Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đức, bí thư kiêm chủ tịch UBND P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, cũng cho biết đoạn đường từ chân cầu vượt Sóng Thần tới ngã tư Gò Dưa thuộc địa bàn phường quản lý dài khoảng 1,8km năm 2010 có 24 điểm sửa xe máy. Sau khi khảo sát, nhắc nhở, yêu cầu chuyển khỏi địa bàn thì còn lại 19 điểm đang kinh doanh, trong đó chỉ ba điểm có giấy phép.
Khó bắt “đinh tặc”
Cũng đoạn đường trên, ở chiều ngược lại thuộc P.Tam Bình quản lý, ông Nguyễn Nam Hải - chủ tịch UBND phường - cho biết có 22 điểm sửa xe đang hoạt động, trong đó bốn tiệm có giấy phép, còn lại UBND phường đã chỉ đạo lực lượng công an lập hồ sơ quản lý.
Đăng ký kinh doanh sửa xe máy ra sao? Ông Nguyễn Văn Tiến, chuyên viên đăng ký kinh doanh tổ tiếp nhận và trả hồ sơ Văn phòng UBND Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết: “Theo nghị định 43, cấp quận được phân cấp xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể, trong đó có hoạt động sửa và vá xe gắn máy. Thủ tục rất đơn giản. Cá nhân đăng ký phải có các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đơn xin và giấy tờ chứng minh sở hữu mặt bằng hoặc hợp đồng thuê mặt bằng hoạt động. Sau khi tiếp nhận sẽ chuyển phòng kinh tế quận thẩm định hồ sơ. Thông thường chúng tôi xem xét kỹ điều kiện về chỗ để xe không lấn chiếm vỉa hè... Thủ tục không đòi hỏi về vốn cũng như tay nghề”. |
Theo đại úy Phạm Mạnh Cường - trưởng Công an xã An Bình (thị xã Dĩ An, Bình Dương), quốc lộ 1A đoạn qua xã An Bình từ tết đến nay đã tiến hành kiểm tra tám điểm sửa xe, trong đó có sáu điểm cố định và hai điểm di động và chỉ một điểm có giấy phép.
Xã đã lập biên bản xử phạt hành chính, tịch thu nhiều dụng cụ hành nghề. Tuy nhiên, số tiền xử phạt trong lĩnh vực này chỉ dừng lại ở mức 200.000-400.000 đồng. Trong khi kiểm tra phát hiện điểm sửa xe không có giấy phép theo quy định cũng không được yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Đức, hầu hết các điểm sửa chữa, bơm vá xe trên đường xuyên Á, đoạn thuộc P.Bình Chiểu quản lý nghi có rải đinh hoặc “chặt chém” đều không có cơ sở để xử lý. Các nạn nhân không trực tiếp báo với chính quyền, khi bị “chém” xong đi rồi mới kể lại nên rất khó cho cơ quan chức năng.
Chỉ dựa trên phản ảnh của người dân, nhận định của các cán bộ chuyên môn thì tới làm việc, kiểm tra và yêu cầu các chủ tiệm này di dời khỏi địa bàn chứ không thể xử phạt. Việc phát hiện, bắt giữ “đinh tặc” trên địa bàn quả thật “bất khả thi” vì đường đông, đinh, vật nhọn nhỏ mà các đối tượng rải đinh chuyên nghiệp lại rất tinh vi, hoạt động không giờ giấc cố định.
Dẹp không khó, nhưng...
Ông Huỳnh Thanh Nhân, phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, nhận định nếu dẹp toàn bộ các tiệm kinh doanh ngành nghề sửa chữa xe máy trên địa bàn quận, đặc biệt các điểm nóng, là không khó, có thể làm được liền. Nhưng nếu làm như vậy hàng trăm hộ dân nghèo khó, không tay nghề, không trình độ cùng người thân của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi đó là nguồn thu chính nuôi sống hàng trăm hộ gia đình.
Xét chung, đa số người dân hành nghề sửa chữa, bơm vá xe máy là người tốt, không thể đổ đồng họ với “đinh tặc” và xử lý như nhau. Trong thời gian qua, việc xử lý của các cơ quan chức năng trong quận còn du di vì lý do này. Lẽ ra với loại hình sửa chữa, bơm vá xe máy do những người dân nghèo lập ra kiếm sống chân chính, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, không nhất thiết buộc đăng ký kinh doanh, đóng thuế. Tuy nhiên, có thể tới đây sẽ phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn, đóng cửa toàn bộ các tiệm kinh doanh không giấy phép để chấn chỉnh, xử lý tận gốc nạn “đinh tặc”.
Ông Nhân cho biết thêm UBND quận đã chỉ đạo Công an Q.Thủ Đức và UBND 12 phường trên địa bàn tập trung lực lượng, xác định, khoanh vùng và bắt giữ bằng được “đinh tặc”. Tùy mức độ, bằng chứng thu thập được mà xử lý thích đáng để nêu gương. Riêng Công an Q.Thủ Đức phải có kế hoạch, thời gian cụ thể về quyết tâm điều tra, bắt giữ và xử lý “đinh tặc”, khi bắt được có đủ cơ sở xử lý hình sự sẽ xét xử lưu động tại địa bàn chúng hoạt động để làm gương.
“Chặt chém” là đóng cửa
Đề cập giải pháp, ông Võ Thành Đạt, phó chủ tịch UBND xã Thới Hòa (Bến Cát, Bình Dương), cho hay xã có hướng sẽ họp các chủ nhà trọ có mặt bằng cho thuê, theo đó sẽ thống nhất với các chủ nhà trọ không cho thuê kiôt để mở tiệm sửa xe.
Đại diện đội quản lý thị trường Q.Thủ Đức cho biết lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra các tiệm sửa xe trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND quận, qua đó sẽ kiểm tra giá dịch vụ, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bán tại các tiệm sửa xe ở các “điểm nóng” - đặc biệt là ruột xe.
Đội quản lý thị trường Q.Thủ Đức sẽ yêu cầu các tiệm sửa xe phải niêm yết giá dịch vụ tại cửa hàng, đồng thời cung cấp số điện thoại của công an, chính quyền địa phương tại các tiệm sửa xe, trên các bảng ven đường để người tham gia giao thông nếu gặp trường hợp này thì thông báo, các tiệm vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo kiến nghị của bí thư Quận đoàn Thủ Đức, UBND quận đã chấp thuận sẽ khen thưởng tối thiểu 5 triệu đồng/trường hợp cho bất kỳ cá nhân nào cung cấp được thông tin, hình ảnh, video chứng minh tiệm sửa xe cụ thể “chặt chém” hoặc rải đinh đủ để xử lý.
Người dân khi phát hiện, quay phim, chụp hình được các điểm, các đối tượng vi phạm có thể gọi vào đường dây nóng của lực lượng vá xe lưu động, chính quyền địa phương, các đầu mối thông tin này được tập trung về Công an Q.Thủ Đức để xử lý. Bất kỳ trường hợp nào bị phát hiện “chặt chém” sẽ ngay lập tức bị đóng cửa, các trường hợp vi phạm khác tùy mức độ để xử lý, từ phạt hành chính tới xử lý hình sự.
Đi xe buýt rải đinh * Thôi tạm giữ 3 đối tượng Chiều 16-2, ông Lê Minh Đức - bí thư Quận đoàn Thủ Đức, TP.HCM - cho biết một số người dân thông báo đã phát hiện một đối tượng có hành vi rải đinh khi đi xe buýt trên địa bàn Q.Thủ Đức. Đối tượng trên chọn băng ghế phía sau xe, ngồi gần cửa sổ và tới các đoạn đường là “điểm nóng” thì rải đinh xuống đường. Nhiều người phát hiện sự việc nhưng do sợ bị trả thù nên không ai dám lên tiếng ngăn cản hay bắt giữ đối tượng này. * Cơ quan điều tra huyện Bến Cát (Bình Dương) cho hay vẫn đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ vụ “đinh tặc” để đề nghị khởi tố. Đến nay, cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của nhiều người bị hại ở TP.HCM và Bình Dương. Hiện Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát vẫn đang tạm giữ hình sự vợ chồng Phạm Văn Cảnh (32 tuổi) và Bùi Thị Nga (29 tuổi) để điều tra làm rõ hành vi rải đinh. Cảnh đã thừa nhận hành vi rải đinh và mở hai tiệm sửa xe để đón khách bị “trúng bẫy”. Còn ba đối tượng Bùi Văn Điệp (21 tuổi), Vũ Văn Long (25 tuổi) và Hà Văn Bình (31 tuổi) cùng quê Thanh Hóa đã được thôi tạm giữ hành chính vì chưa đủ chứng cứ tạm giữ hình sự. * Ông Trần Tấn Minh - chủ tịch UBND P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM - cho biết điểm sửa xe số 876 quốc lộ 1A, KP4, P.Linh Trung mà Tuổi Trẻ phản ánh ngày 16-2 chưa được thống kê trong danh sách rà soát, phân loại của phường trước đó. Sau khi báo nêu, ngay sáng 16-2 UBND P.Linh Trung đã chỉ đạo công an phường kiểm tra, phát hiện cơ sở này hoạt động không có giấy phép nên thu giữ đồ nghề, yêu cầu chủ tiệm tới làm việc để lập hồ sơ, xử phạt theo quy định. |
Chưa tìm ra thủ phạm rải đinh trên quốc lộ 51 Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến quốc lộ 51 (khu vực Đồng Nai) tình hình rải đinh vẫn tiếp diễn. Theo Công an xã Phước Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai), từ tháng 12-2010 xã đã yêu cầu 41 điểm sửa, vá xe dọc quốc lộ 51 và các hương lộ phải có cam kết kèm theo hình ảnh ký kết không rải đinh dù có giấy phép kinh doanh hoặc không phép. Sau khi xã bắt làm cam kết đã có một số trường hợp chuyển địa bàn, sang lại tiệm cho người ở nơi khác về làm. Ông Đỗ Hữu Đức, công an viên xã Phước Tân, cho biết: mới đây một khách đi đường cán đinh đã ghé vào một tiệm vá xe ở ấp Hương Phước, xã Phước Tân. Khi nạn nhân mất cảnh giác, đối tượng Vũ Văn Hòa (ngụ huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) đã dùng một miếng đinh lớn hơn lồng vào để cả ruột và vỏ xe bị cắt bắt khách thay ruột vỏ mới. Nạn nhân lập tức tố cáo, công an mời Vũ Văn Hòa lên lấy lời khai và hẹn quay trở lại làm việc thì Hòa bỏ trốn. Công an kiểm tra tại tiệm vá xe của Hòa đã thu một số mẫu đinh hình thoi và các loại ruột xe không rõ nguồn gốc. Theo ông Đức, hiện nay nhiều tiệm vá xe dùng ruột xe không có xuất xứ, nhãn mác được mua với giá rẻ nhưng khách bị cán đinh và thay bị “chặt chém” từ 50.000-60.000 đồng/ruột xe. Công an xã An Hòa (TP Biên Hòa) cho biết đã phát hiện hai đối tượng là dân nhập cư đi vá xe lưu động nhưng chỉ đuổi đi và gọi người có giấy phép hành nghề đến vá xe cho nạn nhân để tránh bị “chặt chém”. Cách đây hai năm, người dân xã An Hòa từng bắt quả tang một đối tượng quê Thanh Hóa rải đinh, sau đó công an đã củng cố hồ sơ xử lý hình sự và tòa tuyên 9 tháng tù giam. Tuy nhiên, “đinh tặc” vẫn hoạt động lén lút và đến nay công an chưa nhận diện được thủ phạm. |
Tin bài liên quan:
Bắt thêm 5 "đinh tặc"20 ngày 10 lần thay ruột xeKhông thể để “đinh tặc” lộng hànhBạn đọc hiến kế chống "đinh tặc"Tóm cổ “đinh tặc”4,5km có 144 tiệm sửa xe
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận