15/12/2015 11:16 GMT+7

Vườn Tao Đàn - nơi ra đời sân banh đầu tiên của Sài Gòn

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - Đến đầu thế kỷ 20, người Việt mới tiếp cận thật sự với môn đá banh. Nhưng từ năm 1890, khoảng đất trống ở vườn Tao Đàn đã trở thành sân banh đầu tiên của Sài Gòn.

Hội Kỵ mã nằm ngay góc đường Nguyễn Du - Cách mạng Tháng Tám (sân khấu Trống Đồng hiện nay)
Hội Kỵ mã nằm ngay góc đường Nguyễn Du - Cách Mạng Tháng Tám (sân khấu Trống Đồng hiện nay)

Có lẽ công trình được xây dựng đầu tiên ở vườn Tao Đàn chính là sân banh Tao Đàn. Khoảng năm 1890, đã có các trận đá banh giao hữu giữa các đội của quân đội Pháp và các tàu hàng hoặc tàu chiến của Pháp, Anh… và các nước Tây Âu tới Sài Gòn.

Những công trình quanh vườn Tao Đàn

Và khoảng đất trống ở vườn Tao Đàn đã trở thành sân banh đầu tiên của Sài Gòn. Thuở ấy, hầu hết cầu thủ đều là người nước ngoài, còn dân ta chỉ làm khán giả ngồi coi và cổ vũ thôi.

Đến đầu thế kỷ 20, người Việt mới tiếp cận thật sự môn đá banh và năm 1907 mới có đội (xưa gọi là Hội banh) banh đầu tiên ra đời.

Đó là đội Ngôi Sao Xanh và Gia Định Sports. Về sau hai đội này đã hợp nhất lại thành đội Ngôi Sao Gia Định nổi tiếng một thời.

Năm 1896, tại vườn Tao Đàn còn có một cuộc đua "xe máy" đáng kể. Gia Định Báo số ra ngày 8-12-1896 thông báo “Thành phố Saigon chúa nhựt ngày 13 décembre 1896 cuộc đua xe máy tại vườn ông Thượng. Lời rao: Trong cuộc đua xe máy tại vườn ông Thượng là ngày 13 décembre 1896 và cũng dùng người Annam đua xe máy thì phân làm ba hạng. Hạng nhứt 8$. Hạng 2e 4$. Hạng 3e 2$. Những người Annam ai muốn đua sẽ tới trước ngày thứ năm mồng 10 décembre, đến nhà ông Bonade và công ty số 7,9 đường d’Ormay và nhà ông Migot, số 38 boulevard Charner, đặng viết tên vào sổ cho biết người nào muốn đua. Ai muốn đua phải tựu tại nhà ông ấy người sẽ dạy mấy cách đua cho mà biết. Ông làm đầu hội đua xe máy. Bonade”.

“Xe máy” thời kỳ này thật ra chính là xe đạp hiện nay. Xe đạp được phát minh vào năm 1790 và sau rất nhiều cải tiến của nhiều người thì hoàn chỉnh như ngày nay vào thập niên 1890.

Đến năm 1896, xe đạp nhập vô Sài Gòn không bao nhiêu, có lẽ không có nhiều xe đạp ở Sài Gòn cũng như lục tỉnh.

Vì vậy, có thể đây là cuộc đua xe đạp đầu tiên của nước ta. Rất tiếc báo không tường thuật lại nên chúng ta không rõ cuộc đua này diễn ra như thế nào và có những ai tham gia, ai thắng cuộc…

Nơi "sinh hoạt thể thao"

Năm 1896, người ta xây dựng trụ sở Hội Hiếu nhạc trên đất vườn mặt đường Tabert (Nguyễn Du) nay là Nhạc viện TPHCM.

Năm sau, ngay kế bên Hội Hiếu nhạc người ta xây dựng trụ sở của  Hội Tam Điểm, một hội bí mật của người Tây phương sau này có người Việt tham gia, nay là tòa soạn báo Công An TP.HCM.

Đối diện trụ sở Hội Hiếu nhạc và Hội Tam Điểm là một biệt thự khá nổi tiếng vào những thập niên đầu thế kỷ 20.

Đó là biệt thự của nhà cự phú Nguyễn Hữu Hào, cha của bà Nguyễn Hữu Thị Lan, người phụ nữ thứ hai được phong hoàng hậu của triều Nguyễn với tước vị Nam Phương hoàng Hậu.

Từ năm 1862, Sài Gòn đã có một câu lạc bộ thể thao dành cho sĩ quan Pháp, nơi hiện nay là UBND quận 1.

Năm 1896, để có nơi dành riêng cho người có tiền của Sài Gòn “sinh hoạt thể thao”, một câu lạc bộ thể thao được thành lập lấy tên là Cercle  Sportif  Saigonnais (câu lạc bộ thể thao Sài Gòn, viết tắt là CSS), người Sài gòn quen gọi là Xẹc. Ngày nay Xẹc chính là Cung văn hóa Lao Động TPHCM. 

Ban đầu, Xẹc chỉ có khu vực trung tâm nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Năm 1902, trên cơ sở đó người ta xây thêm sân quần vợt, hồ bơi, sân đá banh… Trước đó, sân đá banh đã có nhưng không đúng tiêu chuẩn.

Năm 1926, chính quyền cho xây thêm Hội dục nhi ở góc đường Chasseloup Laubat-Verdun (Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám) để giáo dục trẻ em (nay là Sở Y tế).

Hội dục nhi ở góc đường Chasseloup Laubat-Verdun (Nguyễn Thị Minh Khai - Cách mạng Tháng Tám)
Hội dục nhi ở góc đường Chasseloup Laubat-Verdun (Nguyễn Thị Minh Khai - Cách mạng Tháng Tám)

Có một khu vực “chiếm” một góc vườn Tao Đàn ngày nay nhưng ít người biết tới. Đó là Hội Kỵ mã Sài Gòn. Trò chơi đua ngựa có mặt ở Sài Gòn từ năm 1865 và nơi đầu tiên người ta “nuôi và tập cởi ngựa” chính là Hội Kỵ mã nằm ngay góc đường Nguyễn Du - Cách mạng Tháng Tám (sân khấu Trống Đồng hiện nay), trụ sở của Hội chính là tòa nhà Công đoàn.

Đến khoảng năm 1893, nơi quần và cưỡi ngựa dời về khu đất kế bên Bộ tư lệnh thành hiện tại, nay là khu dân cư, vì nơi nầy gần với trường đua và dân cư trung tâm Sài Gòn cũng phát triển nhiều hơn.

Trụ sở hội vẫn nằm chỗ cũ đến đầu thế kỷ 20 mới dời về số 93 đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Sau năm 1955, nơi đây dành cho các hội hoạt động công đoàn và trở thành trụ sở Tổng công đoàn.

Một phần đất khác của vườn được giao cho Phòng Thể dục thể thao quận 1 sau năm 1975 và nay là khu vực thi đấu Nguyễn Du và khu chiếu phim Galaxy.

Cách đây 98 năm, Công Luận Báo, một trong những tờ báo quốc ngữ ít ỏi ở Sài Gòn tường thuật một trận đá banh giữa “Hội Gia Định Sports và Hội tuyển các tuyển thủ người nước ngoài ở Sài gòn” trên trang 13 số báo ra ngày 16-4-1917.

CUỘC THỂ THÁO  

Saigon-hôm chúa nhựt tuần rồi, nhầm ngày 15 avril 1917, hội Gia Định Sports xin phép quan nguyên soái Nam kỳ và hội thể tháo, lập ra một cuộc đấu cầu tại vườn Thành Phố (jardin de la ville), đặng góp tiền những người dự khán, tiền ấy gởi sang Đại Pháp cho những lính Annam đang ở tại trận tiền cùng như giúp dưỡng đường của người bổn quốc tại thành Marseille.

Bữa ấy, tại vườn thành phố, nhạc langsa thổi rập rình, cờ đồng minh treo giáp giới, kiển vật sắp đặt chỉnh tề, còn bốn phía trường cầu, dập dìu nam thanh nữ tú.

Đúng năm giờ hội Gia Định Sports và 11 người lựa rút trong các hội langsa có danh tiếng tại Sai Gòn tựu nhau giữa trường cầu. Người giám cuộc phân ranh vừa xong, liền thổi một hơi tu hít (sifflet) thì hai bên đều nỗ lực tranh đua. Bên Gia Định người coi nhỏ thó nhưng giành lấn gọn gàng, tới lui phải phép, vì nhờ tập luyện đã tinh nhuần nên cứ bề thủ thắng. Trong 15 phút đầu ăn đặng một bàn là nhờ có mấy vị tiên phuông lanh lẹ, né lại tràn qua, hất lui đá tới, làm cho bên kia phải chạy lộn hàng, khi ấy M.Tung đá thẳng vào goal bị đụng nhằm cửa goal nên trái cầu dội lại. Kế M.Thới lướt đá tiếp theo trái cầu bay thẳng vào goal, bốn bên khen dậy. Từ đó cho đến 15 phút sau trái cầu cứ giao qua giao lại, chẳng ai thắng nỗi đặng ai, bởi hai bên đồng sức.

Đúng 30 phút, người giám cuộc thổi một tiếng tu hít cho hai bên giải lao 5 phút.

Đủ 5 phút, hai bên tựu lại giữa trường, người người đều hâm hở, nhưng mà bên Gia Định coi thế sút hơn vì có hơi đuối sức. (Có khi mấy ổng hay thức khuya cho nên mới mau mỏi mệt). nên chẳng cản nổi 5 vị tiên phuông bên kia, trái cầu cứ luẩn quẩn bên sân Gia Định. Khi M.Olh giành đặng trái cầu liền lùa thẳng xuống một hơi, đá ngay vào goal Gia Định, thiên hạ khen vang. M. Đại là người giữ goal cũng giỏi nhưng khó cản nỗi trái cầu, cũng bởi hai người hậu tập bên Gia Định hỏng hờ một chút.

Đúng 6 giờ 5 phút thì bãi cuộc đấu cầu.

Hội Gia Định ăn một bàn, bên kia ăn lại một bàn, cho nên không ai thắng bại.

Trong cuộc nầy góp tiền cả thảy tính đặng 401$40, trừ ra tiền sở phí lối chừng 100$, còn dư lại bao nhiêu thì phân nửa gởi cho dưỡng đường nuôi người bổn quốc tại thành Marseille, còn phân nửa gởi cho lính Annam ở các mặt trận

....

Bài viết nầy ký tên Hội Gia Định Sports.

* Từ vườn Ông Thượng, vườn Bờ Rô đến Công viên Tao Đàn

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên