Trong mấy chục năm làm bác sĩ, đơn thuốc của tôi chỉ có 2-3 loại thuốc/đơn, tối đa là 3 loại thuốc/đơn. Hiệu quả điều trị của bệnh nhân đều khả quan. Ở phòng khám của chúng tôi, các bác sĩ cũng được đào tạo và yêu cầu như vậy.
Thuốc không phải là vô hại. Càng nhiều thuốc/ đơn, tác dụng phụ của thuốc càng được nhân lên. Những ảnh hưởng này hoặc trực tiếp, hoặc tích tụ phá hủy dần cơ thể người bệnh, ví dụ như ảnh hưởng đến gan, thận... Nhưng ở VN, ngoài tình trạng đơn thuốc có hàng chục loại còn có tình trạng người bệnh tự... kê đơn (ra nhà thuốc kể bệnh rồi mua thuốc hoặc được người bán hàng khuyên mua đủ thứ thuốc). Đây là thói quen rất có hại.
Chuyện “hoa hồng” cho bác sĩ kê toa có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng ở những nước phát triển “hoa hồng” chỉ dừng ở mức vé máy bay, phòng khách sạn cho các chuyến tham dự hội thảo, không bao giờ có tiền mặt. Ngay các công ty thuốc cũng không bao giờ chi tiền mặt cho bác sĩ, bởi họ biết nếu chuyện này vỡ lở họ sẽ “chết” trước. Còn bác sĩ nhận “hoa hồng” là tiền mặt để kê đơn thuốc nếu bị phát hiện có thể bị rút giấy phép hành nghề, bệnh viện mất giấy phép hoạt động hoặc cảnh sát sẽ vào điều tra ngay!
Công nghiệp dược phẩm là công nghiệp siêu lợi nhuận. Vì thế thúc đẩy lượng hàng bán ra là việc các hãng dược phẩm muốn làm. Vấn đề là các lãnh đạo bệnh viện phải quản lý số thuốc trên đơn. Tại sao các bệnh viện không có hệ thống máy tính theo dõi đơn thuốc của các bác sĩ? Nếu làm được việc này, chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên một số đơn thuốc cùng nhóm bệnh để xem việc kê đơn có gì bất thường.
Trong trường hợp một thuốc được kê quá nhiều, thị trường lại có nhiều sản phẩm cùng loại, giá cả hợp lý hơn sẽ thấy ngay tình trạng bất thường, lúc đó sẽ tiến hành kiểm tra. Còn trong trường hợp đơn thuốc kê quá nhiều, quá vô lý thì dễ dàng rồi. Thật ra phần mềm trên máy tính sẽ quản lý điều này một cách đơn giản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận