh viện điều trị vì viện phí tăng cao. Cứ tiếp nhận điều trị trước, nếu gặp khó khăn trong thanh toán, tùy từng trường hợp cụ thể miễn giảm hoặc xin ý kiến lãnh đạo giải quyết. Trước mắt, chúng tôi sẽ xin ý kiến UBND tỉnh về chính sách trích kinh phí miễn giảm viện phí cho đối tượng cận nghèo chưa có thẻ”. Bác sĩ Nguyễn Thị Lạc - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng - cũng nói với phương châm cứu người là ưu tiên số 1, bệnh nhân nghèo vẫn được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Với y đức, cứu người là trên hết, nhưng cứ mãi làm việc thiện thì e rằng các bệnh viện không trụ nổi. Vấn đề cốt lõi là cần một chính sách đúng, có tính thuyết phục và phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên