23/05/2013 06:19 GMT+7

Tài xế sợ "xe rùa"

TRẦN ĐỨC HIỀN
TRẦN ĐỨC HIỀN

TT - Tôi vừa ngậm ngùi ký vào biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về vi phạm lấn tuyến. Tôi nghĩ đã và sẽ có nhiều người lái xe cay đắng nhận quyết định xử phạt giống như tôi vì lỗi như vậy.

ws0goRRO.jpgPhóng to
Trên đường cao tốc, nhiều bác tài rất sợ gặp phải “xe rùa” - Ảnh: T.T.D.

Tôi lái ôtô tải đi từ miền Tây lên TP.HCM. Trên tuyến đường dẫn cao tốc, xe của tôi được quy định phải đi trên làn giữa với tốc độ tối đa cho phép là 70km/giờ. Khi mới đi được một đoạn đường ngắn thì ngay phía trước mặt tôi xuất hiện một ôtô tải khác chỉ chạy với tốc độ chừng 30km/giờ. Sau khi quan sát kỹ, tôi thấy làn đường dành cho ôtô con bên trái rất thông thoáng, nơi đây không có lắp đặt biển báo “cấm vượt” và vạch kẻ đường là vạch đứt quãng nên tôi đã bật tín hiệu và xin chuyển sang làn đường bên trái này để vượt qua “xe rùa”. Tôi nghĩ mình đã vượt bên trái một cách hợp pháp, nhưng khi xe tôi vượt qua xe phía trước một cách an toàn và tôi bật tín hiệu xin nhập lại làn đường của mình thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và thông báo tôi đã vi phạm lỗi “lấn tuyến”. Tôi có trình bày quan điểm của mình nhưng phía cảnh sát giao thông không chấp nhận, buộc tôi phải ký vào biên bản vi phạm.

Đứng dưới góc độ người công dân, tôi rất vui mừng khi thấy đất nước mình liên tục phát triển, cơ sở hạ tầng luôn được Chính phủ đầu tư. Nhưng ở góc độ người lái xe, mỗi khi có một tuyến đường mới được mở rộng và phân chia làn đường thì tuyến đường đó sẽ trở thành “địa ngục”, bởi trên những tuyến đường này người lái xe phải thường xuyên lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Trên những con đường này, từng loại xe sẽ được chỉ định làn đường được phép lưu thông. Đường ai nấy đi nghe như có vẻ rất hợp quy tắc, rất an toàn. Nhưng nếu xe phía trước không chạy đúng tốc độ quy định mà cứ di chuyển theo tốc độ “rùa bò” thì lái xe phía sau đành bất lực. Bóp còi, nháy đèn kêu “xe rùa” nhường đường để mình vượt qua, nhưng thường những chiếc “xe rùa” này vẫn cứ thản nhiên đi, không di chuyển sang làn đường bên phải để nhường đường.

Cũng chẳng thấy ai xử phạt hoặc có giải pháp gì đó với những chiếc xe chạy quá chậm như vậy. Các xe phía sau đành phải rồng rắn nối đuôi nhau, đoàn xe cứ dài thêm ra, gây cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Không ai dám vượt qua “cụ rùa” mặc dù vạch kẻ đường tại đây chỉ là vạch đứt quãng, không có biển báo cấm vượt và làn đường bên cạnh rất thông thoáng. Dù ai nấy đều phẫn nộ khi đoàn xe cứ phải túc tắc theo “xe rùa” nhưng đành cắn răng chịu đựng. Bởi nếu vượt qua thì sẽ bị lỗi lấn tuyến, đi sai làn đường, với mức phạt 1 triệu đồng, còn đối với những khu vực áp dụng thí điểm là 1,7 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.

Tôi nghĩ cái cảnh đoàn xe cứ phải “bò” theo sau một chiếc xe chạy quá chậm trên đường cao tốc hoặc quốc lộ không chỉ là nỗi khổ của các tài xế phải chậm thời gian lịch trình chuyến đi, mà còn là sự lãng phí rất lớn cho xã hội khi tốn thêm nhiều xăng, mất thêm nhiều thời gian của nhiều người, có khi nhiều công việc khẩn cấp bị dang dở... Tôi cho rằng nỗi khổ của nhiều lái xe khi phải chạy sau một chiếc “xe rùa” có nguyên nhân từ công tác phân chia làn đường hiện nay chưa thật sự khoa học, chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, dường như cũng còn thiếu những biện pháp xử lý với trường hợp “xe rùa” này. Cánh tài xế chúng tôi chỉ mong sẽ sớm có sự điều chỉnh để giúp chúng tôi có thể chạy xe đúng tốc độ trên những con đường đã được mở rộng thông thoáng.

Ông Dương Tuấn Minh (tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương): Sẽ xử lý “xe rùa”

Bạn đọc đã phản ảnh đúng về việc có những người chạy “xe rùa” trên đường cao tốc khiến những người chạy phía sau rất bức xúc và làm nên dòng xe lưu thông không bình thường trên quốc lộ hay đường cao tốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “xe rùa” như bạn đọc phản ảnh, trong đó có lý do là xe đã quá cũ nên người lái xe phải chạy tốc độ chậm.

Hiện nay trên đường cao tốc đã quy định từng làn xe được chạy với tốc độ tối thiểu và tốc độ tối đa để các chủ phương tiện chọn làn xe lưu thông. Tuy nhiên, trong thực tế có những xe chạy thấp hơn tốc độ tối thiểu khiến dòng xe nối dài trên đường. Để giải quyết “xe rùa” trên đường cao tốc, trong tháng 3-2013 chúng tôi đã triển khai thi công xây dựng Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh ITS đường cao tốc và dự kiến công trình hoàn thành sau 18 tháng thi công. Theo đó, các nhân viên trung tâm quan sát bằng camera, nếu phát hiện “xe rùa” sẽ yêu cầu lực lượng kiểm tra xử lý ngay xe vi phạm.

Tôi cho rằng việc để xảy ra “xe rùa” trên các tuyến quốc lộ hoặc đường cao tốc còn có trách nhiệm của cảnh sát giao thông khi không tuần tra phát hiện để xử phạt ngay “xe rùa” đang gây ùn ứ trên đường và không đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Lê Quyết Thắng (giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - TP.HCM): Bổ sung biển báo cho vượt

Nhiều người rất khó chịu khi phải chạy phía sau chiếc “xe rùa” khiến dòng xe nối đuôi dài trên đường do tốc độ xe chạy rất chậm. Đây là điều bất cập về giao thông, theo tôi, có nguyên nhân là các tuyến quốc lộ chỉ quy định tốc độ tối đa mà chưa có quy định tốc độ tối thiểu. Để giải quyết, Bộ Giao thông vận tải nên xem xét nghiên cứu lắp đặt biển báo bổ sung hoặc kẻ làn sơn đường trên những đoạn đường cho phép xe phía sau được vượt qua “xe rùa”.

NGOC ẨN ghi

TRẦN ĐỨC HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên