06/07/2013 10:30 GMT+7

60% cây xăng Hà Nội không an toàn phòng cháy chữa cháy

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
XUÂN LONG - LÂM HOÀI

TT - Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 5-7 nhiều lúc nóng lên khi các đại biểu hỏi về trách nhiệm xử lý các cây xăng không an toàn, việc chậm giải ngân nguồn hỗ trợ doanh nghiệp và việc chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại rồi để “chết yểu”.

yoA6uEnt.jpgPhóng to
Một cây xăng số 280 Đội cấn, Hà Nội nằm sát khu dân cư - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tuy nhiên, rất ít câu trả lời thể hiện rõ trách nhiệm.

Cây xăng không an toàn sao không đình chỉ?

Đề cập về nỗi lo lắng của người dân sống gần trạm xăng, đại biểu Vũ Cao Minh (tổ Thanh Xuân) hỏi: “Trong báo cáo thấy nói kiểm tra rất nhiều cây xăng, theo quy định những cây xăng không đảm bảo an toàn thì phải đình chỉ. Chúng ta nói kiên quyết di dời. Kiên quyết sao vẫn để hoạt động? Xin hỏi đã có bao nhiêu cây xăng bị đình chỉ ngay vì không đảm bảo an toàn?”.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn - phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội - cho biết việc kiểm tra các cây xăng được thực hiện thường xuyên. Trong kiểm tra có lập biên bản, xử phạt và đề nghị di dời. Tuy nhiên, theo đại tá Sơn, đa số cây xăng trong nội thành đều có từ nhiều năm trước... “Liên ngành TP vừa kiểm tra 52 cửa hàng trong nội thành. Kết quả có tới 60% cửa hàng xăng dầu không đảm bảo an toàn PCCC. Xin hỏi chưa an toàn thì đã đình chỉ chưa? Không đình chỉ thì trách nhiệm quản lý ra sao?” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND TP, truy.

Đại tá Sơn thừa nhận kết quả kiểm tra của liên ngành có nhiều cửa hàng xăng dầu không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC. Ông Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận chưa có cửa hàng nào trong số 52 cửa hàng mới kiểm tra bị đình chỉ vì chưa an toàn. “Hiện nay vẫn đang kiểm tra, sau kiểm tra sẽ có kiến nghị TP về những trường hợp buộc phải di dời” - ông Sơn nói.

3 năm không tiêu hết tiền hỗ trợ doanh nghiệp

Trả lời về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Tưởng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết đối với doanh nghiệp, vừa qua chủ yếu là hỗ trợ chênh lệch lãi suất cho các dự án sản xuất công nghiệp, giết mổ gia súc gia cầm, nâng cấp lưới điện tại các xã miền núi khó khăn, xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, ông Tưởng thừa nhận kết quả đạt thấp so với dự toán. Cụ thể năm 2012 thực hiện giải ngân 10,8 tỉ đồng, đạt 10,8% dự toán còn sáu tháng năm 2013 mới giải ngân 7,6 tỉ đồng, đạt 7,6% dự toán.

Không bằng lòng với kết quả này, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, nói việc bố trí ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp là thể hiện chính sách ưu đãi của TP. “Kết quả đạt thấp như vậy vì sao, giải pháp nào cải thiện?” - ông Thịnh hỏi.

Theo ông Tưởng, nguyên nhân của việc giải ngân chậm, kết quả đạt thấp là do năm 2011 và năm 2012 lãi suất ngân hàng ở mức cao (18-19%/năm), việc hỗ trợ lãi suất theo chính sách của TP 2,4%/năm chỉ giảm được phần nào lãi suất, do đó chưa khuyến khích doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất.

Ông Tưởng cũng cho rằng muốn được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, doanh nghiệp phải có dự án đầu tư đáp ứng điều kiện quy định. Thực tế một số doanh nghiệp có dự án đầu tư nhưng không đáp ứng các điều kiện về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư như: nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội nên không thể giải ngân. “Tới đây TP sẽ tập trung tháo gỡ, xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp để đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng nguồn hỗ trợ” - ông Tưởng nói.

Theo Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, doanh nghiệp hiện nay rất cần sự hỗ trợ. Tuy nhiên, việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp của TP không đạt được yêu cầu đề ra. “Chúng tôi kiểm tra lại trong năm 2011 ngân sách bố trí 50 tỉ đồng, năm 2012 bố trí 100 tỉ đồng, năm 2013 cũng bố trí 100 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng hai năm trước tiêu không hết, năm nay hết sáu tháng mới chi được 7 tỉ đồng. Đề nghị UBND TP đặc biệt quan tâm, công khai ngay các thủ tục, tiêu chí, điều kiện để hưởng nguồn hỗ trợ...” - bà Thanh nhấn mạnh.

89BuwPXG.jpgPhóng to
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thừa nhận: “Theo quy chuẩn hiện nay, nhiều cây xăng trong nội thành không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC” - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hàng loạt trung tâm thương mại thay chợ “chết yểu”

Báo cáo về thực trạng dự án chuyển đổi từ chợ thành trung tâm thương mại (TTTM), Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu thừa nhận bốn trong năm TTTM được đưa vào hoạt động (Hàng Da, Cửa Nam, Ô Chợ Dừa, Hoàn Kiếm, Thanh Trì) đều chưa thật sự hiệu quả. Theo ông Sửu, mô hình này còn mới và thiếu hạ tầng xung quanh, diện tích nhỏ, chỗ để xe sâu dưới hầm khiến người dân e ngại khi đi mua sắm.

“Khi các TTTM kết hợp với chợ không hiệu quả, TP giải quyết ra sao? Có chuyển đổi hẳn sang TTTM hay không?” - đại biểu Phạm Xuân Tài hỏi. Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đề nghị UBND TP làm rõ sẽ tạm dừng hay tiếp tục triển khai các TTTM dạng này?

Trả lời vấn đề trên, ông Sửu cho biết một số dự án chưa triển khai TP đã quyết định giãn tiến độ, yêu cầu chủ đầu tư đối thoại với dân để đảm bảo mức giá thuê kiốt hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân trước khi triển khai dự án. Với những dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, ông Sửu khẳng định vẫn tiếp tục hoạt động nhằm đảm bảo cho chủ đầu tư xã hội hóa thu hồi vốn.

“Việc này rất khó. Ở chợ Cửa Nam trước đây có 60 hộ kinh doanh, nay chỉ còn hai siêu thị nhỏ. Trong khi chợ Cửa Nam chủ đầu tư bỏ ra hơn 100 tỉ đồng, chợ Hàng Da chủ đầu tư cũng bỏ ra 236 tỉ đồng để đầu tư xây dựng nên phải để họ thu hồi vốn” - ông Sửu nói. Để khắc phục tình trạng vắng vẻ tại các TTTM này, ông Sửu cho hay thời gian tới thành phố sẽ chỉ đạo địa phương giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm xung quanh nhằm hút khách vào TTTM, đồng thời tuyên truyền cho người dân vào mua bán tại TTTM này nhiều hơn.

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên