Kỳ 1: Tiến sĩ... tháo chạy Kỳ 2: Nhân tài được “treo giá” bao nhiêu?
Phóng to |
Ông Lê Minh Hoan - Ảnh: Hà BÌNH |
"Để đối đãi với người tài, bản thân người lãnh đạo phải hết sức cầu thị mới có thể tạo được niềm tin để người tài hết lòng đến với mình" Ông Lê Minh Hoan |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LÊ MINH HOAN - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nói: “Mình muốn thu hút nhân tài phải hiểu nhân tài là gì, tiến sĩ hay tốt nghiệp ở nước ngoài có phải là nhân tài không? Với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu thật sự, điều thu hút họ không hẳn là chế độ đãi ngộ về vật chất. Môi trường làm việc, môi trường nghiên cứu, êkip làm việc của họ, nơi họ cảm thấy thoải mái để làm việc mới là quan trọng nhất. Nếu chỉ dừng lại ở việc đãi ngộ vật chất chắc chắn sẽ không thành công”.
* Những năm 2005-2006, khi nhiều tỉnh trải thảm đỏ đón tiến sĩ, giáo sư về làm việc, Đồng Tháp cũng có nghiên cứu nhưng rồi không đi theo hướng này. Ông có thể cho biết vì sao?
- Chúng tôi nhận thấy tính đồng bộ trong môi trường làm việc ở không gian một tỉnh chưa đủ điều kiện để các nhà khoa học, chuyên gia cống hiến. Người tài thì ở đâu cũng hết sức cần, tuy nhiên chúng ta không thể nào cứ thấy người có khả năng thì thu hút họ về trong khi kế hoạch bố trí, sử dụng họ lại chưa được xem xét, tổ chức nghiêm túc.
Thu hút đội ngũ này về, đưa họ tham gia vào cơ quan quản lý nhà nước không phù hợp với sở trường, gắn họ tám giờ mỗi ngày với cái bàn giấy không khéo họ sẽ bị “hành chính hóa”, có thể làm thui chột tài năng, kiến thức của họ chứ khó có thể nói giúp họ phát huy. Do đó, thay vì mời họ về làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, hãy để họ ở trong các viện, trường, doanh nghiệp... nơi họ cảm thấy có đất để “diễn”.
* Quan điểm của Đồng Tháp là nhân tài ở đâu hãy để họ ở đó, mời họ về tỉnh có khi sẽ làm “hỏng” họ. Xin ông nói rõ hơn điều này?
- Họ ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình biết mình cần gì, cần ai và họ đang ở đâu, khi cần hãy tìm đến “đặt hàng”, sau đó phải biết lắng nghe, trân trọng ý tưởng của họ. Khi ấy họ sẽ nhiệt tình hỗ trợ mình. Trong trường hợp chúng ta thu hút được vài người có tài về tỉnh thì liệu chúng ta có được môi trường, đủ “đề bài” để sử dụng hết năng lực khoa học và thời gian của họ? Đó là chưa kể nảy sinh những đố kỵ trong môi trường làm việc. Trong điều kiện đó, mời họ về đây, tuy ở gần nhưng khoảng cách lại rất xa.
Ngược lại, tôi cho rằng dù họ ở đâu chăng nữa, bằng tấm lòng trân trọng, tin tưởng nhau, khoảng cách sẽ không còn. Thế giới đã phẳng rồi, khoảng cách địa lý không còn quan trọng. Tôi nghĩ hãy để họ ở nơi mà họ cảm thấy thoải mái, được bay bổng trong khoa học với môi trường làm việc thuận lợi cũng như dễ dàng tìm được sự hỗ trợ khi cần thiết. Tuy vậy, để nhận được sự hỗ trợ của họ, các nhà lãnh đạo cũng phải chứng tỏ cho các nhà khoa học, các chuyên gia thấy họ được lắng nghe, chia sẻ, đóng góp của họ thật sự có ích cho xã hội, điều này quan trọng hơn những khoản 20, 50 hay 100 triệu đồng.
* Vậy Đồng Tháp thu hút nhân tài theo cách nào?
- Khi có những vấn đề cụ thể, chúng tôi trực tiếp trao đổi, mời những chuyên gia giỏi trên lĩnh vực đó (có thể trong và ngoài nước) đến giải bài toán thực tiễn cùng đội ngũ trí thức trẻ ở tỉnh. Bằng cách này, chúng tôi kết hợp lý thuyết, thực tiễn, hoài bão từ các nhà khoa học và trí thức ở tỉnh. Điều này mang lại hai lợi ích: tỉnh có được đề tài gắn với thực tiễn địa phương thực hiện bởi những người chuyên nghiệp; trí thức trẻ trong tỉnh cũng học hỏi được phong cách làm việc, nghiên cứu từ các nhà khoa học, chuyên gia.
* Ông có thể cho một ví dụ cụ thể?
- Khi định hướng quy hoạch chiến lược phát triển đô thị TP Cao Lãnh (năm 2008-2009), thông qua giáo sư Nguyễn Ngọc Trân - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - chúng tôi đã mời một đội ngũ các chuyên gia ở Pháp, Bỉ về quy hoạch đô thị đến hỗ trợ. Khi viết thư mời, chúng tôi nói sẽ chi trả vé máy bay nhưng các chuyên gia trên đều bảo họ sẽ tự lo vé máy bay đến Việt Nam.
Họ chuẩn bị nội dung trước đó vài tháng, sau đó đến tổ chức làm việc trực tiếp cùng với các anh em địa phương trong hai tuần. Địa phương chỉ tổ chức phương tiện làm việc và chỗ ăn nghỉ, hoàn toàn không có chi phí nào khác. Sản phẩm họ để lại là các ý tưởng hết sức sáng tạo và phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp, hiệu quả. Điều đó chứng tỏ rằng khi chúng ta trân trọng, lắng nghe các nhà khoa học thì họ sẽ nhiệt tình hỗ trợ.
* Đồng Tháp hiện có 40 du học sinh từ Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Bỉ... làm việc trong các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước. Khó khăn lớn nhất họ gặp phải là gì, thưa ông?
- Theo tôi, vẫn là môi trường làm việc, đây là vấn đề đáng lo nhất. Chúng ta không có được môi trường, văn hóa, phong cách làm việc cùng đẳng cấp với nơi mà các du học sinh theo học, sự khác biệt đó là rào cản để các du học sinh phát huy khả năng, kiến thức mình đã được đào tạo. Để từng bước tìm được sự hòa hợp, chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ du học sinh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bạn. Thông qua các buổi sinh hoạt, du học sinh sẽ nói lên những tâm tư, ý tưởng, kể cả khúc mắc với lãnh đạo.
Ngược lại, tỉnh cũng sẽ đặt hàng, đưa ra các ý tưởng nghiên cứu để du học sinh tham gia góp ý hoặc tự mình tổ chức nghiên cứu thực hiện theo cách mà họ muốn. Việc này mở ra không gian hoạt động và tăng thêm thu nhập cho các bạn. Ngoài ra, du học sinh còn được phép tham gia làm việc, nghiên cứu cho các doanh nghiệp. Tỉnh không chỉ đào tạo nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước, cho hệ thống chính trị mà còn cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn.
* Để trí thức trẻ tận tâm tận lực đóng góp cho địa phương, tỉnh đã có những động thái nào?
- Đó là phải tạo ra sân chơi, nguồn lực để các em phát huy nhiệt huyết của mình. Tỉnh luôn trân trọng ý tưởng từ các em, ý tưởng đó có thể chưa tròn trịa, chưa gắn với thực tiễn nhưng là cái mới. Từ những ý tưởng này, chúng tôi mời chuyên gia đến chia sẻ thêm để tạo ra những đề tài nghiên cứu. Quan trọng nhất là phải giúp các em trở thành những nhà nghiên cứu đúng nghĩa chứ không chỉ là những nhà hành chính thông thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận