Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết tần suất sinh hoạt tình dục là chỉ số lần giao hợp trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một vấn đề rất phức tạp và tồn tại nhiều quan điểm khác nhau giữa các nhà tình dục học.
Chỉ số này phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, trình độ nhận thức, nghề nghiệp, niềm tin tôn giáo, điều kiện khí hậu, truyền thống và đặc tính văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia... Và đặc biệt là sự lựa chọn của các cặp bạn tình.
Có những đôi vợ chồng mới cưới một đêm sinh hoạt mấy lần cũng không bị coi là nhiều, miễn sao sau cái đêm "mây mưa" đó cả hai người đều cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh, không có các hiện tượng như lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, tinh thần uể oải...
Nhiều người cho rằng tần suất quan hệ tình dục của các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh sản có thể dao động từ 0 đến 15 - 20 lần/tuần, bình quân mỗi ngày 1 lần được coi là tần suất cao, mỗi tháng 1 lần được coi là thấp và tần suất giao hợp tỉ lệ thuận với tuổi, tuổi càng cao thì trị số càng thấp.
Một nghiên cứu khá thú vị trên 100 đàn ông ở Mỹ trong độ tuổi từ 35 - 50 cho thấy: đa số người được hỏi nói rằng họ giao hợp từ 1 - 4 lần/tuần, 1/3 giao hợp 1 tuần 1 lần và chỉ có 4% khẳng định họ giao hợp quá 1 tuần 1 lần.
Một nghiên cứu thăm dò khác ở Mỹ trong những năm 1950 do Kinsey tiến hành cho thấy tần suất sinh hoạt tình dục ở những cặp vợ chồng có độ tuổi từ 20 - 30 là 3 lần/tuần, từ 31 - 40 tuổi là 2 lần/tuần, từ 41 - 50 tuổi là 1 - 2 lần/tuần và từ 51 - 55 tuổi là 1 lần/tuần.
Năm 1974, Hite (Mỹ) nhận xét tần suất giao hợp của người Mỹ tăng dần theo mốc thời gian, nếu như những năm 1940 các cặp vợ chồng sinh hoạt trung bình mỗi tuần là 2 - 3 lần thì đến những năm 1970 trị số này là 3 - 4 lần.
Trong thập niên 1990, những cặp vợ chồng có độ tuổi từ 20 - 40 nếu lao động thể lực thì tần suất giao hợp là 3,7 lần/tuần, nếu lao động trí óc thì trị số này là 2,8 lần/tuần.
Ở phương Đông xưa, quan điểm của cổ nhân về vấn đề này cũng được ghi chép khá nhiều trong các sách như Tố nữ kinh, Ngọc phòng bí quyết, Thiên kim phương, Ngự nữ chi pháp, Tố nữ chi pháp, Dưỡng danh huấn...
Ví dụ sách Tố nữ kinh đã viết: "Người ta thân thể cường nhược khác nhau, niên tuế cũng trẻ già khác nhau cho nên phải tùy theo khí lực của mình mà giao hợp, không được cưỡng quyết, cưỡng quyết tất tổn hại đến thân".
Và cũng đã chỉ rõ: ở tuổi 15 mà khí lực dồi dào mỗi ngày giao hợp và có thể xuất tinh hai lần, ốm yếu thì mỗi ngày một lần; ở tuổi 20 cũng vậy, không nên nhiều hơn, nghĩa là mạnh mẽ thì một ngày hai lần, không khỏe thì mỗi ngày một lần.
Ở tuổi 30 mà khỏe mỗi ngày một lần, người ốm yếu thì hai ngày một lần; ở tuổi 40 mà khỏe mạnh thì ba ngày một lần, ốm yếu thì bốn ngày một lần;
Ở tuổi 50 mà khỏe mạnh thì năm ngày một lần, ốm yếu thì mười ngày một lần; Ở tuổi 60 mà khỏe mạnh thì cỡ mười ngày một lần, ốm yếu thì hai mươi ngày một lần; Ở tuổi 70 mà khỏe mạnh thì mỗi tháng một lần, ốm yếu thì nên kiêng cữ không nên xuất tinh.
Sách Ngọc phòng bí quyết thì cho rằng: người ở tuổi 20 thường hai ngày giao hợp một lần, người ở tuổi 30 thường ba ngày giao hợp một lần, người ở tuổi 40 thường bốn ngày giao hợp một lần, người ở tuổi 50 thường năm ngày giao hợp một lần, người ở tuổi 60 thì không bao giờ nên xuất tinh.
Có thể thấy tần suất sinh hoạt tình dục của người thời xưa thấp hơn nhiều so với người thời nay. Một số ý kiến cho rằng người xưa giải quyết vấn đề theo nguyên lý âm dương, tất cả do âm dương bảo tồn sinh khí (xúc nhi bất tiết), từ đó mà tần suất giao hợp thấp.
Người thời nay giải quyết vấn đề theo nguyên lý thực tế, vả lại người thời nay cường tráng và ít bệnh tật hơn người thời xưa nên tần suất giao hợp nhiều hơn; một bên thiên về "thể" (cái bản thể, căn cơ của giao hợp), một bên thiên về "nhục" (cái thực tế, ước muốn của vấn đề giao hợp) cho nên có sự khác biệt.
Trong y thư kinh điển Hoàng đế nội kinh có một đoạn bàn về vấn đề này rất nên suy ngẫm: "Người thời thượng cổ họ đều biết rõ phép tắc dưỡng sinh, thể theo quy luật âm dương, điều hòa với thuật số, ăn uống có điều độ, làm lụng và nghỉ ngơi có chừng mực, không lao lực một cách bừa bãi, cho nên thể xác và tinh thần đều khỏe mạnh, sống mãi đến lúc trời cho trăm tuổi mới chết.
Còn người ngày nay thì sống không theo kiểu ấy, ham uống rượu như uống nước, sau khi say rượu lại "nhập phòng", phóng túng về sắc dục, làm kiệt hết tinh khí, hao tổn chân nguyên, không biết giữ gìn tinh khí cho nghiêm túc...".
Theo bác sĩ Toàn, sử dụng tinh lực quá mức chỉ cốt thỏa lòng một lúc, làm trái ngược với sự vui thú của lẽ dưỡng sinh sẽ dẫn đến nguy cơ mau thấy già yếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận