Phóng to |
Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH |
Bộ Y tế “hớ” đủ thứMua nguyên liệu thuốc chống cúm từ Ấn Độ: giá tăng hàng triệu USD
Ngày 8-9, báo Tuổi Trẻ nhận được bức thư đề ngày 24-8-2010 của nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, người chỉ đạo kế hoạch dự trữ thuốc phòng chống cúm A/H5N1 giai đoạn 2005-2006. Bức thư này cũng được gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và một số cơ quan truyền thông.
Trong thư, bà Trung Chiến cho rằng dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án 562 tỉ đồng dự trữ thuốc Oseltamivir chống cúm A/H5N1 “hoàn toàn không nêu lên được các dấu hiệu hoặc chứng cứ tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật của lãnh đạo, đơn vị hoặc cá nhân thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong toàn bộ quá trình mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir”.
Theo bà Trung Chiến, toàn bộ kế hoạch dự trữ thuốc quốc gia do liên bộ Tài chính, Y tế, Quốc phòng, Ngoại giao cùng triển khai và nhiều nội dung của kế hoạch này có liên quan trực tiếp đến một số cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm. Tuy nhiên, khi xem xét kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ đề cập tới vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế. Đây là quan điểm đánh giá chưa toàn diện.
Cũng trong thư, liên quan vụ dự trữ thuốc chống cúm, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xem xét việc lộ thông tin liên quan đến ông Trần Quang Trung - phó trưởng đoàn Thanh tra Chính phủ, chánh thanh tra Bộ Y tế - cũng là cán bộ dưới quyền thời bà Trung Chiến làm bộ trưởng.
Về quan điểm của Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ một số nội dung, bà Trung Chiến nhấn mạnh đây là “hình sự hóa một vấn đề kinh tế”. “Theo ý kiến của riêng tôi, trong trường hợp cần thiết làm rõ hơn vấn đề tài chính của các công ty, Thủ tướng Chính phủ nên chỉ định các cơ quan chuyên môn như thanh tra Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và khảo sát sâu hơn các vấn đề liên quan, tổng hợp báo cáo Thủ tướng” - bà Trung Chiến cho biết.
Phóng to |
Bà Trần Thị Trung Chiến khi còn là bộ trưởng Bộ Y tế - Ảnh tư liệu |
Ngay sau khi nhận được lá thư, tối 8-9 phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với nguyên bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến xung quanh việc dự trữ 20 triệu viên Oseltamivir 75mg. Bà Chiến nói:
- Kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu việc giá mua nguyên liệu là 17.500-18.000 USD/kg, trong khi Bộ Y tế dự trù giá 12.000 USD/kg là giá khái toán chúng tôi tìm trên mạng khi dịch chưa lên đến đỉnh, các nước chưa sản xuất thuốc. Nhưng thời điểm thực hiện mua thì nước nào cũng sản xuất, giá VN mua không đắt hơn các nước.
* Thưa bà, lý do vì sao VN không mua nguyên liệu của Roche, theo cam kết là rẻ hơn một nửa giá VN mua của Ấn Độ và hạn dùng dài gấp ba lần?
Bộ trưởng Bộ Y tế cam kết xử lý nghiêm nếu có sai phạm Chiều qua, Tuổi Trẻ đã cố tiếp xúc với bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm - ông Nguyễn Quốc Triệu. Tuy nhiên, cả hai lần gặp ông Triệu đều không đồng ý trả lời phỏng vấn mà chỉ cho biết kết luận thanh tra và giải trình của Bộ Y tế đã được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bộ đang chờ chỉ đạo cuối cùng của Thủ tướng. Với các vụ, cục trực thuộc, Bộ Y tế bắt đầu rà soát lại quy trình liên quan đến 562 tỉ đồng dự trữ Oseltamivir 75mg và cam kết sẽ xử lý nghiêm các đơn vị có sai phạm. |
Trong thông báo của Chính phủ yêu cầu ngày 1-3-2006 phải có thuốc, tôi đã nói là không làm kịp, nhưng các đồng chí lãnh đạo Chính phủ nói phải quyết tâm làm. Dự trù 30 triệu viên thuốc là do Vụ Điều trị, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý dược đề xuất thông qua Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và gửi lên Chính phủ.
Lúc đó, chúng tôi đưa ra ba phương án: dự trữ 30 triệu viên đủ điều trị cho 3 triệu người; dự trữ 20 triệu viên điều trị đủ cho 2 triệu người và phương án cuối cùng là dự trữ 10 triệu viên cho 1 triệu bệnh nhân. Cuộc họp Chính phủ đã chọn phương án hai, tức là dự trữ 20 triệu viên. Như tôi đã nói, vì vấn đề thời gian nên phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu khác, sau tháng 8-2006 nếu còn dịch thì sẽ mua nguyên liệu của Roche.
* Hai năm chỉ có 91 bệnh nhân mà Bộ Y tế lại đề xuất mua tới 20 triệu viên thuốc đủ để điều trị cho 2 triệu người bệnh. Theo bà, kế hoạch này phải chăng là không sát thực tế?
- Lúc đó các nước cũng ào ạt sản xuất thuốc, người chết do cúm A/H5N1 cũng có ở nhiều nước. Khi biết thông tin VN sản xuất thuốc Oseltamivir, một số nước cũng đề nghị VN hỗ trợ nếu có dịch. Nói chung là tình hình lúc đó khác, có người nói lúc đó áp dụng tình trạng khẩn cấp.
* Bức thư của bà gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan truyền thông có cho rằng Thanh tra Chính phủ chưa chỉ ra được chứng cứ tham nhũng trong vụ việc này. Nhưng với những khuất tất về giá, về tiền “hoa hồng” được nhận lại như Thanh tra Chính phủ đề cập, bà có nghĩ là có chuyện tham nhũng, móc ngoặc trong dự án này?
- Chúng tôi chỉ mua thành phẩm, còn câu chuyện mua nguyên liệu giá cả thế nào phải hỏi doanh nghiệp, cái đó tôi không biết. Giá thành phẩm thì tiểu ban hậu cần của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch lúc đó và Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đã thương thảo mức 1,75 USD/viên. Tôi được biết như thế là không đắt hơn các nước xung quanh.
Tháng 2-2006 đã có thể mua nguyên liệu của Roche Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 11-2005 Bộ Y tế và Công ty Hofmann La Roche đã ký thỏa thuận kế hoạch sản xuất thuốc điều trị cúm có hoạt chất Oseltamivir tại VN. Theo kế hoạch này, việc cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir cho VN chia thành ba đợt. Tháng 2-2006, Roche sẽ cung cấp 200kg nguyên liệu, tháng 7-2006 cung cấp tiếp 800kg và tháng 12-2006 cung cấp 1.500kg. Giá bán 7.000 euro/kg nguyên liệu (gần 9.000 USD) đã bao gồm thuế, tổng cộng theo thỏa thuận Roche bán cho VN 2.500kg Oseltamivir nguyên liệu với tổng số tiền 17,5 triệu euro (khoảng 22 triệu USD). Nhưng cuối cùng VN đã mua 2.030kg nguyên liệu của Ấn Độ với giá hơn 27 triệu USD, đắt hơn nhiều so với nguyên liệu do Roche cung cấp, trong khi hạn dùng nguyên liệu của Ấn Độ chỉ ba năm. |
_______________
Các công ty dược nói gì?
LTS: Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ mua thuốc phòng chống cúm A/H5N1, các công ty dược liên quan đến vụ việc đã có những phản ứng cho rằng kết luận này không thỏa đáng. Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ xin nêu ý kiến của lãnh đạo ba công ty dược có ký kết cung ứng thuốc với Bộ Y tế.
● Ông Lương Văn Hóa (tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long):
“Tôi không thấy làm điều gì sai”
Trao đổi qua điện thoại, ông Lương Văn Hóa cho rằng đứng trên danh nghĩa là doanh nghiệp, công ty ông ký hợp đồng kinh tế sản xuất và cung cấp thuốc (Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate) với Bộ Y tế. Do đó xét trên phương diện ký kết hợp đồng kinh tế, Bộ Y tế cũng chỉ mang tư cách pháp nhân của một đối tác trong hợp đồng kinh tế. “Khi ký kết hợp đồng này, chúng tôi không đề xuất giá cả mua bán thuốc. Giá thuốc gút lại sau cùng do Bộ Y tế cùng bàn thảo với Bộ Tài chính đưa ra. Khi ký hợp đồng, công ty chúng tôi tuân thủ mọi điều khoản và sản xuất sản phẩm đúng chất lượng, giao đúng thời hạn 5 triệu viên thuốc (Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate) với giá 0,75 USD/viên, trong khi đó cùng thời điểm Công ty Roche bán với giá 0,85 USD/viên. Trong vụ việc này chúng tôi không thấy mình làm sai điều gì” - ông Hóa nói.
“Ông nói thế nào về việc mua 520kg nguyên liệu sản xuất thuốc của Công ty Mambo Overseas Limited Singapore với giá 17.500 USD/kg và được công ty này “thối lại” tiền hoa hồng hơn 3,8 triệu USD?”. Trả lời câu hỏi này, ông Hóa giải thích: “Chúng tôi ký kết mua bán nguyên liệu với Công ty Mambo Overseas Limited Singapore và thỏa thuận sẽ thanh toán làm hai lần. Tổng giá trị của của lô hàng là 9.100.000 USD, tôi chỉ phải thanh toán cho đối tác lần đầu 5.252.000 USD, phần còn lại hơn 3,8 triệu USD chúng tôi được phép trả chậm (lãi suất 4%/năm) đến hết ngày 31-12-2010 mới chấm dứt. Tôi xin khẳng định số tiền 3,8 triệu USD không phải là tiền “hoa hồng” của Công ty Mambo Overseas Limited Singapore thối lại”...
● DS Trần Thị Đào (tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm):
“Không phải tiền hoa hồng”
“Căn cứ vào hợp đồng kinh tế của ba doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm, Công ty TNHH Stada VN và Công ty Dược và vật tư y tế Phú Yên (Pymepharco) với Bộ Y tế thì cả ba doanh nghiệp này đều không vi phạm gì, vì nguyên tắc hợp đồng kinh tế là thuận mua vừa bán. Dù vậy, quan điểm của tôi và những doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân là trên hết. Ở thời điểm đó, chúng tôi chỉ quan tâm đến nơi nào cung cấp nguyên liệu Tamiflu để sản xuất thuốc với mức giá thấp nhất. Công ty Roche nói sẽ cung cấp nguyên liệu từ tháng 8-2006 với giá 12.000 USD/kg, trong khi chúng tôi cần có nguyên liệu sớm hơn.
Còn số tiền mà chúng tôi nhận được từ Công ty Stada IE - Hong Kong là tiền bồi thường thiệt hại do sản lượng thực tế thấp hơn sản lượng ghi rõ trong thỏa thuận chuyển giao kỹ thuật giữa công ty này với ba doanh nghiệp chúng tôi. Đây không phải là tiền hoa hồng”.
● DS Ông Văn Dũng (tổng giám đốc Công ty TNHH Stada VN):
“Sẽ kiện Thanh tra Chính phủ”
“Dù một công ty dược mua nguyên liệu với giá cao thì cũng không vi phạm gì về Luật thương mại. Vậy tại sao Thanh tra Chính phủ lại đề nghị chuyển cơ quan điều tra? Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước bán giá thành phẩm Tamiflu cho Bộ Y tế là 27.000 đồng/viên, thấp hơn nhiều so với giá của Công ty Roche thời điểm đó là 39.000 đồng/viên.
Còn số tiền mà Thanh tra Chính phủ yêu cầu ba công ty tham gia sản xuất thuốc chuyển trả ngân sách nhà nước hơn 2,8 triệu USD đã nhận từ nhà cung cấp nguyên liệu thật ra là tiền của Công ty Stada IE - Hong Kong bồi thường thiệt hại cho các công ty.
Cả ba doanh nghiệp đã bốn lần gửi văn bản kiến nghị khẩn cấp với Chính phủ về vấn đề trên, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu như mọi kiến nghị của chúng tôi vẫn tiếp tục chưa được giải quyết thì chúng tôi sẽ gửi đơn kiện Thanh tra Chính phủ về việc Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu lại 2,8 triệu USD”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận