Nộp phí để đi lại thuận lợi hơn?Đóng phí, đi đường sẽ an toàn hơn?
Phóng to |
Người dân đã nộp nhiều loại phí nhưng vẫn phải “mua đường” khi qua các trạm thu phí. Trong ảnh: trạm thu phí xa lộ Hà Nội (TP.HCM)- Ảnh: Minh Đức |
PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Hà Nội):
Rõ ràng phí chồng lên phí
Đúng là Quốc hội đã ra nghị quyết đồng ý với các nhóm giải pháp đồng bộ của Chính phủ nhằm giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, trong đó có tính đến việc thu phí lưu hành đường bộ. Tôi thấy rằng vừa qua thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết và tới đây sẽ thu phí sử dụng đường bộ để lập quỹ bảo trì đường bộ theo đúng quy định của Luật đường bộ. Đây là loại phí thu trên đầu phương tiện, bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã giải thích mục đích của phí này là để duy tu, bảo trì, nâng cấp hệ thống đường bộ, cho xe cộ lưu hành tốt hơn.
Trả lời báo chí về mục đích của phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT đang đề xuất, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nói là nhằm nâng cấp, xây dựng hạ tầng giao thông để xe đi lại được thuận tiện hơn. Như vậy, xét về mục đích và tính chất thì cả hai loại phí trên đều là phí lưu hành phương tiện, nếu thu cùng lúc hai loại phí này tức là “phí chồng lên phí” chứ còn gì nữa. Cách giải thích rằng không có chuyện phí chồng phí là nhầm lẫn.
Ôtô hay xe máy cũng đều là phương tiện để người dân lưu hành, để làm việc, mưu sinh. Như vậy, anh đề xuất thu phí với mức cao như thế mà cứ nói rằng nó chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận là không đúng. Ngay cái tên phí cũng cho thấy chỉ là giải pháp tình thế, đã là tình thế thì không giải quyết được căn bản. Giải pháp căn bản là quy hoạch tổng thể, hạ tầng và phương tiện công cộng phát triển đồng bộ. Nhưng trong điều kiện thế này, phương tiện công cộng khả dĩ nhất là xe buýt lại quá tải, còn tàu điện trên cao, tàu điện ngầm chưa có, vậy người dân đi bằng phương tiện gì nếu không sử dụng xe cá nhân?
Nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu Đồng Nai):
Nhầm lẫn khái niệm “thuế” và “phí”
Trước hết, tôi ủng hộ tinh thần xông pha của ông Đinh La Thăng vì ông ấy phải gánh một nhiệm vụ nặng nề mà nhiều đại biểu Quốc hội nói là đã đến tình trạng khẩn cấp. Nhưng tôi muốn nói rằng một khi đã đi vào những giải pháp cụ thể mang tính pháp lý thì cần phải có sự chính xác và tính thuyết phục cao.
Từ đề xuất thu của Bộ GTVT, tôi thấy rằng họ đang có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm “thuế”, “phí” và “phạt”. Khái niệm phí đã được nêu trong pháp lệnh phí và lệ phí rất rõ ràng rằng phí là tiền mà cá nhân, tổ chức phải trả khi sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác... Nghĩa là tôi sử dụng dịch vụ nào, tôi trả tiền cho dịch vụ ấy và nó có định lượng, nghĩa là tôi đi xe nhiều thì trả nhiều, đi ít thì trả ít.
Chẳng hạn, tôi có mấy chiếc xe hơi và đây là quyền tài sản của tôi, nhưng mỗi ngày ra đường tôi chỉ đi một xe, anh không thể thu phí cả mấy chiếc xe đó được. Càng không thể gọi nộp phí là yêu nước. Phí là một thứ tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ, có gì mà gọi là yêu nước. Gọi nộp thuế là yêu nước mới đúng.
Tôi mua một chiếc xe, sau khi nộp các loại thuế đã gấp hơn hai lần một chiếc xe tương tự ở Mỹ, như vậy tôi đã đóng góp các khoản thuế để xây dựng đất nước rồi. Nếu mục tiêu là để hạn chế phương tiện cá nhân, việc đánh thuế cao là thực hiện mục tiêu này rồi. Bây giờ không thể gọi cái khoản thu hạn chế phương tiện như vậy là phí được.
Một điều nữa, anh đưa ra mức phí ngất ngưởng như vậy, trong khi mặt bằng thu nhập xã hội thế nào? Anh gọi tên phí là hạn chế phương tiện cá nhân thế sao anh không đề xuất thu đối tượng xe công? Nếu anh khẳng định cần phải hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc, đồng thời anh dám khẳng định phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu, anh vẫn phải đánh thuế vào xe công để khuyến khích các quan chức nhà nước phát huy tính tiên phong, gương mẫu đi lại bằng phương tiện công cộng chứ?
Tôi cho rằng tình hình cấp bách nhưng phải thận trọng khi đưa ra giải pháp, đừng nghĩ cái khoản thu của 600.000 người có xe mà anh gọi là giàu hơn người nghèo là ít tác động đến xã hội, đó là chưa nói đến việc anh thu cả người có xe máy.
Phí bảo trì đường bộ: Cao nhất 1,4 triệu đồng/tháng Bộ GTVT vừa gửi Bộ Tài chính dự thảo các thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ thu, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ (quỹ bảo trì). Theo đó, Bộ GTVT đưa ra mức thu phí sử dụng đường bộ cho quỹ bảo trì đối với ôtô theo tám nhóm (mức thu từ 180.000 - 1,44 triệu đồng/tháng). Đối với môtô, xe máy, bộ đề xuất khung mức thu phí theo bốn nhóm (thấp nhất là 80.0 00 đồng/năm, cao nhất 180.000 đồng/năm) và đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định mức thu trong khung mức phí trên cơ sở nghị quyết của HĐND. Thời gian bắt đầu thu phí từ ngày 1-6-2012. Theo tính toán của Bộ GTVT tại đề án quỹ bảo trì đường bộ trình Chính phủ trước đây, dự tính số tiền thu từ đầu ôtô đạt hơn 6.800 tỉ đồng/năm; số tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký đạt 2.400 tỉ đồng. TUẤN PHÙNG “Tam đoạn luận” của Bộ trưởng Đinh La Thăng “Hiện nay đường bộ VN có khoảng 280.000km, nhưng mới thu được qua trạm thu khoảng 2.500km, bằng 0,7%. Do đó phần lớn đường Nhà nước bỏ ra đầu tư thì chưa thu phí”. Sở dĩ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói như thế là vì cái tam đoạn luận sau: 1- Hiện có 280.000km đường bộ, Nhà nước là chủ đầu tư tất cả. 2- Hiện mới chỉ thu phí được 2.500km, còn những 277.500km đường chưa thu phí gì cả. 3- Vậy, nay phải thu mà thôi... Ông bộ trưởng quên hẳn định nghĩa phổ quát nhất của đường sá là: 1/ đường có thu phí (toll) tức đường (cầu, đường hầm) do tư nhân hay nhà nước xây mà người lái xe khi sử dụng phải đóng phí; 2/ đường không thu phí (non-toll road) được xây từ nguồn tài chính sử dụng những nguồn thu khác, mà tiêu biểu nhất là thuế nhiên liệu hoặc nguồn thuế nói chung - những sắc thuế này ở VN đã thu đầy đủ. Định nghĩa trên không có gì mới hoặc xa lạ ở VN, nhất là vế thứ nhì, đường không thu phí. Từ hơn trăm năm qua tính từ thời Pháp thuộc, “cha đẻ” hệ thống đường sá này, cho đến ngày nay hệ thống đường bộ ở VN đã được hình thành, xây dựng, sử dụng, duy trì trên cơ sở đường của Nhà nước và miễn phí, do lẽ Nhà nước đã thu thuế rồi. Một trăm mấy mươi năm qua, ở VN đường sá được định nghĩa và sử dụng như thế, thu chi ngân sách quốc gia cũng vận hành trên cơ sở này. Đó không phải là một “độc đáo VN” mà là phổ quát toàn cầu qua hai thực thể đường không thu phí (Nhà nước đã thu thuế rồi) và đường thu phí (cung cấp lợi ích và tiện nghi bổ sung cần phải trả tiền). THIÊN DI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận