Những người đưa tin bằng trái timThể lệ giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ”Bạn đọc tăng sức nóng cho Tuổi Trẻ
Phóng to |
Các bạn đọc tham gia giao lưu tại chương trình: từ trái sang: anh Bùi Thanh Phong (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - người cung cấp thông tin cho bài viết “Luộc” phụ tùng ngay bãi giữ xe, anh Lê Đức Toàn (Q.Tân Bình, TP.HCM) - tác giả chùm ảnh Sau cơn mưa rạng sáng, Sài Gòn nước mênh mông và anh Nguyễn Quang Sơn - chủ một đại lý vé số ở Đà Nẵng - tác giả bài viết “Phải xét trả thưởng cho ông Tùng” - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Ông Lê Xuân Trung (bìa trái) - ủy viên ban biên tập, tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - trao giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ năm 2013 cho bạn đọc Trần Huy Thuận - 78 tuổi, cán bộ thiết kế điện về hưu - người báo tin về vụ đổ sập tháp truyền hình Nam Định do bão số 8 gây ra vào cuối tháng 10-2012. Từ thông tin này, báo Tuổi Trẻ đã thực hiện 7 bài viết liên tiếp - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Các bạn đọc trong niềm vui nhận giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Bạn đọc Trương Bích Ngọc - người cung cấp thông tin cho bài viết Giữa đường thấy chuyện bất bình, bực thêm - bày tỏ mong muốn trang báo Tuổi Trẻ sẽ có thêm nhiều thông tin tươi sáng để mở trang báo sẽ cảm thấy lạc quan, tin yêu cuộc đời hơn - Ảnh: Thanh Đạm |
Đây là dịp để bạn đọc sẻ chia những câu chuyện rất đẹp về tinh thần phản biện, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để góp phần mang lại những mảng màu tươi sáng cho cộng đồng.
Biết mà không nói là có lỗi!
Sáu bạn đọc tham gia chia sẻ câu chuyện báo tin, cộng tác tin bài với báo Tuổi Trẻ đã thật sự thu hút sự quan tâm của khán giả tại buổi giao lưu bởi việc dám đấu tranh đến cùng, quyết làm việc thiện dù là việc nhỏ, quyết gắn bó với "đường dây nóng" của Tuổi Trẻ dẫu có người cho rằng đó là việc... bao đồng.
"Trong vụ việc đổ sập tháp truyền hình Nam Định, là người trong nghề, tôi biết ngay tháp truyền hình này gãy đổ không phải do bão số 8! Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm công việc báo tin cho một tờ báo. Khi đã biết chắc điều gì đó chưa đúng thì phải lên tiếng. Tôi chọn Tuổi Trẻ vì tôi tin yêu tờ báo này" - bạn đọc Trần Huy Thuận, 78 tuổi, cán bộ thiết kế điện về hưu, người thông tin về vụ đổ sập tháp truyền hình Nam Định do bão số 8 gây ra vào cuối tháng 10-2012. |
Anh Nguyễn Quang Sơn - chủ một đại lý vé số ở Đà Nẵng - “Phải xét trả thưởng cho ông Tùng” - chia sẻ: "Tôi chỉ mất 30 phút để hoàn thành bài viết này. Thật ra trước đó tôi từng lên tiếng về vài vụ việc có nhiều nét tương tự câu chuyện tờ vé trúng 100 triệu đồng bị rách đôi của ông Dương Văn Tùng ở An Giang. Tôi quan niệm nếu là việc tốt, việc thiện thì phải tiếp tục làm. Khi bài viết của tôi được Tuổi Trẻ đăng và tiếp sau đó là nhiều bài viết khác về vụ việc này, tôi đã chia sẻ với vợ tôi và các đồng nghiệp phải công nhận phóng viên báo Tuổi Trẻ rất tích cực. Nếu Tuổi Trẻ không quyết liệt như thế thì có lẽ đã không có một kết thúc có hậu cho sự việc này. Tôi thật sự rất biết ơn Tuổi Trẻ".
Cùng tinh thần đó với anh Quang Sơn, chị Nguyễn Thị Vân (Lâm Đồng) - người báo tin để Tuổi Trẻ thực hiện bài viết độc quyền “Bị đánh vì... trả lại của rơi” - cho biết lý do duy nhất để chị lên tiếng tại hiện trường khi ông Nông Văn Thanh bị đánh vì... trả lại ví đánh rơi và sau đó báo tin với đường dây nóng của Tuổi Trẻ là: thấy chuyện bất bình thì không thể ngồi yên! Chị cho biết: "Sau sự việc, tôi có đến thăm ông Nông Văn Thanh, chia sẻ về việc báo Tuổi Trẻ đã thông tin về câu chuyện ngược đời ấy như thế. Sức khỏe của ông hiện đã ổn định và ông cũng rất muốn gửi lời cảm ơn đến Tuổi Trẻ".
"Nhiều bài viết, tuyến bài của Tuổi Trẻ tạo được ấn tượng đều có dấu ấn, sự góp công rất lớn của các bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn bạn đọc - những nhà báo không thẻ - những người đưa tin bằng trái tim" - ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ |
"Vô cùng sung sướng khi thấy hình mình chụp được đăng báo" là cảm giác của anh Lê Đức Toàn (Q.Tân Bình, TP.HCM) - tác giả chùm ảnh Sau cơn mưa rạng sáng, Sài Gòn nước mênh mông đăng tải trên Tuổi Trẻ Online. Anh đã gửi ảnh trước cả lực lượng phóng viên. Đến cuối ngày 1-10-2012, đây là thông tin được bạn đọc truy cập cao nhất trong ngày với 28.343 lượt bạn đọc. Anh Đức Toàn cho biết: "Tôi hiện học tiếng Nhật và rất mê chụp ảnh. Chùm ảnh Sài Gòn ngập là tác phẩm đầu tiên tôi được đăng báo. Tôi dự định tìm kiếm những thông tin hay, độc đáo để cộng tác với Tuổi Trẻ".
"Hãy huấn luyện chúng tôi làm báo!"
Đó là đề nghị của anh Nguyễn Tùng Nghĩa, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM - người phản ánh thông tin để thực hiện bài viết Vũng Tàu: kiểm tra quán bị du khách tố chặt chém - trong phần đối thoại với ban biên tập. Anh Tùng Nghĩa cho biết anh mong muốn thông qua những lớp đào tạo này, anh và nhiều bạn đọc sẽ có kỹ năng chụp ảnh và viết để từ đó đồng hành hiệu quả hơn với báo Tuổi Trẻ. Ông Lê Xuân Trung - ủy viên ban biên tập, tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm đến đề nghị mới mẻ này và sẽ suy nghĩ về những khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí có thể tổ chức mỗi năm 1-2 lần để giúp bạn đọc hiểu thêm về nghề báo".
Về quy trình làm báo cùng Tuổi Trẻ, có bạn đọc đề nghị cần xem xét lại vấn đề phản hồi tin bài của bạn đọc, tin bài không sử dụng thì phải hồi âm, tránh "ngâm" quá lâu khiến bạn đọc sốt ruột.
Ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - khẳng định: "Khi tiếp nhận những thông tin, bài vở của bạn đọc, những người làm báo chúng tôi luôn làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi đau cùng, xót xa cùng, bức xúc cùng bạn đọc".
Một "đơn đặt hàng" được nhiều bạn đọc đưa ra là trang báo cần có thêm nhiều câu chuyện đẹp, nhiều thông tin tươi sáng bên cạnh những mảng xám như tham nhũng, tai nạn giao thông, tệ nạn... để từ đó bớt sợ đọc báo, bớt căng thẳng khi mở trang báo mỗi ngày. Ông Lê Thế Chữ cho biết: "Chính những người làm báo cũng thường căng thẳng khi phải tiếp nhận và xử lý quá nhiều thông tin tiêu cực. Chúng tôi vẫn đang và sẽ nỗ lực mang đến cho bạn đọc thêm nhiều những câu chuyện đẹp về tấm lòng, về nghị lực... để bạn đọc không quá bi quan khi đọc báo".
Danh sách bạn đọc nhận giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 5-2013 * Nhóm bạn đọc cung cấp thông tin 1. Phan Minh Nghiêm - Đội Tuyên truyền văn thể Phòng Công tác chính trị và công tác quần chúng, Sở PCCC TP.HCM - cung cấp thông tin "Nhức nhối một ngày hai vụ tai nạn giao thông, 13 người chết" 2. Trần Thị Thùy Vỹ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - cung cấp thông tin cho bài “Đục khoét quỹ bảo hiểm y tế”. 3. Trương Bích Ngọc (Q.Tân Bình, TP.HCM) - cung cấp thông tin cho bài viết Giữa đường thấy chuyện bất bình, bực thêm. Nhóm bạn đọc có tác phẩm báo chí 1. Ngọc Hân (tên thật là Trần Thị Bích Lệ, Bình Phước - tác giả bài “Dửng dưng nhìn cảnh cướp giật”. 2. Trần Đức Hiền (Bạc Liêu) - tác giả bài viết “Tài xế sợ xe rùa”. Danh sách bạn đọc nhận giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ năm 2013 1. Đậu Đình Thảo - Đội Tuyên truyền - Phòng CSGT Công an tỉnh Đắc Lắk - đã cung cấp thông tin tai nạn giao thông thảm khốc ở Sêrêpốk khiến 35 người tử vong vào ngày 17-5-2012. 2. Trần Huy Thuận - cán bộ thiết kế điện về hưu, đã thông tin về việc vụ đổ sập tháp truyền hình Nam Định do bão số 8 gây ra vào cuối tháng 10-2012. Từ thông tin này, báo TT đã thực hiện 7 bài viết liên tiếp. 3. Nguyễn Thị Vân (Lâm Đồng) - báo tin để Tuổi Trẻ thực hiện bài viết độc quyền “Bị đánh vì... trả lại của rơi”. 4- Nguyễn Hùng Thái (An Giang) - cung cấp thông tin cho bài viết Băng nhóm trấn lột xe khách. * Nhóm bạn đọc có tác phẩm báo chí - Lê Thanh Hải - nghiên cứu sinh Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan - tác giả bài viết “Bọn trẻ dắt ta đi". - Nguyễn Quang Sơn - chủ một đại lý vé số ở Đà Nẵng - tác giả bài viết “Phải xét trả thưởng cho ông Tùng”. Sau hai lần tổ chức, đến nay giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ đã trao giải thưởng cho 120 bạn đọc, trong đó có 87 giải thưởng dành cho bạn đọc cung cấp thông tin và 43 giải thưởng tác phẩm báo chí. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận