05/04/2010 04:04 GMT+7

Mong đồng tiền không mua được lòng nhân

LÊ NGỌC VI (Q.9, TP.HCM)
LÊ NGỌC VI (Q.9, TP.HCM)

TT - Tôi có cô em họ là bác sĩ. Ba cô ấy (là chú tôi) có một tiệm thuốc tây. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi nhà cô được các hãng dược “chăm sóc” rất kỹ. Từ những món quà thuộc loại “bèo” như thùng nước ngọt, bộ tách trà in logo hãng dược đến những chuyến du lịch ở các resort cao cấp, thậm chí du lịch nước ngoài vào bất cứ lúc nào trong năm.

Dịp lễ tết, chú tôi phải đem bánh, mứt, sôcôla (toàn hiệu xịn)... cho bớt để không bị mốc meo vì ăn không hết. Đồ dùng trong nhà từ máy tập thể dục đến bàn ủi, nồi cơm điện, quạt máy... tất tần tật đều là quà của các hãng dược, chú tôi chia cho gia đình mấy người con cũng không hết.

Bấy nhiêu đủ thấy các hãng dược chịu chi đến cỡ nào dù em tôi chỉ là một bác sĩ bậc trung và tiệm thuốc nhà cô cũng chẳng to tát gì.

Nhiều lần các bác sĩ khám bệnh cho con tôi phải cắt ngang nửa chừng để trả lời điện thoại của các trình dược viên, bởi tôi nghe họ trao đổi về những buổi hội - thảo - kết - hợp - du - lịch theo kiểu hai bên cùng có lợi. Nghe mà ấm ức vô cùng vì biết chi phí cho những khoản “hoa hồng” đó chiếm một phần trong những toa thuốc mà chúng tôi phải trả.

Không ít khi vị bác sĩ xem lại toa thuốc cũ của các bác sĩ cho trước rồi càm ràm “cho thằng nhỏ uống loại (thuốc) này chi không biết”, hoặc “cho liều gì cao dữ vậy” khiến tôi rất hoang mang.

Dần dần tôi không biết nên tin vào bác sĩ nào nữa và dù có đưa con đi khám ở bệnh viện to hay phòng mạch nhỏ tôi cũng không an tâm, vì không biết con mình có được cho uống đúng thuốc, đúng liều không.

Gần đây nhiều người chọn ra nước ngoài chữa bệnh dù rất tốn kém nhưng không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Giới y khoa trong nước cho rằng những người này “sính ngoại”, nhưng tôi nghĩ có lẽ họ đã mất niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ trong nước dù khả năng chuyên môn của nhiều bác sĩ nội không thua kém bác sĩ ngoại, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện cũng được đầu tư hiện đại hơn.

Lòng tin dù khó xây dựng nhưng lại dễ bị lung lay một khi người ta cố tình đạp đổ nó.

Nghề nào cũng vậy, không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà người hành nghề cũng cần có lương tâm, huống gì nghề y vốn đòi hỏi y đức cao độ do việc hành nghề của bác sĩ ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống con người.

Nói không ngoa khi cho rằng bác sĩ có thể được ví như những người cứu nhân độ thế, vì khi tìm đến bác sĩ là người bệnh tin tự mình không thể khỏi bệnh được.

Người ta hay nói “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa” hoặc “nhất y, nhì tin (học), tam kinh (tế), tứ luật” chứng tỏ nghề y luôn đứng đầu về khoản “hái ra tiền” nên ai cũng muốn chọn ngành y để sau này dễ sống. Nhưng nếu chỉ vì đồng tiền mà các bác sĩ làm ngơ trước sự đau khổ của bệnh nhân thì đúng là quá nhẫn tâm.

Những bác sĩ tay đã “trót nhúng chàm” cần bị rút giấy phép hành nghề hay ít ra cũng phạt thật nặng để làm gương.

Rất mong lần này cơ quan chức năng sẽ mạnh tay trừng trị những kẻ đưa - nhận hối lộ trong việc kê toa thuốc cho bệnh nhân để khôi phục niềm tin vào y đức, vào pháp luật của mọi người. Cũng như trả lại uy tín cho những bác sĩ chân chính bị ảnh hưởng bởi những con sâu làm rầu nồi canh, để bệnh nhân không còn khốn khổ khi gặp phải những bác sĩ thất đức kia.

_____________________

Tin bài liên quan:

Giám sát đơn thuốcĐể giảm bớt nhức nhối "hoa hồng"Giá thuốc tăng cao: Chưa phải "hết thuốc chữa"!Ai quản lý giá thuốc?Xử lý nghiêm các bác sĩ nhận hoa hồngĐề nghị cấm bác sĩ nhận hoa hồng của hãng dượcSống bằng hoa hồng

LÊ NGỌC VI (Q.9, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên