Fukushima: Khi nước bắt đầu tuôn

TỊNH ANH 20/09/2023 07:39 GMT+7

TTCT - "Đại dương có thể gây chết chóc nhưng cũng có thể mang lại sự sống. Nếu chúng ta không bảo vệ nó thì ai sẽ làm? Tôm cá đâu có tiếng nói"

Nước đã qua xử lý ở cuối hệ thống, xả thẳng ra biển từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh cắt từ video REUTERS

Nước đã qua xử lý ở cuối hệ thống, xả thẳng ra biển từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh cắt từ video REUTERS

Hàng trăm triệu yen doanh thu xuất khẩu và nỗ lực gầy dựng lại nghề cá của Nhật sau thảm họa sóng thần 2011 có thể lại đổ sông đổ biển. Chúng bị cuốn theo đợt xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi tháng rồi.

Ngày 24-8, hơn 10.000 tấn nước đã lọc hầu hết các chất phóng xạ được đổ ra Thái Bình Dương, theo kế hoạch được Chính phủ Nhật thông qua trước đó. Phải mất 17 ngày mới xả hết chỗ nước này, và tận 30 năm để xử lý toàn bộ hơn 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ được lưu trữ ở Fukushima Daiichi, sau thảm họa sóng thần tháng 3-2011.

Kế hoạch của Nhật gây tranh cãi và phản ứng từ nhiều nước trong khu vực, mặc dù cả chính phủ lẫn Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy - đều khẳng định nước đã qua xử lý đáp ứng nồng độ phóng xạ cho phép hợp pháp, và được pha loãng thêm hàng trăm lần với nước biển trước khi xả ra biển. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng đã kết luận tác động của việc này đối với môi trường, sinh vật biển và con người sẽ không đáng kể.

Tại một phòng thí nghiệm ở tỉnh Miyagi, phía bắc Fukushima, nhà nghiên cứu Akira Matsumoto lóc thịt một con cá, cắt vụn, rồi xếp từng mẩu vào một cái ống, trước khi đưa nó vào thiết bị chuyên dụng để đo nồng độ phóng xạ. Từ hôm xả nước, "xét nghiệm và công khai kết quả đàng hoàng để giúp mọi người yên tâm" là việc Matsumoto và đồng nghiệp phải làm mỗi ngày, anh nói trong video Reuters đăng ngày 6-9.

Các nhà nghiên cứu thu thập cá mỗi ngày từ Fukushima và xét nghiệm để tìm tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro. Kết quả được công bố trên trang web của cơ quan thủy sản Nhật Bản. Cho đến nay, chưa có mẫu cá nào được báo cáo là có tritium ở mức phát hiện được.

Akira Matsumoto chuẩn bị đưa cá vào máy kiểm tra phóng xạ. Ảnh cắt từ video REUTERS

Akira Matsumoto chuẩn bị đưa cá vào máy kiểm tra phóng xạ. Ảnh cắt từ video REUTERS

Trong khi các nhà khoa học xét nghiệm cá mỗi ngày, các quan chức chứng minh hải sải Fukushima an toàn bằng cách công khai ăn chúng. 

Cuối tháng 8, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cùng một số bộ trưởng ăn sashimi cá bơn, bạch tuộc và cá chẽm được đánh bắt ngoài khơi Fukushima, cùng với gạo thu hoạch trong tỉnh. Thủ tướng Kishida đánh giá số hải sản ông vừa ăn là "an toàn và ngon miệng". 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cũng đến Fukushima và ăn cá. Sang tháng 9, đến lượt nhân viên Đại sứ quán Úc tại Nhật Bản hưởng ứng phong trào ăn cá đánh bắt ngoài khơi Fukushima.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nếm thử hải sản đánh bắt ngoài khơi Fukushima trong chuyến thị sát chợ Toyosu ngày 31-8-2023. Ảnh: AFP

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nếm thử hải sản đánh bắt ngoài khơi Fukushima trong chuyến thị sát chợ Toyosu ngày 31-8-2023. Ảnh: AFP

Nhật đang làm mọi cách để dân trong nước và các nước láng giềng thấy việc xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển không làm ảnh hưởng chất lượng hải sản. Vấn đề này càng cấp thiết hơn khi ngành cá Nhật điêu đứng vì Trung Quốc cấm nhập cá từ Nhật. 

Trung Quốc vốn đã cấm nhập khẩu thủy sản từ 10 tỉnh của Nhật, bao gồm cả Fukushima, nhưng đã mở rộng biện pháp này thành lệnh cấm vận hoàn toàn sau khi TEPCO bắt đầu xả nước.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu thủy sản với kim ngạch 87,1 tỉ yen (600 triệu USD) vào năm ngoái; các sản phẩm phổ biến nhất là sò điệp, cá ngừ, nhím biển, cá hồng và hải sâm. 

Lệnh cấm từ Trung Quốc khiến giá cá trong nước giảm ngay vào ngày 25-8; tình hình căng đến mức một công ty ở Hokkaido chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong có kế hoạch đóng cửa và sa thải 20 nhân viên, theo Bloomberg.

Thông báo ngưng nhập cá từ Nhật tại một cửa hàng ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Thông báo ngưng nhập cá từ Nhật tại một cửa hàng ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Gen Komori, chủ tịch Công ty thủy sản Housen (Tokyo), cho biết khi xuất khẩu sang Trung Quốc bị đứt, công ty phải hướng sang châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á. Đại diện của Hashiguchi Suisan, công ty nuôi và chế biến cá ngừ ở tỉnh Nagasaki, cho biết 1/10 sản lượng của hãng là xuất sang Trung Quốc, vì thế lệnh cấm từ thị trường này sẽ khiến doanh số bán hàng bị giảm hàng trăm triệu yen. Ông hy vọng Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét chính sách bồi thường cho ngư dân về việc vận hành và các chi phí khác liên quan đến việc "ôm" cá vì không xuất được.

Kazuma Kishikawa, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa, cho biết một nửa xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản là sang Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong. Việc mất 50% doanh số bán hàng ra nước ngoài sẽ là một "đòn đáng kể" cho ngư dân, nhất là khi họ đã không ngừng cố gắng khôi phục chuyện làm ăn suốt 10 năm qua, những mong có thể quay về mức trước thảm họa.

"Tôi đến đây ba lần một tuần và dự định sẽ tiếp tục câu ở đây" - một người câu cá tên Morimoto nói với The Guardian, khi đang buông cần tại một cảng cá ở Shinchi-machi, một thị trấn ven biển ở Fukushima. Morimoto nói anh ăn mọi loại cá câu được, nhưng sẽ thận trọng với những loài kiếm ăn ở tầng đáy. 

"Tôi câu cá để giải trí, nhưng tôi cảm thấy tiếc cho những người phụ thuộc vào nó để kiếm sống" - anh nói, hất đầu về hướng nhà máy Fukushima Daiichi, cách đó gần 50km về phía nam.

Thuyền đánh cá neo đậu tại cảng cá ở Soma, cách nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi 45km, ngày 31-8-2023. Ảnh: REUTERS

Thuyền đánh cá neo đậu tại cảng cá ở Soma, cách nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi 45km, ngày 31-8-2023. Ảnh: REUTERS

Trên bãi biển Odohama gần đó, Takayuki Endo bất chấp cái nắng đầu chiều gay gắt, thả dây câu ra Thái Bình Dương với hy vọng bắt được một con cá bơn để mang về nhà ăn tối. "Hôm nay họ mới bắt đầu xả nước nên có lẽ cá của tôi chưa bị ảnh hưởng gì" - cần thủ 48 tuổi đùa. 

Endo đã ngừng câu cá ngoài khơi Fukushima vài năm sau cuộc khủng hoảng hạt nhân, và chỉ quay trở lại địa điểm yêu thích của mình trên bãi biển này ba năm trước. Dù chấp nhận những lời giải thích khoa học về lý do tại sao tritium trong nước đã xử lý và xả ra biển không gây rủi ro cho sức khỏe, Endo vẫn linh cảm những gì TEPCO và chính phủ đang làm là không đúng. Dẫu vậy, ông thấy không có lý do gì để ngừng ăn hải sản địa phương.

Dân câu cá cho vui có thể không lo sợ, nhưng đúng như Morimoto nói, những người phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở Fukushima để kiếm sống không thể cười nổi. "Tôi nghe mọi người nói rằng họ sẽ không mua hải sản từ Fukushima nữa. Và nếu mọi người ngừng mua cá từ Fukushima, tôi sẽ mất việc" - Haruko, một người buôn cá, nói với The Guardian.

Các bể chứa nước nhiễm xạ đã qua xử lý ở nhà máy Fukushima Daiichi. Ảnh: Al Jazeera

Các bể chứa nước nhiễm xạ đã qua xử lý ở nhà máy Fukushima Daiichi. Ảnh: Al Jazeera

Ngày 4-9, Thủ tướng Kishida công bố quỹ khẩn cấp trị giá 20,7 tỉ yen để giúp các nhà xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc. Số này sẽ bổ sung gói hỗ trợ 80 tỉ yen mà chính phủ đã tuyên bố trước đó. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới 100,7 tỉ yen (688 triệu USD) "phản ánh quyết tâm bảo vệ" của chính phủ đối với các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân, ông Kishida nói.

Thông báo tăng cường viện trợ được đưa ra ngay trước khi hơn 100 ngư dân và người dân địa phương sống gần Fukushima đệ đơn kiện chính phủ và TEPCO ra tòa và yêu cầu ngăn chặn việc xả thải. Trong đơn kiện gửi lên tòa án tỉnh, 151 nguyên đơn - 2/3 đến từ Fukushima, phần còn lại từ Tokyo và 4 tỉnh khác - cho rằng việc xả chất thải tổn hại đến sinh kế của cộng đồng ngư dân và vi phạm quyền sống hòa bình của người dân, AP ngày 8-9 dẫn lời luật sư của các ngư dân.

Theo AFP, gói hỗ trợ 100 tỉ yen sẽ được dùng để tìm thị trường mới cho hải sản Nhật Bản nhằm thay thế Trung Quốc; chính phủ cũng dùng tiền để mua hải sản từ ngư dân và tạm trữ. Điều chính phủ chưa làm, theo ngư dân và dân địa phương, là thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm đánh bắt ở Fukushima là an toàn. Các ngư dân muốn yên tâm ra khơi vì đầu ra ổn định, thay vì phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính.

Haruo Ono rửa cá vừa đánh bắt trước khi mang bán tại cảng cá Tsurishihama ở Shinchi-machi. Ảnh: REUTERS

Haruo Ono rửa cá vừa đánh bắt trước khi mang bán tại cảng cá Tsurishihama ở Shinchi-machi. Ảnh: REUTERS

"Chính phủ lẽ ra phải làm nhiều hơn nữa để nói cho thế giới biết về độ an toàn của nguồn nước (ở nhà máy) trước khi xả ra biển. Ngay cả ở Nhật Bản cũng có người sợ hãi. Tôi thì vẫn luôn tự hào về cá Nhật Bản. Cá của chúng tôi là ngon nhất" - Yoshinobu Yoshihashi, một nhà buôn hải sản ở Tokyo, nói.

"Chúng tôi muốn quay lại những ngày trước thảm họa càng nhanh càng tốt và đây là bước đầu tiên" - Noriaki Haga, một quan chức ngành thủy sản địa phương, nói khi xét nghiệm phóng xạ một mẻ bạch tuộc đánh bắt ngoài khơi Fukushima. Đây là tháng 8-2012, Nhật Bản vừa bắt đầu thí điểm cho ngư dân đánh bắt lại.

"Nếu chỉ có sóng thần chứ không có tai nạn hạt nhân thì giờ đây chúng tôi đã phục hồi được xa hơn nhiều. Phóng xạ là kẻ thù vô hình. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là xét nghiệm và xét nghiệm lại, và cố gắng trấn an mọi người. Nhưng ngay khi họ nghe thấy từ Fukushima…" - Noriaki bỏ lửng câu nói.

Ông Haruo Ono gỡ lưới sau khi trở về sau một đêm đánh bắt, tại cảng cá Tsurishihama ở Shinchimachi (Fukushima, Nhật Bản), ngày 1 tháng 3 năm 2023. Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Ông Haruo Ono gỡ lưới sau khi trở về sau một đêm đánh bắt, tại cảng cá Tsurishihama ở Shinchimachi (Fukushima, Nhật Bản), ngày 1 tháng 3 năm 2023. Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon

"Tua" nhanh 10 năm từ thời điểm đó, ngư dân Nhật Bản đã gượng dậy và phần nào cải thiện tình hình, nhưng những nỗ lực đó giờ đây có thể bị đảo ngược hoàn toàn. Haruo Ono, một ngư dân ở Shinchi-machi, nói các hợp tác xã đánh bắt cá trên khắp Fukushima đều nhất trí rằng việc xả nước đã xử lý từ nhà máy điện hạt nhân vào đại dương sẽ làm suy yếu nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp đánh cá của chính họ trong hơn một thập kỷ qua.

Năm nay 71 tuổi, Ono có gần 60 năm kinh nghiệm đánh cá ngoài khơi Fukushima. Trong vài năm qua, hầu như bài báo nào về phản đối chuyện xả nước nhiễm xạ cũng phỏng vấn Ono. 

Câu mà ông thường nói nhất là "ngư dân luôn cảm thấy đó là đại dương của họ, nhưng không phải của họ". Ngư dân - những người bao đời sống bên đại dương - dường như bị gạt khỏi các quyết định. 

"Chính phủ đã không lắng nghe cộng đồng ngư dân trong việc quyết định cách giải quyết vấn đề [nước nhiễm xạ]. Họ đã bỏ rơi người dân Fukushima để bảo vệ TEPCO" - ông cáo buộc.

Đại dương mà ông Ono đang cố gắng bảo vệ cũng chính là đại dương đã cướp đi sinh mạng của em trai ông, trong trận sóng thần hơn mười năm trước. "Đại dương có thể gây chết chóc nhưng cũng có thể mang lại sự sống. Nếu chúng ta không bảo vệ nó thì ai sẽ làm? Tôm cá đâu có tiếng nói" - ông nói với Tổ chức Greenpeace.

Ono kết thúc bài phỏng vấn tháng 12-2021 bằng lời khẩn thiết: "Tôi cầu xin, ai đó, hãy lắng nghe chúng tôi". Và tới tháng 8-2023, Ono biết không ai nghe những lời thống thiết đó.

Một năm trước thảm họa năm 2011, dữ liệu của chính phủ cho thấy ngành đánh cá xa bờ của Fukushima đạt sản lượng trị giá khoảng 69 triệu USD. Đến năm 2018, giảm xuống chỉ còn hơn 17 triệu USD. Đến năm 2022, mặc dù đã phục hồi phần nào, sản lượng đạt khoảng 26 triệu USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với trước thảm họa. (CNN)
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận