Sao lại trích 70% tiền phạt để bồi dưỡng CSGT?
Phóng to |
CSGT Rạch Chiếc xử lý vi phạm giao thông tại ngã tư Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Thiết nghĩ một CSGT, nhà nước đã phải trả lương cao để họ làm việc, vậy sao lại cố tìm thêm một chế độ đãi ngộ khác khi mà công việc của họ cũng chỉ dừng lại ở mức độ thuộc trách nhiệm và nhiệm vụ họ phải làm? Cũng như việc cán bộ kiểm lâm bắt được lâm tặc cũng được thưởng nóng trong khi trách nhiệm của họ là phải bảo vệ rừng; họ đã không làm tròn trách nhiệm để lâm tắc chặt phá rừng, rồi khi bắt được lại thưởng. Hãy để cho mọi người nhìn nhận đúng ý nghĩa và sứ mệnh phải làm gì của các ngành.
Tất nhiên tôi không phủ nhận có nhiều chiến sĩ công an hi sinh mình để bảo vệ người dân, nhưng con số đó ít lắm.
Tôi thật buồn khi nghe nhiều gia đình bạn bè tôi mong muốn con mình thi đậu vào trường công an, cảnh sát để cho "oai", cho nhiều tiền. Và tôi cũng chưa nghe ai đó vào ngành an ninh để mong muốn bảo vệ người dân hoặc nếu có thì cũng chỉ là nói cho sướng miệng.
Tôi cũng rất buồn khi nhìn thấy con của một gia đình gần nhà tôi khi hay tin con đậu đại học cảnh sát đã ăn mừng đình đám với vài chục mâm cỗ.
Tôi mong muốn các ngành nhìn nhận đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình mà phục vụ bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết.
Nhà nước nên xem lại sự ưu ái hơi quá này, nên dùng khoản tiền thu được để chi cho các chương trình khác nữa. Hiện nay trên rất nhiều tuyến đường quá nhỏ hẹp, chỉ có một làn đường cho xe lưu thông. Ngay trên Quốc lộ 1A, nhiều lúc mấy mươi chiếc xe phải bò theo đuôi một cái xe tải chạy như rùa vì chở quá tải. Xe tải không nhường đường cho xe sau, nhưng nếu xe nào vượt lên thì lại bị phạt. Tức là rất nhiều trường hợp người vi phạm ở trong tình cảnh "không sai thì không biết làm sao".
Theo tôi, nên dùng tiền đó để sửa chữa đường thì hợp lý hơn.
Chi như vậy là không hợp lý. Công an đã hưởng quá nhiều ưu đãi rồi, lương nhà nước như nhau nhưng khi về hưu hưởng hơn nhiều ngành nghề khác. Ai cũng làm nhiệm vụ nhà nước, sao lại phân biệt đối xử như vậy?
Chuyện này là không thể chấp nhận được, CSGT đã ăn lương của nhà nước thì việc gì phải bồi dưỡng đến 70%? Theo tôi nếu có bồi dưỡng thì nên trích khoảng 5-10%, chứ trích đến 70% không hợp lý chút nào.
Tôi rất bức xúc và nhận thấy quy định này thật nực cười. CSGT sao lại được ưu ái nhiều như vậy? Thử làm bài tính: một chiến sĩ CSGT trong một ngày làm việc sẽ thổi phạt bao nhiêu lần? Mỗi lần phạt bao nhiêu tiền? Đem chia thì mỗi người được bao nhiêu? Chắc mọi người tự đoán được.
Theo tôi, số tiền này nếu đầu tư cho trang thiết bị xử phạt vi phạm giao thông tự động như nước ngoài thì hay biết mấy.
Nếu đem so với giáo viên - những con người hàng ngày chuyên tâm làm việc để đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước thì sao? Phải chi cũng có quy định học phí thu được để lại bồi dưỡng cho giáo viên, còn lương bổng thì trích từ nguồn ngân sách nhà nước thì nhà giáo đâu phải vất vả!
Cũng là cảnh sát, tại sao riêng CSGT lại được trích 70% tiền phạt vi phạm để bồi dưỡng cho họ? Còn các chiến sĩ cảnh sát hình sự ngày đêm bảo vệ an ninh trật tự cho xã hội, thường xuyên phải xa gia đình, rất nhiều người phải hi sinh xương máu thì sao? Tại sao CSGT được trích bồi dưỡng cao như vậy nhưng tệ mãi lộ vẫn phổ biến?
Đường hỏng, tai nạn giao thông nhiều, đạo đức xã hội suy thoái, nguyên nhân sâu xa cũng từ sự suy giảm đạo đức của CSGT.
Theo tôi không trích thưởng gì cả, còn việc tuyên truyền an toàn giao thông lấy từ ngân sách nhà nước, là hoạt động chi thường xuyên. Cần thanh tra, xử lý nghiêm CSGT vi phạm, riêng lực lượng xử lý vi phạm này không nên giao cho Cục CSGT, mà phải thành lập một lực lượng riêng, đặc biệt và đặt dưới quyền chỉ đạo của một đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, để tránh nể nang, bao che, hay bảo vệ nội bộ.
Đúng như đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Thiện nói, những người khác hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác còn nguy hiểm hơn nhiều và sản phẩm của họ còn mang lại nhiều lợi ích hơn, sao họ không được hưởng?
Tôi thấy thật phi lý khi một CSGT hàng tháng đã có lương, phụ cấp khen thưởng, tăng ca, công tác phí hàng tháng mà giờ đây lại đề nghị trích tiền thu phạt để thưởng, như vậy là ngân sách tiền phạt không còn gì hết. Ôi tiền của dân!
Lấy từ nguồn phạt để chia cho CSGT chỉ làm cho CSGT mạnh tay xử phạt người tham gia giao thông nhiều hơn thôi. Tôi từng gặp rồi, qua trạm đèn xanh, đỏ thì đang ở đèn vàng cũng bị phạt!
Phí và lệ phí phải nộp vào ngân sách chứ, sao lại có quyền tự trích để bồi dưỡng cho người thi hành công vụ đã được hưởng lương và các chế độ khác, kể cả khi đã về hưu?
Việc quyết định tăng mức phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội và TP.HCM do Quốc hội thông qua, không biết Quốc hội có biết 3 bộ: GTVT, Công an và Tài chính thực hiện sự việc trên không? Việc này dân chưa hề được biết và thấy thiếu minh bạch, thiếu công minh quá.
Các đồng chí công an đã được hưởng lương do ngân sách nhà nước chi trả, mà đã hưởng lương thì phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc nhận thêm 70% như trên là không hợp lý. Nếu vậy các ngành khác làm thêm hay đi công tác như thanh tra thì cũng trích như vậy sao? Xin bộ trưởng lý giải cho dân và việc chi thu như vậy đúng với chế độ tài chính hay chưa?
Giữ gìn trật tự giao thông là công việc thường ngày của CSGT. Giống như một người làm công, CSGT đã có tiền lương và các loại phụ cấp khác, không có lý do gì lại dùng khoản phạt này để bồi dưỡng cho CSGT. Nếu làm tốt, người làm công có thể được khen thưởng xứng đáng với sự đóng góp của mình thôi chứ. Sao không dành khoản tiền ấy vào việc duy tu đường sá, vào việc giáo dục ý thức của người tham gia giao thông?
Nếu tăng mức lương cho CSGT thì được, còn nếu dùng 70% tiền phạt để bồi dưỡng cho CSGT thì xem ra quyết định này buồn cười lắm!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận