04/11/2021 09:52 GMT+7

Xe công cộng, ai đi?

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - 500 xe đạp tại TP.HCM đã sẵn sàng cho việc thí điểm xe đạp công cộng vào tháng này. Cùng với đề xuất thu phí xe cá nhân vào trung tâm, đây là một thông tin tích cực cho bộ mặt giao thông đô thị.

Xe công cộng, ai đi? - Ảnh 1.

500 xe đạp công cộng vừa nhập về tới TP.HCM, dự kiến phục vụ người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ai sẽ tiên phong thay đổi thói quen, chọn buýt và xe đạp hằng ngày khi ra vào trung tâm thành phố?

Chiếc xe máy như trở thành vật bất ly thân của người Việt dù ở thành phố lớn hay nông thôn, dù xa vài cây số hay gần chỉ có vài chục mét vẫn muốn leo lên đề xe nổ rồi phóng cái vèo. 

Tôi thường bị họ hàng, bạn bè cười cợt hay nhìn khó hiểu với cái thói quen đi bộ nếu đi gần vài trăm mét hay đi xe đạp nếu khoảng 5 - 6km. 

Họ cho rằng chỉ có người thừa thời gian mới ưa đủng đỉnh vậy thôi. Tôi lại thấy hầu hết mọi người chỉ ngại tiêu hao năng lượng, sợ đổ mồ hôi đi bộ chứ có mấy ai vội khi có thể ngồi đồng ở quán từ vài chục phút cho tới vài tiếng đâu!

Thói quen kết hợp làm nhiều việc một lúc hay tiện đường đi làm thì ghé qua chỗ này chỗ kia khiến người Việt phản đối chuyện đi phương tiện công cộng. Chúng ta sống lâu với sự tự do trên chiếc xe máy nên ngại ngần thay đổi. 

Nhưng nếu ai cũng muốn tự do rồi lại yêu sách, than phiền kẹt xe thì không ổn chút nào! Không thay đổi, không chấp nhận hy sinh hôm nay thì bao giờ có được trật tự chung hài hòa, bền vững hơn?

Xe buýt nội thành, xe đạp chia sẻ, về sau còn có hệ thống metro thì việc đi bộ từ điểm này sang điểm kia sẽ ngắn lại. Không ai vô can trước nạn ô nhiễm bụi mịn, kẹt xe hằng ngày bởi đó là hậu quả của sự lựa chọn của đông người, ai cũng lấy yếu tố phục vụ chính mình làm hàng đầu. 

Chẳng phải riêng ở châu Âu hay Anh, trong tương lai, toàn cầu sẽ phải đối diện với tình trạng khủng hoảng khí đốt. 

Giá xăng rồi sẽ tiếp tục tăng, túi tiền của mỗi gia đình lại càng teo đi, xe máy ngốn bao nhiêu nhiên liệu và nhả bao nhiêu khí độc hại hằng ngày? Và bạn tiếp tục chấp nhận sống chung khói bụi và kẹt xe đến bao năm nữa?

Hiện thực hóa ước mơ một môi trường sống trong lành, tiện lợi, văn minh sạch đẹp không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là ở lựa chọn của mỗi công dân. 

Đừng dồn gánh nặng ấy lên vai các nhà quy hoạch, điều hành khi mà chính mỗi người chúng ta chẳng chịu thay đổi thói quen sống, chẳng chịu bớt cái riêng để tạo nên cái chung. Môi trường sống này là của chúng ta và trách nhiệm đó thuộc về tất cả.

Xe buýt, buýt sông sôi nổi trở lại ở TP.HCM

Hiện nay, toàn TP.HCM có 20 tuyến xe buýt đã khôi phục hoạt động phục vụ người dân đi lại. Các đơn vị đã nỗ lực đánh giá tình hình dịch bệnh, nhu cầu đi xe buýt để sớm đưa giao thông công cộng phủ sóng trở lại.

Trước đó, ngày 5-10, bốn tuyến xe buýt ở địa bàn huyện "vùng xanh" Cần Giờ chạy lại. Đến 25-10, thêm 8 tuyến phục vụ công nhân, người lao động ở các trục chính như 14, 141, 79... kết nối vào bến xe, khu công nghiệp.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàn - phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP - cho biết đã nghiên cứu, khảo sát và dự kiến mở hết hầu hết các tuyến xe buýt có trợ giá sau ngày 15-11.

Việc mở lại xe buýt phải từng bước để đảm bảo hiệu quả, an toàn phòng chống COVID-19. Với các tuyến không trợ giá đi tỉnh liền kề, cần thống nhất phương án hoạt động với tỉnh lân cận trước khi có quyết định khôi phục.

Trong khi đó, tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) chính thức vận hành lại từ ngày 16-10 đang nhận được sự hưởng ứng lớn từ phía người dân. Mỗi ngày, hàng trăm người háo hức đi buýt sông như một hình thức tham quan, du lịch nội đô. Theo chủ đầu tư tuyến buýt này, trung bình mỗi ngày tuyến phục vụ 282 khách.

Đây là một tín hiệu tốt. Tới đây, đơn vị này hoàn thiện các bãi giữ xe ở các trạm dừng của tuyến để tạo thuận lợi hơn cho hành khách. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đang cố gắng xúc tiến thủ tục cho tuyến buýt sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm).

Riêng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành cơ bản nhưng do ảnh hưởng thời gian dài dịch COVID-19 nên dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 (thay vì kế hoạch khai thác vào cuối năm 2021).

THU DUNG

Bạn có dám bỏ thói quen "một bước lên xe"?

Bạn có dám thay đổi thói quen một bước lên xe để thích nghi với xe công nghệ? Tôi tự hỏi chính mình điều này khi tôi không có chiếc xe máy nào, đi lại ở TP.HCM phải lệ thuộc vào em trai hoặc xe công nghệ.

Vì sao chính tôi, khi đi nước ngoài, đã không ngại ngần leo lên lội xuống bao chuyến xe buýt, chịu khó đổi không biết bao làn tàu điện ngầm rồi đi bộ mỗi ngày hơn 10km, nhưng khi sống ở Việt Nam thì điều này trở thành một thử thách? Ngẫm lại tôi thấy có những điều như sau:

Thứ nhất, phương tiện giao thông công cộng ở xứ người là cách thức đi lại rẻ nhất, tiện lợi nhất. Chỉ có người rủng rỉnh tiền bạc và có việc gấp mới dám leo lên taxi hay chạy xe cá nhân.

Thứ hai, thói quen đi lại bằng xe buýt, tàu điện ngầm, xe đạp, tàu điện... được xây dựng từ nhỏ, những đứa trẻ tiểu học đã được tập làm quen với việc đi cùng bạn trên xe đưa rước.

Thứ ba là sự đúng giờ và nhiều chuyến có vé tháng, thẻ từ đi lại để quẹt mỗi ngày.

Thứ tư, đi bộ là thói quen vận động; người dân chẳng phiền gì nếu phải đi từ vài trăm mét đến một vài cây số trong ngày, coi như tranh thủ tập thể dục không tốn phí. Họ coi đó như một sự tập luyện hay một trong những việc thông thường trong nhịp sống hằng ngày.

Đừng nghĩ họ đi làm chỉ có xúng xính quần là áo lượt với một cái cặp hay túi xách nhẹ tênh. Họ thậm chí có thói quen mang cơm hộp đi làm, hay ít nhất mang đồ dùng cá nhân đi làm mỗi ngày để sử dụng tại sở làm, vẫn đi bộ và leo lên lội xuống xe buýt, tàu điện ngầm rất thoải mái.

Có chăng họ không phải gánh trách nhiệm đưa rước con cái mỗi ngày. Việc này khi trẻ còn nhỏ thì có nhà trường đảm trách, lớn hơn thì con cái đã phải tự thân vận động bằng cách sử dụng phương tiện công cộng.

xebuyt

Xe buýt số 14 (bến xe Miền Đông - bến xe Miền Tây) hoạt động trở lại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tôi đã nghe người Việt nói rất nhiều về sự bất tiện khi di chuyển trong những ngày nắng oi bức hay đi dưới mưa. Nước ngoài thì sao?

Họ cũng có mùa đông giá rét mưa bão, chưa kể còn khắc nghiệt hơn so với dân Sài Gòn. Nó đơn giản là thói quen đi lại, là nếp sống được xây dựng trong một xã hội chú trọng về tính hệ thống trong quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy chuẩn về giờ giấc.

Kẹt xe trên đường chỉ có ôtô, chứ làn đường dành cho phương tiện công cộng như xe buýt thường vào ra dễ dàng, đúng giờ, đỗ đón đúng chỗ.

Trên đây là ý kiến của tôi về tương lai phát triển phương tiện công cộng tại Việt Nam và gần trước mắt là chuyện TP.HCM sẽ làm.

Thử thách lớn nhất với tôi khi đi bộ trên đường xứ mình là sự an toàn khi vỉa hè bị chiếm dụng, đường sá hiện tại chưa thuận tiện cho người đi bộ. Mong điều này sẽ được cải thiện nhanh hơn khi người đi bộ và đi xe đạp cùng lên tiếng.

Cần thêm nhiều loại hình xe công cộng

Tôi ở quận ven, đi làm ở trung tâm quận 1 (TP.HCM). Trước đây đã có thời gian vợ tôi cất hẳn xe máy ở nhà, đi làm hoàn toàn bằng xe đưa rước theo tuyến. Các xe này đón khách từ các quận ven, đưa vào trung tâm thành phố.

Xe dừng đón theo trạm, đặt vé qua app, luôn đúng hẹn. Xe 16 chỗ, lịch sự, tiện nghi, chúng tôi lên xe vẫn có thể mở máy làm việc khi cần, không khổ vì khói bụi ồn ào, đỡ stress.

Chi phí bao nhiêu? Vài chục ngàn mỗi lượt đi về, tính ra cũng không hơn là bao so với tiền xăng đi xe máy nhưng đổi lại được sự an toàn tiện lợi, không lo nắng mưa. Đến trạm đi bộ vài trăm hoặc quá lắm 1.000 bước chân là đến công sở.

Nhiều bạn bè dân công sở chúng tôi thích đi xe này do chi phí rẻ hơn so với ôtô công nghệ và cảm thấy vui vì mình góp phần giảm kẹt xe và khói bụi nội thành.

Nhưng nay các xe dạng này đang gặp khó với nhiều lý do, không phải do dịch bệnh mà là vướng các quy định về hoạt động của các loại xe kiểu này.

Hạn chế xe vào trung tâm, buýt chưa thể phủ sóng nhanh ra các quận huyện là khó khăn lớn cho chúng tôi. Mong thành phố và ngành giao thông vận tải có giải pháp tháo gỡ để có thêm nhiều loại xe dịch vụ đưa rước người lao động vào trung tâm thành phố để chúng tôi yên tâm cất xe máy và đi xe công cộng.

MINH ĐỨC

DƯ VĂN

Thăm dò ý kiến

Dự kiến áp dụng thu phí ô tô cá nhân vào nội đô TP.HCM và Hà Nội trong tương lai gần, theo bạn?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Hạn chế xe cá nhân: Bàn nhiều rồi, làm thôi! Hạn chế xe cá nhân: Bàn nhiều rồi, làm thôi!

TTO - Nhưng ai làm? Nhà nước và nhân dân cùng làm. Không ai là người ngoài cuộc.

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên