Nghiên cứu Chỉ số kinh tế Net Zero năm 2023 do Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC vừa công bố cho thấy không có nền kinh tế nào ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 có tốc độ giảm phát thải carbon tiệm cận tới mức cần thiết, để đạt được mục tiêu 1,5°C.
Tuy nhiên, chỉ có 5 nền kinh tế - New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam - vượt qua ngưỡng giảm phát thải carbon được đề ra trong mục tiêu NDC của từng quốc gia.
Điểm chung giữa các nền kinh tế này là đều nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết đều có mức giảm về hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch.
Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm hoặc theo hướng tiêu cực trong quá trình giảm cường độ phát thải carbon, và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chịu trách nhiệm cho 48% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022.
Mặc dù tốc độ giảm phát thải carbon vào năm 2022 ở mức 2,8% - cao hơn so với tỉ lệ toàn cầu là 2,5% - nhưng khu vực này vẫn cần tăng tốc độ giảm phát thải nhanh hơn gấp 6 lần để đạt tỉ lệ 17,2%, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Là khu vực kinh tế trọng điểm của thế giới, châu Á - Thái Bình Dương có rủi ro cao nhất về tác động vật lý từ biến đổi khí hậu, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực này phải tách rời phát thải khí nhà kính ra khỏi tăng trưởng kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận