Chiều 7-5 (theo giờ Việt Nam), lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra tại Điện Kremlin. Đây là lễ nhậm chức tổng thống lần thứ 5 trong sự nghiệp chính trị của ông Putin.
"Chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này và trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta là một quốc gia đoàn kết và vĩ đại. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại, thực hiện mọi thứ đã lên kế hoạch, và cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng" - ông Putin nhấn mạnh tại lễ nhậm chức.
Đưa nước Nga vĩ đại trở lại
Giống như các cường quốc khác trên thế giới, nếu Trung Quốc ôm ấp “giấc mộng Trung Hoa”, Mỹ có khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thì sứ mệnh của Tổng thống Putin từ trước đến nay luôn là khôi phục vị thế siêu cường mà Matxcơva từng có được trong thời Xô viết.
Đây là một phần lý do giải thích tại sao Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, đồng thời khiến quốc gia này nhận phải sự phản đối từ phương Tây. Washington lo ngại những tham vọng của Matxcơva sẽ chấm dứt trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Giới quan sát quốc tế nhận định "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine đã trở thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu và Nga.
Trong cuộc chiến này, giới lãnh đạo Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) toan tính sẽ buộc Nga “thất bại chiến lược”, lâm vào khủng hoảng toàn diện và tan rã. Từ đó, Washington sẽ xóa bỏ được cản trở lớn nhất đối với những nỗ lực duy trì trật tự thế giới đơn cực hình thành sau chiến tranh lạnh.
Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, bởi trật tự này không dân chủ và không sớm thì muộn sẽ phải được thay thế bằng trật tự thế giới đa cực.
Năm 2007, Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố sự sụp đổ của Liên Xô “là thảm kịch lớn nhất của thế kỷ XX”. Từ đó đến nay, tham vọng lớn nhất của Tổng thống Putin là khôi phục sự vĩ đại của nước Nga dưới thời Xô viết dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo tiến sĩ Oleg Chupryna từ khoa xã hội học, Đại học Maynooth, ông Putin không công nhận bản sắc dân tộc của người Ukraine và cho rằng đây là âm mưu của các thế lực thù địch nhằm làm suy yếu và chia rẽ nước Nga.
Dựa trên lập trường trên, Tổng thống Putin có sứ mệnh phải khôi phục “nước Nga vĩ đại” và tập hợp các dân tộc Nga bị chia rẽ, bao gồm Ukraine và Belarus.
Nói cách khác, nguyên nhân sâu xa lý giải cho việc ông Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine xuất phát từ sứ mệnh làm cho nước Nga vĩ đại một lần nữa. Đây là mục tiêu quan trọng nhất thôi thúc tổng thống Nga dùng mọi biện pháp để hiện thực hóa tham vọng này trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Theo đuổi các mục tiêu tại Ukraine
Trước đó, phát biểu ngay sau khi thắng cử vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ dành phần lớn nhiệm kỳ mới để hoàn thành các mục tiêu tại Ukraine, đồng thời làm những gì cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh Nga.
"Trước tiên, Nga cần hoàn thành các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt, củng cố năng lực quốc phòng, tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang. Điều này đang diễn ra với tiến độ tốt và chất lượng hoàn hảo", ông Putin khẳng định.
Ông Putin cho rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và các quốc gia thành viên NATO có thể xảy ra trong những năm tới đây. Vì vậy, người đứng đầu nước Nga sẽ ưu tiên thiết lập một vùng đệm ở Ukraine để bảo vệ lãnh thổ Nga khỏi các cuộc tấn công tầm xa và đột kích xuyên biên giới, theo Hãng tin AP.
Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3, nhưng có vẻ lập trường của ông Putin về "mối nguy Ukraine mang lại cho an ninh Nga" vẫn chưa thay đổi. Đây cũng là lý do để ông tiếp tục theo đuổi “chiến dịch quân sự đặc biệt” đến khi Matxcơva thu được thành quả mong muốn.
Nói với Hãng tin AP, giáo sư Brian Taylor đến từ Đại học Syracuse lập luận: “Cuộc chiến tại Ukraine là mục tiêu hàng đầu trong các dự án chính trị hiện tại của tổng thống Nga, có vẻ như trước mắt điều này sẽ không thay đổi”.
Tiếp tục đối chọi với phương Tây
“Một kịch bản khác có khả năng xảy ra trong nhiệm kỳ tiếp theo, đó là Tổng thống Putin sẽ tiếp nối 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine bằng cuộc tấn công mới tại một quốc gia bất kỳ khác”, ông Stephen Walt - giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Harvard - viết trên tạp chí Foreign Policy.
Tuy nhiên, ông Walt nhận định kịch bản trên có thể sẽ không xảy ra, vì ông Putin không muốn tiếp tục đánh cược vào các cuộc chiến tương tự.
Trong nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống Putin, nước Nga nhiều khả năng vẫn sẽ là lực lượng đối đầu chính với phương Tây. Nhưng thay vì sa vào các cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây, nhà phân tích quân sự Alexey Leonkov khẳng định Matxcơva sẽ chú trọng việc chạy đua công nghệ tối tân với các quốc gia này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận