05/02/2023 10:45 GMT+7

Vì sao thanh long ruột đỏ xuất đi Nhật phải bán ra chợ

Nhiều doanh nghiệp, nông dân trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu đi Nhật đang "ngồi trên lửa" với quy định mới về mã số vùng trồng.

Vì sao thanh long xuất đi Nhật… phải bán ra chợ - Ảnh 1.

Với yêu cầu mới về mã số vùng trồng và bảo hộ giống quá bất ngờ, nhiều nông dân trồng thanh long và công ty xuất khẩu sang Nhật đang gặp khó - Ảnh: TTH

Cái khó là chỉ có giống thanh long ruột đỏ LD1 mới được Nhật chấp nhận nhập khẩu, mà giống này lại thuộc sở hữu của một công ty tư nhân tại Long An.

Do yêu cầu quá gấp và phức tạp nên không ít doanh nghiệp phải đem thanh long xuất khẩu ra bán tại các chợ đầu mối, thiệt hại đơn hàng xuất khẩu không nhỏ.

Như... trên trời rơi xuống

Giữa tháng 1 vừa qua, Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (chuyên xuất khẩu trái cây đi Nhật Bản) gặp vấn đề khi 5 container (khoảng 70 tấn) thanh long ruột đỏ trị giá 190.000 USD xuất đi Nhật... bị vướng rào cản bất ngờ. Đó là thông báo từ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) về việc áp dụng mã số vùng trồng cho trái thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ khi xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.

Ông Nguyễn Trọng Trung Dũng, phó giám đốc Công ty Yasaka, nói yêu cầu này "như trên trời rơi xuống" vì từ khi Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu trái thanh long trắng vào năm 2009 và thanh long đỏ năm 2017 thì hai loại trái cây này xuất khẩu qua Nhật mà không cần mã số vùng trồng.

"Đến ngày 16-1 vừa qua, chúng tôi mới nhận được thông báo qua email về việc này. Do quá bất ngờ nên cả doanh nghiệp xuất khẩu, các hợp tác xã, các hộ nông dân đều lâm vào cùng cảnh bế tắc, không còn đường nào tháo gỡ và buộc phải ngừng xuất khẩu trái thanh long ruột đỏ vào thị trường Nhật Bản", ông Dũng bức xúc.

Đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mầm Xanh (quận 10, TP.HCM) cho rằng đang là mùa đỉnh điểm đơn hàng xuất đi Nhật Bản nhưng đơn hàng không xuất được cũng vì vướng các quy định nói trên, kiểm dịch không cho xử lý, hàng đang nằm nhà máy chờ kéo ra chợ bán.

Theo Nguyễn Trọng Trung Dũng, vấn đề vướng mắc lớn nhất là để có mã số vùng trồng thì phải chứng minh giống đang trồng là LD1. Trong khi từ tháng 5-2017, Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long ruột đỏ LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với thời gian bảo hộ lên tới 20 năm. 

Nhưng trước sự kiện này khoảng 7-8 năm về trước, Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán giống thanh long ruột đỏ cho bà con trồng đại trà rất nhiều ở các tỉnh miền Tây. Do đó, nông dân rất khó được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống để được cấp mã số và mất thời gian chứ không thể ngày một ngày hai.

Chỉ có 1 đơn vị có giấy chứng nhận giống

Bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh này đã được cấp tổng cộng 222 mã số vùng trồng, riêng thanh long có 193 mã số vùng trồng với diện tích 9.927ha.

"Trước đây việc cấp mã số vùng trồng chỉ có các yêu cầu về diện tích, sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép thông tin, điều kiện canh tác... và yêu cầu tuân thủ theo các yêu cầu cụ thể của các nước nhập khẩu mà không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc có yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận bảo hộ giống, nhưng đa số các vùng trồng thanh long đã được cấp mã số đều không có điều kiện này", bà Khanh nói thêm.

Theo bà Khanh, tại Long An chưa ghi nhận trường hợp có khó khăn về việc xuất khẩu thanh long sang Nhật, Hàn bởi các nguồn thanh long xuất đi các thị trường này cũng chủ yếu thông qua Hoàng Phát Fruit. "Tuy nhiên, sở đã có buổi làm việc với đơn vị này trên tinh thần yêu cầu hỗ trợ về việc chứng nhận bản quyền về giống để xuất khẩu sang Nhật, Hàn nếu nông dân gặp khó", bà Khanh cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Khắc Huy - giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit - cho biết ngay từ năm 2015, khi Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo thành công giống thanh long ruột đỏ LD1, ông đã quan tâm và đàm phán mua lại giống này với giá 5 tỉ đồng. Đến năm 2017 thì hoàn tất việc đăng ký chứng nhận quyền sở hữu cũng như bảo vệ giống thanh long này. Ông Huy cho rằng muốn cạnh tranh với các nước thì phải có giống chất lượng, do đó cần các nhà khoa học lai tạo. 

"Mình muốn sử dụng thành quả thì phải chia sẻ với quá trình nghiên cứu, chất xám mà các nhà khoa học đã bỏ ra. Việc thực hiện đúng quy định về sở hữu trí tuệ, bản quyền cũng phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế và giúp giảm thiểu các khả năng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh với các nước nông nghiệp khác về sau", ông Huy nói.

Hiện tại, Hoàng Phát Fruit đang bao tiêu khoảng 100ha thanh long ruột đỏ để đảm bảo cung ứng cho các thị trường xuất khẩu. "Nông dân ai sản xuất giống này tôi cũng mua lại với giá cao hơn để xuất khẩu, như thế có lợi cho bà con nông dân", ông Huy cho biết.

Phải theo thông lệ quốc tế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh việc phải có mã số vùng trồng thanh long, xoài là yêu cầu của phía Nhật Bản.

"Có nhiều giống thanh long ruột đỏ nhưng phía Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu thanh long ruột đỏ LD1. Cũng như chỉ có xoài Cát Chu xuất khẩu được sang thị trường này, còn các loại xoài khác thì không. Do đó, khi làm hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật thì doanh nghiệp phải chứng minh được đây đúng là giống thanh long ruột đỏ LD1" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật nói.

Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết hiện một số nước nhập khẩu nông sản có yêu cầu chứng nhận nguồn gốc giống.

"Hiện nay, Công ty Hoàng Phát Fruit đã mua bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long ruột đỏ LD1 của Viện Cây ăn quả miền Nam. Do vậy, doanh nghiệp muốn được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát Fruit để có chứng nhận nguồn gốc giống. Việc này nhằm tránh vi phạm quyền bảo hộ giống cây trồng theo Luật sở hữu trí tuệ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu" - ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, việc đăng ký bản quyền giống thanh long nói riêng và các giống cây trồng khác là rất cần thiết nhằm tránh việc "xài chùa". Bảo hộ giống cây trồng đối với nông sản Việt Nam là hướng đi tất yếu và rất cần thiết để có thị trường ổn định và nâng cao chất lượng nông sản.

CHÍ TUỆ

Thanh long chỉ còn 500-1.000 đồng/kg, nông dân chặt bỏ cả vườnThanh long chỉ còn 500-1.000 đồng/kg, nông dân chặt bỏ cả vườn

TTO - Giá thanh long xuống quá thấp, chỉ 500 - 1.000 đồng/kg trong khi chi phí đầu tư, phân bón tăng cao nên nhiều nhà vườn ở tỉnh Bình Thuận đã chặt bỏ cây thanh long để chuyển sang cây trồng khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên