Phóng to |
Kiểm sát viên Trần Minh Sơn |
* Kiểm sát viên Trần Minh Sơn (Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM):
Có trách nhiệm của chính quyền địa phương
Mục đích của những đối tượng rải đinh chỉ nhằm kiếm lợi từ việc thay vá ruột xe, nâng giá dịch vụ để hưởng lợi không đúng giá trị thực tế. Nếu chỉ dừng lại ở đó, người rải đinh sẽ bị xử lý về tội “cố ý hủy hoại tài sản” theo khoản 1 điều 143 Bộ luật hình sự (BLHS) với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm hành nghề 1-5 năm.
Dư luận cho rằng chuyện “đinh tặc” nhỏ như cây đinh nhưng chúng ta đang rất khó khăn trong việc dẹp bỏ nó không phải do mức chế tài quy định nhẹ mà là do trách nhiệm xử lý của từng địa phương. Mức chế tài theo quy định về xử phạt hành chính hay xử lý hình sự những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đều có đủ nhưng quan trọng là việc kiểm tra phát hiện chưa kịp thời, xử lý chưa đến nơi đến chốn của cơ quan có thẩm quyền. Thực trạng nạn rải đinh đã diễn ra từ nhiều năm với mức độ ngày càng tăng, phổ biến, gây bức xúc cho người dân nên trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương mà trước hết là công an phụ trách khu vực.
Nếu bản thân không đủ sức, lực lượng không đủ thì công an khu vực phải có trách nhiệm đề xuất với cấp trên. Phường làm không được thì kiến nghị lên quận, lên thành phố.
* Luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu):
Áp dụng pháp luật chưa nghiêm
Phóng to |
Khoản 2 của tội này có thể bị phạt tù từ 2-7 năm, nếu có một trong các tình tiết định khung là có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm, gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Khoản 3 của tội này có thể bị phạt tù từ 7-15 năm. Đặc biệt khoản 4 thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên (làm ôtô bể vỏ, đâm va có thể gây thiệt hại hàng tỉ đồng).
Như vậy, không phải không có điều luật nghiêm minh, mà vấn đề là áp dụng pháp luật xử lý chưa nghiêm minh khiến nạn “đinh tặc” vẫn lộng hành. Theo tôi, ngoài biện pháp xử lý hình sự cũng cần nhanh chóng phát hiện và xử lý hành chính, phạt tiền nghiêm, kịp thời những vụ rải đinh có tính chất ít nghiêm trọng, chưa đến mức xử lý hình sự.
* Thẩm phán Vũ Phi Long (phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM):
Vận dụng đúng thì xử lý hình sự được
Phóng to |
Có quan điểm cho rằng không xử lý hình sự được hành vi rải đinh vì khó xác định được thiệt hại, theo tôi, là không đúng. Cần mạnh dạn áp dụng theo quy định pháp luật để xử lý cho dù hậu quả chưa xảy ra vì đó là ngoài ý muốn của các đương sự vẫn có thể xử lý được với tội danh tương ứng. Khi xem xét hành vi phạm tội cần phải xét đến các giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Họ đã chuẩn bị công cụ, phương tiện để gây án, đây có thể là gây nguy hiểm cho tính mạng, thiệt hại về vật chất cho người đi đường. Còn nếu đối tượng đã rải đinh xuống đường thì họ đã có hành vi phạm tội, nhưng là phạm tội chưa đạt. Theo BLHS, với phạm tội chưa đạt thì bất kể tội danh nào cũng có thể xử lý được.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần nhanh chóng phát hiện được những người đứng sau kẻ rải đinh, thường là phục vụ cho những tiệm sửa xe lưu động, những nơi vá xe dọc lề đường thuê mướn những người này rải đinh. Tìm ra được thì hành vi đó là đồng phạm với vai trò chủ mưu, xúi giục người khác phạm tội. Tất cả là trong tầm tay của các cơ quan chức năng, nếu muốn làm đến nơi đến chốn.
TP.HCM ra tay dẹp “đinh tặc” Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vừa có văn bản giao Công an TP chỉ đạo công an các quận huyện phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, xác định các địa điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng “đinh tặc” để kịp thời truy quét, xử lý các đối tượng vi phạm. Theo đó, đối với các đối tượng vi phạm có tổ chức, nguy hiểm, tái phạm, vi phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cần phải kiên quyết xử lý trách nhiệm hình sự để răn đe, làm gương. Đồng thời Công an TP cũng được giao phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu các quy định của pháp luật và báo cáo để UBND TP kiến nghị các cơ quan trung ương sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng mức chế tài hành chính và hình sự đối với hành vi của “đinh tặc”. Riêng chủ tịch UBND các quận huyện được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát và tổ chức lực lượng tiếp nhận tin báo từ người dân để kịp thời xử lý vi phạm, thu dọn đinh và cảnh báo cho người đi đường, bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp do thiếu quan tâm chỉ đạo để xảy ra tình trạng “đinh tặc” dẫn đến tai nạn giao thông, có thiệt hại về nhân mạng, chủ tịch UBND quận huyện phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND TP. UBND TP cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cần kịp thời báo cáo UBND TP tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, thông báo, ngăn chặn, truy bắt, xử lý các đối tượng vi phạm. NGUYỄN TRIỀU Thẩm phán Nguyễn Quốc Trung (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM): Có thể xử tội “cản trở giao thông đường bộ” Đối với hành vi rải đinh nhưng chưa gây thiệt hại thực tế do đối tượng vi phạm đã bị bắt quả tang thì nếu với số lượng đinh nhiều, khả năng gây nguy hiểm, đe dọa an toàn đối với tài sản, phương tiện giao thông, tính mạng sức khỏe của người tham gia giao thông cũng cần phải xử lý hình sự. Trường hợp này có thể áp dụng điều 203 BLHS về tội “cản trở giao thông đường bộ” để xử lý. Chiếu theo quy định của điều này thì hành vi rải đinh ra đường đã để lại hậu quả là việc giao thông của người đi đường gặp khó khăn, cản trở. Người đi đường có thể vì sợ cán đinh mà đi chậm, lách xe để tránh đinh gây ùn tắc giao thông thì cũng đã để lại hậu quả nghiêm trọng, cần phải xếp hành vi rải đinh vào tội “gây cản trở giao thông”. Các trường hợp bắt quả tang đối tượng rải đinh hoàn toàn có thể áp dụng điều 203 để xử lý hình sự, chứ không nên cho rằng “chưa có thiệt hại thực tế” mà không xử lý hình sự. Có thể áp dụng khoản 4 điều 203 để xử lý: phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm. |
_______________________
Phóng to |
Chị Dương Thị Hiền khổ sở dắt xe vào một tiệm vá xe trên đường Nguyễn Thị Định - Ảnh: Đình Dân |
“Đinh tặc” mở rộng địa bàn
Trong những ngày qua, nhiều bạn đọc tiếp tục phản ảnh qua đường dây nóng Tuổi Trẻ tình trạng rải đinh ở nhiều nơi. Sáng 16-2, bạn đọc tên Dũng phản ảnh: “Đường Nguyễn Thị Định đoạn phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM 4-5 ngày nay xuất hiện “đinh tặc”. Có ngày tôi chứng kiến 3-4 người dính đinh. Đây là con đường hằng ngày xe máy và xe container lưu thông rất nhiều nên tình trạng rải đinh xuất hiện sẽ rất nguy hiểm”.
Có mặt tại đây, chúng tôi thấy hai bên đường này có khá nhiều tiệm vá xe hoạt động. Một vài người tấp vào tiệm vá xe trong tình trạng xẹp bánh. Chị Dương Thị Hiền, một người có xe cán đinh, cho biết: “Hôm nay tôi phải vá xe tới ba lần, thay luôn cả vỏ và ruột xe nhưng xe vẫn bị lủng ruột”. Chị Hiền kể buổi sáng bị cán đinh ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), buổi chiều bị thêm hai lần tại TP.HCM.
* “18g ngày 13-2, trước Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, 643 Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3 xuất hiện rất nhiều mảnh thép hình thoi trên mặt đường” - sáng 16-2, bạn đọc tên Thành phản ảnh.
Theo một người bán nước tại khu vực này, thời gian gần đây nạn nhân dính đinh trên đoạn đường này tăng nhiều so với trước, đặc biệt lúc 6g sáng và 18g-20g hằng ngày. Cách địa điểm rải đinh chừng 100m, chúng tôi ghi nhận có bốn tiệm sửa xe dọc đường. Được biết, những điểm sửa xe này thường đông khách vào giờ cao điểm và khách vào sửa xe chủ yếu là thay ruột xe.
ĐÌNH DÂN - MẬU TRƯỜNG
______________________
Khởi tố, bắt tạm giam nghi can Nguyễn Thế Công
Chiều 17-2, nguồn tin từ Viện KSND thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho hay đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thế Công (30 tuổi, quê Thanh Hóa) về hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Trước đó, ngày 7-2, Nguyễn Thế Công đã bị đội phòng chống tội phạm Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một) bắt quả tang khi đang rải đinh trên quốc lộ 13 đoạn qua ngã tư Địa Chất. Các “hiệp sĩ” thu giữ tại hiện trường hơn 150 chiếc đinh tự chế để hại người đi đường và đưa Công về trụ sở công an phường cho cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên sau đó Nguyễn Thế Công đã được thả về (vì chưa đủ bằng chứng để tạm giữ hình sự). Cơ quan điều tra Công an thị xã Thủ Dầu Một đã tiếp tục điều tra xác định bằng chứng và người bị hại. Đến nay, sau khi có nhiều người bị hại tố cáo và xác định được những bằng chứng ban đầu, cơ quan điều tra đã củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bắt thêm 5 "đinh tặc"20 ngày 10 lần thay ruột xeKhông thể để “đinh tặc” lộng hànhBạn đọc hiến kế chống "đinh tặc"Tóm cổ “đinh tặc”4,5km có 144 tiệm sửa xeQuản lý tiệm sửa xe còn lỏng lẻo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận