Phóng to |
Nguyên Bộ trưởng bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến: “Thanh tra đánh giá chưa toàn diện”Bộ Y tế “hớ” đủ thứMua nguyên liệu thuốc chống cúm từ Ấn Độ: giá tăng hàng triệu USDAi kiện thì cứ kiện
Theo các công ty này, thực chất của dự án sản xuất thuốc Oseltamivir thuộc dự án quốc gia và mang tính tuyệt mật. Đồng thời khẳng định không hề có việc vận động để được lựa chọn tham gia dự án sản xuất thuốc Oseltamivir mà do Bộ Y tế quyết định giao trách nhiệm.
Nguyên liệu rẻ, thành phẩm mắc
Lý do các công ty không mua nguyên liệu của Công ty F. Hoffman-La Roche (gọi tắt là Roche) là vì không có một công ty đa quốc gia nào cung cấp nguyên liệu sản xuất cho các nhà sản xuất khác khi sản phẩm của mình còn trong thời hạn có bản quyền. Cả bốn công ty cũng không hề nhận được chào hàng nào từ Roche. Các công ty còn đặt vấn đề nếu đúng như Roche cam kết cung cấp nguyên liệu cho Bộ Y tế VN với giá 12.000 USD/kg thì theo lý thuyết, mỗi ký nguyên liệu sẽ sản xuất được 10.000 viên Tamiflu với giá thành ước tính khoảng 1,3 USD/viên.
Thực tế khi Roche bán thuốc Tamiflu cho Bộ Y tế với giá thành một viên thuốc gần gấp đôi (2,49 USD). Trong khi các doanh nghiệp VN mua nguyên liệu sản xuất thuốc Oseltamivir với giá 17.500-18.000 USD/kg nhưng lại có thể cung cấp cho Bộ Y tế với giá 1,75 USD/ viên.
Bốn doanh nghiệp này còn nói rằng VN không nằm trong danh sách ưu tiên của Roche mà xếp đến vị trí thứ 41. Trong khi ở thời điểm tháng 2-2006, Roche đã từ chối cung cấp cho Mỹ, Nhật và Canada do không đủ công suất. Trong tình hình đó, nếu dịch xảy ra như dự báo, VN sẽ sử dụng nguồn thuốc nào?
Cả bốn công ty bức xúc: “Cơ quan thanh tra, điều tra luôn đặt vấn đề giá mua nguyên liệu của chúng tôi và chất vấn chúng tôi tại sao không mua nguyên liệu từ Roche với giá 12.000 USD/kg. Thế nhưng không cơ quan nào chất vấn, điều tra Roche tại sao giá nguyên liệu của họ có thể cung cấp thấp hơn giá chúng tôi mua rất nhiều nhưng giá bán thành phẩm Tamiflu quá cao so với giá chúng tôi đã cung cấp cho Bộ Y tế?”.
Chất lượng tương đương với Roche
Các doanh nghiệp trên còn khẳng định về công nghệ bào chế ra thành phẩm, các nhà máy của họ hoàn toàn đủ điều kiện để sản xuất ra thành phẩm đạt tiêu chuẩn tương đương với Roche. Điều này cũng đã được chứng minh chất lượng thuốc Oseltamivir đạt tiêu chuẩn qua việc các cơ quan chức năng kiểm nghiệm nhiều lần mẫu thuốc do bốn công ty sản xuất.
Về thông tin “nguyên liệu của Roche có hạn dùng 10 năm”, theo các doanh nghiệp VN là hoàn toàn không có cơ sở. Thực tế ngày 18-8-2009, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo việc gia hạn sử dụng cho thuốc Tamiflu tùy thuộc vào cơ quan quản lý dược các nước và Cơ quan Quản lý dược châu Âu. Các nước như Mỹ, Canada, Úc... đã chính thức gia hạn sử dụng thêm hai năm cho các thuốc hiện đang tồn kho.
Tuy nhiên theo quy chế dược, dù các công ty VN có sử dụng nguồn nguyên liệu với hạn dùng năm năm thì hạn dùng của thuốc thành phẩm cũng vẫn chỉ được phép công bố lần đầu là hai năm vì mới đưa vào sản xuất. Việc gia hạn sử dụng công bố căn cứ trên dữ liệu độ ổn định của thuốc và là một quyết định rất bình thường đối với các thuốc tồn trữ chống dịch tại các quốc gia trên thế giới.
“Các thuốc đang tồn kho do chúng tôi sản xuất từ năm 2006 vẫn còn đảm bảo chất lượng như khi mới sản xuất, nhưng rất tiếc vì lý do nào đó lại không được gia hạn sử dụng” - bốn doanh nghiệp VN khẳng định.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến: Đảm bảo thẩm định giá thuốc đúng quy định Lại có thêm những điểm khác nhau trong việc áp dụng các quy định liên quan đến vụ dự trữ 562 tỉ đồng thuốc Oseltamivir phòng chống dịch cúm A/H5N1 đang gây xôn xao dư luận. Theo văn bản bà Trần Thị Trung Chiến - nguyên bộ trưởng Bộ Y tế, người chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc thời điểm 2005-2006 - gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính - Bộ Y tế đã áp dụng quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24-11-2005, quyết định 05/2004 và 06/2005 của Bộ Tài chính để thẩm định, phê duyệt giá sản xuất viên nang Oseltamivir, trong khi Thanh tra Chính phủ áp dụng quyết định số 1239 ngày 15-11-2005 của Thủ tướng, thông tư 121/2000 của Bộ Tài chính. Điều này dẫn đến việc thanh tra kết luận Bộ Y tế gửi đơn hàng mà không thương thảo về giá, trong khi Bộ Y tế cho rằng đó chỉ là đơn đặt hàng về số lượng, là bước 1 trong quy trình bảy bước thực hiện mua hàng hóa do Chính phủ đặt hàng. Theo yêu cầu của đoàn thanh tra, Cục Quản lý giá cũng có văn bản thông báo cơ sở xác định giá, phương pháp thẩm định, cách tính chi phí gia công, so sánh giá sản xuất thuốc cùng loại ở Trung Quốc và Thái Lan, trong đó thuốc Thái Lan có cùng nguyên liệu Ấn Độ thì giá thuốc VN tương đương giá Thái Lan, rẻ hơn giá Trung Quốc (giá sản xuất tại VN là 1,75 USD/viên, giá tại Trung Quốc là 2,59 USD/viên). Văn bản này cho rằng việc thẩm định giá Oseltamivir đảm bảo thực hiện các quy định pháp luật. Về giá nguyên liệu Oseltamivir, lý giải việc Roche chào 7.000 euro/kg nhưng VN lại mua nguyên liệu của Ấn Độ giá đắt hơn, hạn dùng ngắn hơn, nguyên bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo chậm nhất tháng 1-2006 phải có 1-3 tấn nguyên liệu, nhưng kế hoạch mua thành phẩm hoặc liên kết với Roche phải sau tháng 8-2006 mới có thể triển khai, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp và quyết định nguồn thuốc của Roche để sau tháng 8-2006. Các báo giá thời điểm VN mua nguyên liệu cho thấy giá chào bán nguyên liệu Oseltamivir tùy theo số lượng khoảng 15.000-20.000 USD/kg, còn VN mua mức 17.500-18.000 USD/kg. Những ý kiến trên đã được Bộ Y tế giải trình với đoàn thanh tra, nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn bảo lưu quan điểm, kết luận Bộ Y tế không thương thảo về giá trong đơn hàng, dẫn đến việc phụ thuộc vào giá thuốc do doanh nghiệp đề xuất. Theo nguyên bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, do thời điểm thực hiện dự trữ thuốc, các cơ quan chuyên môn dự báo dịch rất nghiêm trọng, chuẩn bị chống dịch khẩn trương như không khí “thời chiến”, cho nên có thể chỗ này chỗ kia rút ngắn quy trình, nhưng đến nay chưa tìm được chứng cứ tham nhũng, móc ngoặc trong quá trình mua thành phẩm, riêng quá trình mua nguyên liệu thì cần tìm hiểu thêm ở phía doanh nghiệp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận