Hồi kết của 40 năm tiền rẻ

HENRIK MULLER 14/11/2022 05:31 GMT+7

TTCT - Lãi suất tăng, chứng khoán tụt dốc, cú sốc lạm phát, nợ công tăng vọt, một chuỗi dài khủng hoảng đang chực chờ. Chúng ta có chịu đựng nổi không?

Hồi kết của 40 năm tiền rẻ - Ảnh 1.

Ảnh: The Economist

Gần đây Claudio Borio, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), vẫn được mệnh danh "ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương", nói hồi kết có thể đã bắt đầu với nền kinh tế thế giới, sau mấy thập niên hình thành nên hàng loạt vấn đề chồng chất không được giải quyết. 

Borio nói trong một bài thuyết trình tại Viện Cato, Mỹ: "Có thể nói rằng chúng ta đang phải trả giá cho các chính sách kinh tế của 40 năm qua".

Những dự báo u ám

Nay thì những cảnh tượng khủng hoảng đã ở trước mắt, và những người phải hứng chịu tác động mạnh nhất chính là người nghèo.

Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva dự báo: "Các nước làm ra 1/3 sản lượng kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, thậm chí các nền kinh tế đang phát triển cũng sẽ rơi vào tình trạng không khác gì suy thoái vì thu nhập thực tế giảm, trong khi giá cả tăng cao".

Cũng đang chực chờ là cuộc khủng hoảng nợ công quốc tế. Theo IMF, 1/4 các nền kinh tế mới nổi và hơn 60% các nước đang phát triển đã vỡ nợ hoặc đang dần dịch chuyển về phía có nguy cơ cao. Giá thực phẩm tăng, giá nhiên liệu cắt cổ, một phần vì châu Âu đang ra sức gom góp dầu mỏ và khí đốt, và công ăn việc làm thì ngày một khó khăn.

"Mấy năm nay chúng ta đã và đang chịu đựng các cú sốc liên tiếp. Dịch Covid, rồi cuộc xung đột Nga - Ukraine, rồi khủng hoảng khí hậu ở hầu hết các châu lục", bà Georgieva nói. 

Do những đứt gãy địa chính trị, đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng như một tổng thể ngày càng khó khăn. Khác biệt giữa phương Tây và các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Ả Rập ngày càng rõ ràng, không còn nhiều điểm xuất phát chung để từ đó đi tới những thỏa thuận. 

Đây có lẽ cũng là khác biệt lớn nhất hiện giờ so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi cả thế giới nói chung vẫn đồng lòng nhất trí.

Bốn thập niên trở lại đây, lãi suất nói chung được duy trì ở mức thấp trên toàn cầu. Tiền rẻ, vay mượn nhiều, khiến nợ nần gia tăng chưa từng thấy, với cả các quốc gia, công ty và tư nhân. Hiện tổng nợ công đã ở mức gấp 3,5 lần năng suất kinh tế thế giới, theo tính toán của Viện Tài chính quốc tế (IFF). Nợ nần lại càng tăng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Hệ quả của 40 năm ăn xài

Nếu đúng như dự đoán của Borio, điều đó đồng nghĩa chúng ta sắp phải trả lại số tiền vay rẻ và tiêu xài trước 40 năm qua, một khoảng thời gian rất dài. Tất cả các loại tài sản đều đã được định giá nhảy vọt so với quá khứ. 

Bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, các công ty niêm yết, thậm chí các loại rượu vang quý hay bản quyền bài hát của Hãng Sony đều đã tăng giá trên trời. Được thúc đẩy bởi chi phí vay rẻ, tài sản đội giá liên tục đã không ngừng bơm hơi cho cái bong bóng khủng hoảng ngày một phình to.

Lạm phát chính là triệu chứng ngoài da của căn bệnh đã ngấm vào xương cốt đó. Lâu nay giới chính trị và các thị trường vẫn đặt cược vào một nền kinh tế toàn cầu hóa sẽ tạo ra sản lượng gần như vô tận. 

Chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu linh hoạt và lực lượng lao động sẵn có, cơ động, giúp kìm giá cả, vẽ ra viễn cảnh tưởng như không có rủi ro, khi tiền cứ tiếp tục được bơm vào để cho vay và thúc đẩy tiêu dùng.

Nhưng hóa ra sản lượng đấy không phải là vô tận. Khủng hoảng Covid vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc khiến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy nghiêm trọng và kéo dài. Cuộc chiến ở Ukraine đẩy giá năng lượng tăng vọt khắp thế giới. 

Lực lượng lao động cũng không còn tăng trưởng liên tục và linh hoạt như trong giấc mơ toàn cầu hóa nữa. Ở nhiều nước đang diễn ra tình trạng mất việc hàng loạt, bao gồm ngay cả Trung Quốc.

Có thể nói thời kỳ của thiếu thốn đã bắt đầu.

Mặc dù khá trễ, cuối cùng các ngân hàng trung ương đã hành động để "kéo phanh": đồng loạt tăng lãi suất cơ bản, bất chấp nguy cơ về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. 

Bài học của những năm 1970 là các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất ở mức cao hơn lạm phát một thời gian dài để ngăn xu hướng lạm phát tiếp tục tăng. Nhưng tất nhiên, tác động sẽ không như nhau: một nền kinh tế càng mỏng manh thì lãi suất phải tăng càng cao.

Tất cả dự báo một hồi kết còn nhiều đau thương phía trước.■

JULIAN HUESMANN (lược dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận