Người dân phải cam kết rào chắn khu vực ao, hồ tự đào trong vườn nhà để phòng chống đuối nước trẻ em.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra nhiều vụ đuối nước tại một số địa phương như Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng...
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước đã được ban hành.
UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác này, không để xảy ra các trường hợp đuối nước ở trẻ em trên địa bàn như thời gian vừa qua; có biện pháp hướng dẫn, tăng cường kiểm tra việc cắm biển báo nguy hiểm, cấm bơi lội ở các khu vực sông, suối, ao, hồ có nguy cơ đuối nước.
Các địa phương yêu cầu người dân cam kết rào chắn khu vực ao, hồ tự đào trong khu vực vườn, trại nhằm tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không đưa trẻ theo khi đi làm tại các khu vực có ao, hồ, sông, suối hoặc có các biện pháp theo dõi, kiểm tra chặt chẽ trẻ em…
Lâm Đồng là một trong những địa phương xảy ra tình trạng trẻ em đuối nước tăng cao trong kỳ nghỉ hè.
Nguyên nhân do điều kiện canh tác, nhiều gia đình phải tự đào ao, hồ trong vườn, trại để dự trữ nước tưới cà phê, trà và các loại cây trồng. Đặc điểm các hồ tự đào này thường lót bạt chống thấm từ đáy qua xung quanh bờ, rất trơn nên khi rơi xuống khó tự trèo lên.
Từ ngày 20-5 đến 14-6-2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 5 trẻ tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận