14/02/2011 07:20 GMT+7

Không thể để "đinh tặc" lộng hành

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS LÊ VĂN TRUNG - đại biểu HĐND TP.HCM - nói: “Rải đinh bẫy người chạy xe để thu lợi bất chính từ việc vá, thay vỏ ruột xe là hành vi không thể chấp nhận. Tôi cho rằng không thể tiếp tục để “đinh tặc” lộng hành, xem thường pháp luật trong khi người dân rất lo lắng và về lâu dài họ sẽ đặt vấn đề hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền cũng như kỷ cương trong xã hội cần có trật tự”.

Read this on Tuoitrenews.vn

IWIBBbka.jpgPhóng to
Ông Lê Văn Trung - Ảnh: M.Đức

"Ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp có thể mang lại, hành vi rải đinh bẫy người đi đường để thu lợi bất chính còn là một biểu hiện cho thấy đạo đức của một bộ phận nhỏ người dân đang bị xuống cấp, đáng báo động"

Đại biểu HĐND TP.HCM Lê Văn Trung

* Ông có thể nói cụ thể hơn những giải pháp mà theo ông là cần phải đồng bộ?

- Thưởng và phạt phải song hành. Tôi rất hoan nghênh dư luận lên tiếng phê phán mạnh mẽ nạn rải đinh trên đường, song tôi xin góp ý thêm ngoài việc lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về “đinh tặc”, báo Tuổi Trẻ cần thay mặt bạn đọc của mình lập quỹ thưởng “nóng” cho những người cung cấp thông tin về kiểu làm ăn bẩn thỉu và từ đó có cơ sở để các cơ quan chức năng đấu tranh với nạn rải đinh. Bên cạnh đó, cần thông tin nhanh trên kênh giao thông của các đài phát thanh về những tuyến đường bị rải đinh để người dân cảnh giác.

Tuy nhiên, vai trò của hệ thống cơ quan công quyền không thể thiếu, tất cả cần vào cuộc, như phường, quận, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường... Không thể nói không có những bất thường khi trên một dãy phố có đến mấy chục tiệm vá, thay vỏ ruột xe với giá cắt cổ. Rõ ràng ở đây có mối liên quan giữa vấn nạn rải đinh và việc kinh doanh loại dịch vụ này. Tôi cho rằng trước mắt cần đăng ký các điểm kinh doanh vá, sửa xe gắn máy, kể cả ôtô và do đặc điểm tình hình nóng bỏng, dư luận bức xúc như vậy cần thiết phải buộc niêm yết giá dịch vụ. Đồng thời cần lập các đường dây nóng để người dân gọi khi thấy những dấu hiệu bất thường hoặc bị “chặt chém” khi vá, thay ruột xe trên các tuyến đường thường xuyên bị rải đinh. Như vậy mới có thể theo dõi, tiếp nhận và xử lý kịp thời những hành vi làm ăn bất chính.

Phạt vi phạm hành chính hiện đã không còn tác dụng răn đe nhiều đối với “đinh tặc”, nên cần những biện pháp mạnh hơn.

* Rải đinh bẫy người đi đường không phải là câu chuyện mới nhưng nó cứ tồn tại như thách thức dư luận, luật pháp. Có phải hành vi nguy hiểm này khó loại bỏ khỏi đời sống xã hội?

- Tôi cho rằng hành vi xấu này không quá khó để loại bỏ, vấn đề là nó có được quan tâm đúng mức và được đặt ở mức ưu tiên cần giải quyết của các cơ quan công quyền hay không. Theo tôi, chống “đinh tặc” đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm nhưng chưa được đặt ở chế độ ưu tiên đúng mức với diễn biến ngày càng trắng trợn, thách thức dư luận, pháp luật.

* Về phía người dân, thật sự họ mang tâm lý e ngại sợ bị trả thù, phiền phức và có lẽ vì thế nên tai mắt của dân chưa thể hiện được vai trò và sức mạnh. Theo ông, làm sao để người dân sẵn sàng theo dõi, tố giác “đinh tặc”, kể cả nhiều loại tội phạm, mà vẫn an tâm?

- Tôi cho rằng một xã hội mà người dân thấy cảnh cướp giật hay “đinh tặc” hành nghề mà đứng nhìn thì đó là một xã hội rất đau lòng. Đấy cũng là biểu hiện không có tinh thần với cuộc sống xung quanh, không có trách nhiệm với những người được gọi là đồng bào của mình. Đó là tâm lý e sợ, cầu toàn, ngại bị liên lụy đến bản thân khi tố giác những hành vi xấu.

Tuy nhiên, cần thấy rằng người dân e ngại khi tố giác tội phạm cũng có cơ sở như việc xử lý không đúng mức, giáo dục, răn đe không đến nơi đến chốn, chẳng hạn như xử phạt quá nhẹ..., làm hạn chế việc phát huy tinh thần trách nhiệm của họ. Nếu các cơ quan công quyền và bảo vệ pháp luật không thực hiện nghiêm pháp luật, không có những biện pháp bảo vệ người tốt, những người có tinh thần trách nhiệm lên tiếng vì cái chung, để tội phạm có những hành động trả thù người tố giác chúng sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội khôn lường trong đời sống. Do vậy người tốt phải được bảo vệ an toàn để khơi dậy tinh thần trách nhiệm xã hội của họ. Phải làm sao để họ tin vào chính quyền, sự nghiêm minh của luật pháp để vững tin dám nói lên điều xấu, dám làm điều tốt.

* Theo ông, cử tri có thể trông đợi gì vào các giải pháp chống “đinh tặc” và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trước vấn nạn này?

- Tôi tin rằng nhất định chính quyền TP sẽ bảo vệ được người dân, có những biện pháp hiệu quả động viên, khen thưởng, xử phạt nghiêm minh. Sắp tới, theo tôi, nạn rải đinh trên đường sẽ giảm nhưng triệt tiêu hoàn toàn thì cần thêm thời gian. Cần xác định đây phải là công việc lâu dài, nếu sớm bằng lòng với kết quả nào đó thì “đinh tặc” sẽ trở lại, vì lợi ích kinh tế nên chúng không dễ dàng từ bỏ, ngựa sẽ quen đường cũ.

* Nếu nói cơ quan công quyền hay bảo vệ pháp luật thì khá chung chung, đôi khi khó xác định địa chỉ chịu trách nhiệm. Theo ông, cơ quan nào hay chức danh nào phải chịu trách nhiệm chính?

- Theo tôi, đây là việc của cấp phường, quận và cũng không nên lập các ban bệ. Chúng tôi chỉ cần sự quyết tâm với tinh thần trách nhiệm thật sự thì người dân, dư luận sẽ cùng hưởng ứng, ủng hộ bằng các biện pháp, sáng kiến. Như tôi đã nói, vừa qua có quan tâm chống “đinh tặc” nhưng chưa xem đây là ưu tiên cần sớm giải quyết. Chủ tịch UBND phường, quận nơi xảy ra rải đinh phải là địa chỉ chịu trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện có hiệu quả các biện pháp xử lý “đinh tặc”.

“Đinh tặc” sẽ vào nghị trường

- Nếu tiếp tục không giảm, tôi nghĩ vấn đề “đinh tặc” sẽ đi vào nghị trường, chương trình nghị sự của HĐND TP và đương nhiên lúc đó vấn đề trách nhiệm khó nói là sẽ không đặt ra. Nếu dập tắt được “đinh tặc” sẽ hoan nghênh các cơ quan công quyền và bảo vệ pháp luật. Ngược lại, để “đinh tặc” lộng hành kéo dài như lâu nay, tôi cho đó là yếu kém của địa phương, cũng cho thấy sự chỉ đạo thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sự quan tâm trước những bức xúc của cuộc sống người dân. Lúc đó nhất định vấn đề trách nhiệm trong việc chăm lo cuộc sống và bảo vệ người dân phải được đặt ra.

wpJtqvWE.jpgPhóng to

Al7AUzm8.jpg

Đối tượng Hà Văn Bình (ảnh trên) và Phạm Văn Cảnh bị bắt cùng tang vật - Ảnh: A.Thoa

11g30 ngày 13-2, đội phòng chống tội phạm Phú Hòa đã bắt quả tang Phạm Văn Cảnh, chủ tiệm sửa xe gắn máy Thuận Phát (xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, Bình Dương), khi đang thực hiện hành vi rải đinh trên đường. Cùng ngày, Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát đã tạm giữ thêm bốn đối tượng và xác định được nguồn gốc “đinh tặc”.

Đã bốn đêm trôi qua, vẫn chiêu thức cũ, các đối tượng rải đinh phóng xe bạt mạng rồi bất ngờ nhả đinh xuống đường và tăng tốc tẩu thoát ngay trước mặt các thành viên đội phòng chống tội phạm. Thành viên Trần Hoàng Anh quay qua nói với anh em: “Thay đổi phương án, chia nhau rà trên đường. Nếu phát hiện thì báo cho tất cả các điểm chốt chặn”. Ba rồi bốn giờ sau các đối tượng rải đinh “án binh bất động”.

Năm đối tượng bị tạm giữ là Phạm Văn Cảnh (32 tuổi), Bùi Văn Điệp (21 tuổi), Bùi Thị Nga (29 tuổi), Vũ Văn Long (25 tuổi), Hà Văn Bình (31 tuổi), cùng ngụ tại Thanh Hóa.

11g30 ngày 13-2, khi một đối tượng dắt xe gắn máy lao ra khỏi tiệm sửa xe Thuận Phát và chạy chậm theo hướng Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, qua khỏi trụ sở Công an xã Thới Hòa thì quay đầu xe chạy ngược lại. Lúc này, đối tượng bất chợt rà xe vào lề đường, chớp nhoáng mở cốp xe lấy đinh để rải thì tất cả sáu thành viên đội phòng chống tội phạm vây chặn và tóm gọn Phạm Văn Cảnh.

Xét trong cốp xe 61T6-4261 do Phạm Văn Cảnh điều khiển, đội phòng chống tội phạm đã phát hiện, thu giữ 200 miếng đinh hình thoi cùng kích cỡ. Đối tượng này nhanh chóng được đưa về trụ sở Công an xã Thới Hòa xử lý. Ngay sau đó, Công an xã Thới Hòa đã ập vào tiệm sửa xe Thuận Phát, nơi Cảnh hành nghề, thu giữ được 95 miếng đinh trong vỏ bao thuốc lá, 4 kéo cắt sắt (nghi là dụng cụ để cắt các miếng đinh) và 3 mã tấu, ống tuýp sắt bọc vỏ để đầu giường nằm. Đáng chú ý, hàng loạt vỏ xe cũ ở tiệm này được “ngụy trang” thành vỏ mới để lừa khách. Cũng tại đây, công an đã bắt thêm hai đối tượng Bùi Văn Điệp (21 tuổi) và Bùi Thị Nga (29 tuổi, vợ Cảnh), cùng ngụ tại Thanh Hóa.

Khoảng một giờ sau, công an tiếp tục ập vào tiệm sửa xe Thành Công và bắt thêm Vũ Văn Long (25 tuổi, quê Thanh Hóa). Tiếp đó, cơ quan công an kiểm tra tiệm sửa xe gắn máy Bình Thuận và bắt Hà Văn Bình (31 tuổi, quê ở Thanh Hóa) khi đang thay ruột xe cho khách. Trong lúc công an kiểm tra tiệm sửa xe, Hà Văn Bình nhanh chóng chạy ra phía sau lấy đinh ném xuống bồn cầu rồi giội nước phi tang. Tuy nhiên, khi đinh chưa trôi hết thì Bình bị tra tay vào còng.

Tại trụ sở Công an xã Thới Hòa, Vũ Văn Long khai nhận Long là anh em con dì với Nga. Trước đó hai tháng, Long bán quần áo lề đường tại khu vực ngã ba Trị An, Đồng Nai và mới xuống phụ giúp sửa xe cho vợ chồng Cảnh từ hôm 25 tháng chạp với công việc chính là thay ruột xe, còn rải đinh thì không biết.

Bùi Thị Nga cho hay vào Bình Dương làm công nhân được ba năm, mới nghỉ làm năm tháng về quê rồi vào phụ chồng sửa xe. Nói về sự việc xảy ra, Nga lấm lét nhìn chồng rồi nói “không biết”.

Tối cùng ngày, Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát đã tiến hành lấy lời khai các đối tượng. Phạm Văn Cảnh khai nhận tiệm đã hoạt động được hai năm và tự tay cắt đinh hình thoi từ các dây sắt mua tại các tiệm ve chai ở xã Thới Hòa. Cảnh đã thực hiện hành vi rải đinh từ tháng 8-2010, là người trực tiếp cắt và đi rải đinh dọc tuyến quốc lộ 13. Cảnh có hai tiệm sửa xe Thuận Phát và Thành Công ở hai đầu tuyến đường này nhằm “gom” các xe bị trúng bẫy vào tiệm của mình.

Đổ máu vì... “đinh tặc”

Chiều 13-2, trong khi Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát đang tiến hành lấy lời khai các đối tượng “đinh tặc” thì ngay trước trụ sở UBND xã Thới Hòa, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Vân (ngụ tại phường Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) loạng choạng tay lái rồi té nhào xuống đường khi cán phải đinh. Bà Vân cho biết trong khi đi xe gắn máy từ Sài Gòn xuống Bến Cát để thăm người thân thì cán phải đinh. Lúc này, chị Nguyễn Thị Hòa (Bến Cát) chở hai con đi sau lao tới đâm vào đuôi xe. Vụ tai nạn đã khiến bà Vân chảy máu ở trán và tay.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Trị “đinh tặc”: Các nơi đều kêu khóTóm cổ "đinh tặc": Khó hay không?Thưởng 10 triệu đồng cho người bắt "đinh tặc"Từng phường phải chống “đinh tặc”20 ngày 10 lần thay ruột xe

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên