Tháp truyền hình Nam Định không đạt chuẩn?
Phóng to |
Tháp ăngten Đài PTTH Nam Định trước và sau khi bị gió bão giật đổ - Ảnh: Namdinhonline/Minh Quang |
Sau khi xảy ra sự cố, đoàn công tác của Cục Giám định đã làm việc với Đài phát thanh - truyền hình (PTTH) Nam Định về chất lượng công trình và bước đầu xác định có một số sai phạm.
Không có thiết kế do... mua từ nước ngoài
Công trình tháp ăngten tự đứng cao 180m do Đài PTTH Nam Định làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng Trung tâm PTTH Nam Định thành trung tâm PTTH khu vực theo quyết định 109 của Thủ tướng (về xây dựng TP Nam Định thành khu vực trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng). Cùng với việc xây dựng tháp ăngten còn có dự án nhà đặt máy phát sóng để lắp đặt một máy phát sóng truyền hình công suất 30KVA do Đài truyền hình VN đầu tư. Công trình hoàn thành vào tháng 6-2010.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-10, một lãnh đạo Cục Giám định cho biết cơ quan này đã kiểm tra hiện trường vụ đổ tháp ăngten của Đài PTTH Nam Định và đã có báo cáo sơ bộ gửi lãnh đạo Bộ Xây dựng. Theo đó, nhận định ban đầu là tải trọng gió của tháp được thiết kế không đúng với tiêu chuẩn.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn Việt Nam về tải trọng và tác động - tiêu chuẩn thiết kế (TCVN 2737-1995), các công trình ở TP Nam Định phải thiết kế với cấp gió IV.B theo phân vùng áp lực gió của tiêu chuẩn này. Nghĩa là công trình xây dựng ở đây phải chịu được lực gió tác động lên tối đa 155 kg/cm2 (tương đương gió cấp 15), thế nhưng tháp ăngten này bị đổ khi gió bão chưa tới cấp này (theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 8 gây gió giật ở Nam Định tối 28-10 là cấp 12 - PV).
“Nhận định ban đầu là tải trọng thiết kế tháp mà Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) đưa ra không đúng với tải trọng dự án được duyệt, tải trọng gió của tháp là không đúng quy chuẩn” - vị lãnh đạo này cho biết.
Theo Cục Giám định, tháp ăngten của Đài PTTH Nam Định do VTC mua từ nhà sản xuất - Công ty Le BLANC (Malaysia) - rồi bán lại cho Đài PTTH Nam Định. Do hình thức mua trọn gói nên không có kiểm định, thẩm định kết cấu, thiết kế. “Giống như mua một cái tivi, đã sản xuất thành sản phẩm rồi thì người mua không thể tự thẩm định được vật liệu, kết cấu thiết kế” - vị lãnh đạo Cục Giám định giải thích.
Ông Trần Anh Tú, giám đốc Đài PTTH Nam Định, khẳng định việc nhập khẩu thiết bị đã được thẩm định đầy đủ. Còn về thiết kế, ông Tú cho rằng “mua trọn gói từ Malaysia thì làm sao có thiết kế được”. Điều này cho thấy công trình tháp ăngten tự đứng cao nhất miền Bắc này đã không có thiết kế theo yêu cầu của pháp luật. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc VTC Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện tổng công ty đang kiểm tra lại sự việc nên chưa thể trả lời chính thức về hợp đồng này.
Chỉ là sự cố nhỏ
Về vấn đề giám sát và thi công, ông Lê Phú Hải - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng - cho biết một đoàn tư vấn của công ty tham gia giám sát dự án tháp ăngten và ngay sau khi xảy ra sự cố đã có mặt tại Nam Định để tìm hiểu nguyên nhân.
Ông Hải nói đơn vị chỉ nhận giám sát thi công lắp đặt thiết bị theo bản vẽ lắp đặt đầy đủ. Ngoài ra, chủ đầu tư không cung cấp các thông tin khác về kỹ thuật, mức chịu đựng gió, động đất. Ông Hải cũng không biết công trình này có được thiết kế, nghiệm thu hay không vì đó là thủ tục của chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông cho rằng việc nhập khẩu hoàn toàn tháp từ Malaysia và thông thường phía họ chỉ có sản phẩm theo đơn đặt hàng, không có thiết kế nên chủ đầu tư phải có đơn đặt hàng.
Theo một chuyên gia về lĩnh vực này, đơn đặt hàng phải nêu đầy đủ các điều kiện về an toàn của công trình, theo tiêu chuẩn dự án được phê duyệt. Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề trên, ông Trần Anh Tú cho biết hàng đặt về phải nghiệm thu đảm bảo chất lượng mới được lắp đặt để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, một công trình quan trọng như vậy nhưng đơn vị nghiệm thu lại là... chủ đầu tư. Về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Giám định cho biết do công trình có quy mô bé, phần thép cao 167m và composite cao 13m, nên việc nghiệm thu tháp đưa vào sử dụng là do chủ đầu tư thực hiện.
Chiều 30-10, hiện trường vụ việc vẫn giữ nguyên, việc tháo dỡ chưa được thực hiện. Ông Trần Anh Tú cho biết còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Được biết Cục Giám định chỉ kiểm tra nắm tình hình hướng dẫn địa phương khắc phục vì đây được xếp loại là sự cố nhỏ. Liên quan đến vấn đề này, trả lời Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Đặng Văn Sinh, giám đốc Công an tỉnh Nam Định, cho biết công an tỉnh chưa khám nghiệm hiện trường vì cho rằng tháp bị giật đổ do gió bão.
Vài ngày nữa mới có thể phát sóng Chiều 30-10, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Nam Định Nguyễn Mạnh Hiền cho biết toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thông suốt. VNPT và Viettel đã tổ chức lực lượng kéo cáp quang thông tuyến và phát sóng di động đến tất cả các xã của tỉnh. Hiện nay chỉ còn sóng analog của truyền hình chưa được khắc phục. Ông Trần Anh Tú, giám đốc Đài PTTH Nam Định, cho biết Đài Truyền hình Việt Nam đã có hỗ trợ thiết bị để phục vụ việc phát sóng. Đài PTTH Nam Định đang lắp đặt lại thiết bị tại cột truyền hình cũ cao 87m trên đường Hàn Thuyên để phát sóng trở lại phục vụ nhân dân. “Sẽ cố gắng trong thời gian ngắn nhất, vài ngày nữa mới có thể phát sóng” - ông Tú cho biết. Trong khi đó, tại cuộc họp khắc phục thiệt hại do bão gây ra tại Nam Định sáng 29-10, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn đã yêu cầu bằng mọi giá phải phát sóng lúc 19g ngày 29-10. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận