05/03/2011 07:21 GMT+7

Cuộc vượt thoát nghiệt ngã

HỒ VĂN - LÊ NAM
HỒ VĂN - LÊ NAM

TT - 18g30 ngày 4-3, máy bay Qatar Airway chở gần 100 lao động VN trở về từ Libya hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lẫn trong đoàn người, một lao động lớn tuổi bị cụt một chân bước ra trên đôi nạng gỗ khiến ai cũng cảm thương.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khẩn trương đưa lao động về nước

Read this on Tuoitrenews.vn

JzLSqFsI.jpgPhóng to

Anh Lục Văn Hiển và các đồng nghiệp ký nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước tại sân bay Tân Sơn Nhất tối 4-3 - Ảnh: T.T.D.

Cùng lúc ấy, ở biên giới Ras Jdir (Tunisia - Libya), phóng viên Tuổi Trẻ gặp hai lao động với hai bi kịch. Một người bị liệt nằm bất động, người khác bị gãy chân và đều chạy loạn từ Tripoli (Libya) về Tunisia.

“Cứ bỏ em lại”

Đừng giết em

Sùng A Câu kể với chúng tôi câu chuyện của một người đồng hương là Sùng A Páo (30 tuổi, ở Simacai, Lào Cai). Trong quá trình chạy loạn khỏi Libya, bom rơi đạn nổ đã khiến Páo hoảng loạn tinh thần và không còn làm chủ được bản thân. May mắn, Páo cũng chạy ra được đến biên giới, nhưng giờ đây hễ gặp người lạ là Páo cứ quỳ xuống lạy và xin: “Đừng giết em, tha cho em về với gia đình”.

Lẫn trong biển người ở trại tị nạn biên giới Ras Jdir, chúng tôi bắt gặp hai lao động trong tình cảnh mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng gọi là “tình trạng đặc biệt”.

Trong đó, bi kịch nhất là lao động Sùng A Khua (ở Yên Bái) nằm dặt dẹo trong vòng tay người anh và đứa em cùng đi xuất khẩu lao động ở Libya. Câu chuyện ba anh em kể khiến ai nghe cũng xót lòng cho số phận của họ. Khua cùng với hai anh em của mình do Công ty Vinaconex Mex đưa qua Libya làm việc vừa bốn tháng thì gặp phải tình cảnh chạy loạn này.

Trong một lần bị sốt khi làm việc, Khua thấy tê tê chân nên được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đưa đi khám và chủ quan cho rằng chỉ bị nhẹ. Vậy mà 20 ngày sau cơn sốt càng nặng và đẩy Khua vào tình trạng liệt nửa người. Bị liệt vài ngày cũng là lúc Tripoli vang lên tiếng súng bạo loạn, cả lán trại hốt hoảng tìm mọi cách để thoát thân.

“Tình cảnh lúc ấy ai cũng hoảng loạn vì cướp bóc, tiếng súng ngày một gần với lán trại. Tất cả chúng tôi vơ vội áo quần và những thứ cần thiết để di tản. Em tôi bị liệt van nài: Cứ bỏ em lại đây, anh cố chạy đi. Đời em coi như đã chết rồi, nếu mang em theo có khi chết chùm thì ba mẹ ở nhà sao chịu thấu!” - người anh Sùng A Câu kể lại. Nhưng làm sao có thể bỏ lại đứa em trong hoàn cảnh này dù nó bị liệt, hai anh em Sùng A Câu và các lao động khác giúp bồng Sùng A Khua chạy khỏi lán trại.

May thay, ông chủ Hàn Quốc đã lấy ôtô chở nhóm lao động này ra biên giới Tunisia để giao lại cho tổ chức từ thiện của Liên Hiệp Quốc đang lập trại tị nạn cứu người ở biên giới.

Cùng chung nhóm chạy loạn còn có anh Phan Quang Ủy (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tìm đường thoát khỏi Libya trong tình cảnh chân phải bị gãy. Ủy bị rơi xuống từ lầu 4 khi đang làm việc vì bước hụt chân trên giàn giáo. Được đưa vào bệnh viện khám nhưng không được bó bột. Nằm trại cả tuần, cái chân gãy đang bị sưng to đau nhức thì bạo loạn xảy ra, anh Ủy nghĩ phen này chắc chết. May thay người chủ lấy ôtô đưa anh ra biên giới giao cho các tổ chức từ thiện ở trại tị nạn. Chỉ khi ở đây anh Ủy mới được bó bột và có một ít thuốc giảm đau để uống, và anh cho biết phải nằm ở trại tị nạn hơn 10 ngày nay.

Về nhà trên đôi nạng gỗ

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, người lao động VN đầu tiên bước ra khỏi máy bay về từ Hi Lạp là ông Hoàng Văn Trung (45 tuổi, ở Thái Bình) trên đôi nạng gỗ với chân phải bị cụt tới đầu gối. Vẻ mặt phảng phất nét đau khổ, ông khó nhọc cho biết qua Libya làm việc từ tháng 9-2009 do Công ty Isalco đưa đi.

Trong một lần làm việc trên công trường, một tài xế vô ý lái xe cán vào chân ông làm giập nát cẳng chân phải. Nằm điều trị bốn tháng thì bạo loạn xảy ra, cả lán trại được chủ thông báo phải dừng việc và di tản từ Benghazi ra cảng để lên tàu Trung Quốc. Nhưng sau đó ông chủ của ông đã cho đi bằng ôtô của công ty ra cảng để lên tàu về Hi Lạp.

“Khi bị thương tôi báo về gia đình, vợ tôi đau đớn ngất lên xỉu xuống. Đi làm ăn để kiếm tiền nuôi gia đình, giờ trở về mang thương tật làm khổ thêm vợ con” - ông Trung đau đớn nói.

Về cùng ông Trung là 100 lao động của nhiều công ty. 100 con người ấy chạy loạn khỏi Libya với những tình cảnh khác nhau. Anh Phúc (Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết những ngày đầu nhiều nhóm người nổi loạn đã vào lán trại lao động VN với súng và dao trên tay để cướp hết điện thoại và tiền bạc. Không một ai dám chống cự vì sẽ bị giết ngay.

Nhóm lao động của Công ty Ariseco kể lại quãng đường chạy bộ 85km từ công trường ra cảng Benghazi (Libya) đầy nguy hiểm. Trên quãng đường đó, ngày đi đêm không dám ngủ vì sợ bị giết và cướp. Anh Trịnh Đình Bằng (Thanh Hóa) kể rằng anh em chạy loạn phải thủ theo gậy gộc để sẵn sàng đánh trả khi bị cướp đe dọa mạng sống. May thay, nhóm của anh đến nơi an toàn rồi được tàu Trung Quốc đưa qua Hi Lạp để về VN.

Hơn 4.600 lao động VN đã được đưa về nước

Ngày 4-3, có trên 1.000 người lao động được đưa về nước (122 lao động về Tân Sơn Nhất, số còn lại về sân bay Nội Bài), chủ yếu là di tản từ Libya sang Malta và Tunisia, nâng tổng số người lao động VN tại Libya được đưa về nước lên đến 4.606 người.

Cùng ngày, Công ty Vinaconex Mex cho biết chuyến tàu chở 1.121 người lao động từ Malta về Hải Phòng sẽ mất 10 ngày hải trình. Tàu này do chủ sử dụng lao động Brazil thuê để đưa lao động về VN bằng đường biển. Mọi thông tin liên lạc với tàu là rất khó, vì vậy thời gian cập cảng Hải Phòng không thể biết chính xác. Đại sứ VN tại UAE Nguyễn Quang Khai cho biết đang có 72 lao động VN từ Libya quá cảnh về Dubai (UAE) chưa rõ thuộc công ty nào. Họ không có vé về VN, không có tiền mua thức ăn.

Theo kế hoạch của Vietnam Airlines, đến ngày 7-3 sẽ có chín chuyến bay tới các nước lân cận Libya để di chuyển lao động. Đặc biệt, trong ngày 6-3 sẽ có hai chuyến bay tới Djerba (Tunisia) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ); ngày 7-3 có hai chuyến bay cách nhau hai giờ cùng tới Djerba để nhanh chóng đưa người lao động VN hồi hương. Tính đến nay, Vietnam Airlines đã đưa được gần 1.000 lao động về VN qua cửa ngõ Cairo (Ai Cập) và Djerba (Tunisia). Hôm nay (5-3), chuyến bay mang số hiệu VN8682 (đã cất cánh từ sân bay Nội Bài vào ngày 4-3) sẽ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, đưa thêm hơn 300 người lao động VN về nước.

Khẩn trương đưa lao động VN về nước

Ngày 4-3, theo Chinhphu.vn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nhằm tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn, khẩn trương đưa lao động VN làm việc tại Libya về nước trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tính đến hết ngày 3-3 đã có gần 10.000 lao động VN sơ tán khỏi Libya sang Ai Cập, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp, Malta... Trong số đó có gần 5.500 lao động đã và đang được đưa về VN. Số còn lại ở các nước thứ ba bao gồm 1.600 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, 1.500 người ở Tunisia, 300 người ở Malta, 292 người ở Algeria, 200 người ở Ai Cập, 160 người ở Hi Lạp và 139 người ở Cyprus. Hiện tất cả số lao động đang ở Ai Cập, Hi Lạp, Malta, Cyprus và khoảng 1.000 lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt vé máy bay để về VN.

Theo bà Ngân, hiện vẫn còn 289 người VN ở trong nội địa Libya. Bộ đã làm việc với Văn phòng đại diện nhà nước Libya tại VN đề nghị hỗ trợ số lao động này về nước trong thời gian sớm nhất. Phía Libya cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tất cả lao động VN rời khỏi Libya trong vài ngày tới.

Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về trường hợp công dân của nước ta bị thương vong do sự mất ổn định về chính trị và xã hội ở Libya.

Để đưa lao động VN từ Libya về nước trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng của ta phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Libya và các tổ chức quốc tế khẩn trương sơ tán số lao động VN còn lại hiện đang mắc kẹt tại Libya sang nước thứ ba. Đồng thời lên kế hoạch cụ thể, nhanh chóng đưa số lao động đã rời khỏi Libya về nước bằng mọi phương tiện như chuyên cơ của hàng không VN, thuê máy bay của các hãng hàng không nước ngoài, vận động đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế mua vé máy bay cho người lao động về nước...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân về chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ Libya về nước, đặc biệt đối với số lao động ở các huyện nghèo và số lao động mới sang Libya dưới một năm. Trước đó, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ đề xuất khoanh nợ đối với số lao động nghèo mới sang Libya chưa kịp có tiền lương trả nợ ngân hàng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lao động Việt Nam ở Libya: Chạy loạn trong tiếng súngThêm 523 lao động từ Libya trở vềCộng đồng quốc tế cấm vận LibyaTrở về từ Libya: mừng và loBộ trưởng ra sân bay đón công nhân VN về từ LibyaBiên giới Libya: Hoảng loạn và tuyệt vọngLibya trước nguy cơ nội chiến

HỒ VĂN - LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên