29/08/2013 13:45 GMT+7

Thu hút nhân tài: coi chừng vấn nạn bằng cấp

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Loạt bài ba kỳ Thu hút nhân tài: hiệu quả tới đâu? đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại nếu việc thu hút nhân tài chỉ căn cứ vào thạc sĩ, tiến sĩ liệu có thu hút được nhân tài thực sự, hay chỉ là nhân tài của bằng cấp?

ei6tmhTw.jpgPhóng to
Tranh minh họa của Dad

Kỳ 1: Tiến sĩ... tháo chạy Kỳ 2: Nhân tài được “treo giá” bao nhiêu?Kỳ 3: Bản thân lãnh đạo phải cầu thị

TTO xin trích đăng:

Nhận dạng nhân dài qua tấm bằng?

+ Nhận dạng nhân tài qua tấm bằng thực sự là vấn đề làm cho nhiều người suy ngẫm. Chúng ta đã có thói quen đánh giá trình độ con người theo văn bằng, chứng chỉ được cấp. Lối tư duy ghi lý lịch trình độ thường đồng nghĩa với bằng cấp có từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước nhưng đến nay vẫn chưa từ bỏ được.

Trong điều kiện nền giáo dục nước ta còn nhiều yếu kém, cùng với nền hành chính nhà nước còn nhiều chỗ chưa thực hiện công khai, minh bạch thì sự lạm dụng bằng cấp để đánh giá năng lực con người càng bị lợi dụng triệt để.

Hiện tượng văn bằng, chứng chỉ giả, đi học để lấy bằng mà không cần đến kiến thức chỉ tồn tại trong khu vực công.

Nếu các ngành, các cấp thu hút nhân tài bằng chính sách đãi ngộ nhất thời thì chỉ tìm được những người có học hàm, học vị nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.

Muốn tìm được nhân tài, trước hết chúng ta phải có tiêu chí nhận dạng người tài và có giải pháp đồng bộ nuôi dưỡng nhân tài phát triển.

Thanh Bình (thanhha.thaihoa@...)

+ Vấn đề ở đây là người có trình độ sau đại học mọc như nấm sau mưa. Nấm hại cũng có, mà nấm tốt cũng có. Đâu phải cứ sau đại học là nhân tài hết đâu. Việc bằng cấp ở Việt Nam thì ai cũng hiểu rồi.

Gia Huy - (giahuydinhnguyen@...)

+ "Nhân tài" không có nghĩa là bằng cấp cao (ở đây là sau đại học). Các địa phương thu hút những người có bằng cấp cao với nhiều ưu đãi ví dụ trả tiền từ 300 đến 500 triệu đồng, cấp đất... Trong khi đó, những con người tại chỗ của địa phương xin đi học thì có tạo điều kiện không, như cho phép, như hỗ trợ thêm tiền, như bố trí công việc sau khi học.

Liệu có tình trạng các địa phương khi đưa chính sách thu hút nhân tài chỉ để "làm bóng" tên tuổi của địa phương mình.

Ngoài ra 1 trí thức có học vấn cao (tiến sĩ) mà bỏ nơi mình đang làm đến một nơi khác vì đãi ngộ cao hơn thì người đó vì tiền, hay vì để có cơ hội cống hiến?

Hoặc nếu người đó thật sự là nhân tài sao địa phương đó lại để anh ta ra đi ?

Lê Anh (ongnho83@...)

+ Thú thực cách làm này còn nặng về hình thức. không đánh giá được giá trị người được tuyển dụng. Đơn cử: Mức hỗ trợ này chỉ là mức ban đầu còn mức lương, chế độ đãi ngộ sau này ra sao thì chưa biết, bố trí CV có đúng không cũng không thấy đề cập.

Chưa chắc 1 tiến sĩ đã làm việc hiệu quả hơn 1 cử nhân, kỹ sư.

Tại sao không đặt bài toán đưa chế độ lương/thưởng/trợ cấp cao cho những người có trình độ đáp ứng yêu cầu công việc thay vì đưa mức theo bằng cấp?

Tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng thì mới tạo động lực cho những người mới và khuyến khích những người cũ có năng lực?

Không để diễn ra tình trạng như câu nói "có mới nới cũ" vì công việc phải được hoàn thành trên khía cạnh tập thể mạnh chứ 1 vài cá nhân thì không giải quyết được gì.

DK (khahoadau1@...)

+ Tôi từng đọc những thông tin về các tỉnh treo "giá" để thu hút nhân tài và cũng băn khoăn: Cái giá đó để trả cho bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ... hay chính trình độ chuyên môn thực sự của họ?

Người gọi là "nhân tài", thiết nghĩ họ chỉ cần một đời sống ổn định (nơi ở và tiền lương đủ đáp ứng theo mức sống) để cống hiến. Với công việc, cung cấp phương tiện làm việc theo chính năng lực của họ phù hợp hay không mới là vấn đề. Một ông BS chuyên khoa mắt dù có bằng tiến sĩ mà đưa ra khám đa khoa, bệnh viện thiếu dụng cụ khám, mổ mắt thì cũng chẳng giải quyết được gì.

Vì vậy cái "giá" để chiêu dụ nhân tài chỉ là điều kiện "cần" chớ chưa "đủ"!

Năm An Nhứt (dvngoc98@....)

+Tôi thấy hiện nay chính sách thu hút nhân tài chủ yếu nhắm vào bằng cấp mà cụ thể là thạc sĩ, tiến sĩ làm cho tôi có cảm nghĩ đang phổ cập hóa cao học trong cơ quan nhà nước. Theo tôi chính sách này không nên tiếp tục bởi nó cổ xúy cho xu hướng chạy theo bằng cấp mà không coi trọng thực lực vì ai dám nói cử nhân hay thậm chí không phải cử nhân thì sẽ làm việc không bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Do đó thay vì chú trọng tuyển cao học thì nên áp dụng chính sách thi tuyển chức danh đầu ngành với lương cao thì lúc đó sẽ thu hút những con người thực sự giỏi làm việc hơn là bằng cấp.

Thanh (vltthanh@...)

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên