15/03/2024 16:12 GMT+7

Vì sao nguồn cung nhà ở xã hội nhỏ giọt, nhà ở vừa túi tiền ‘tuyệt chủng’?

Để giải bài toán nhà ở cho số đông người dân, các chuyên gia khuyến nghị chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội cần thông thoáng, dễ tiếp cận hơn, đồng thời Chính phủ cần quan tâm hơn đến phát triển nhà ở vừa túi tiền.

Các chuyên gia cho rằng chính sách nhà ở xã hội cần thông thoáng hơn để thu hút nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư - Ảnh: BẢO NGỌC

Các chuyên gia cho rằng chính sách nhà ở xã hội cần thông thoáng hơn để thu hút nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư - Ảnh: BẢO NGỌC

Chính sách nhà ở xã hội chưa thông thoáng

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ 4 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, tổ chức ngày 15-3 tại Hà Nội, ông Lê Viết Hải, chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nêu ra một thực trạng đáng buồn của thị trường bất động sản là những năm gần đây nhà ở bình dân giảm 40% và nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền "tuyệt chủng" trên thị trường.

Vấn đề cốt lõi được ông Hải chỉ ra là những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp.

"Khoảng 2 năm trước, chúng tôi đã làm với chủ đầu tư nhà ở xã hội, dự án đã có giấy phép đầu tư nhưng đến đầu năm nay mới giải quyết được tạm xong thủ tục về xây dựng nhà ở xã hội để có thể triển khai", ông Hải cho hay.

Hơn nữa, trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Ông Hải khuyến nghị giải pháp ngay sau khi các nhà đầu tư đấu thầu dự án nhà ở xã hội vẫn phải đóng tiền sử dụng đất.

Tiền sử dụng đất có thể đóng trước hoặc đóng sau nhưng không có ưu đãi về quyền sử dụng đất cũng như ưu đãi về thuế VAT, ưu đãi tín dụng.

Các ưu đãi này có thể tính sau khi bán nhà cho người mua, Nhà nước sẽ thu của nhà đầu tư và trả lại cho người mua.

Nhà ở xã hội nên là nhà cho thuê 100%

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế thì chính sách phát triển nhà ở xã hội đang tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê. Theo ông cần quy định đối với nhà ở xã hội là 100% cho thuê.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu kỹ khả năng chi trả của người mua nhà để thiết kế chính sách phù hợp. Nếu không nghiên cứu kỹ, chúng ta dễ gặp hệ lụy, bán không đến được đúng đối tượng, đối tượng không có khả năng mua, nếu để họ mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay.

Rủi ro nữa là bán nhà sai đối tượng. Tôi không ngạc nhiên với việc người đi ô tô mua nhà, họ mới có tiền mua nhà ở xã hội, ông Ánh giải thích thêm.

Từ góc độ về quy hoạch, kiến trúc, KTS.Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu vấn đề: "Lâu nay mọi người nghĩ làm nhà ở xã hội để tiết kiệm chi phí là làm thấp tầng, thậm chí không có tầng hầm để tiết kiệm chi phí, bán với giá rẻ.

Nhưng hiện giờ, chúng ta phải thay đổi tư duy phân ra theo tầng đô thị. Làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, có lẽ chúng ta phải học những người kinh doanh nhà trọ. Đó là vị trí phải gần xí nghiệp, nhà máy, có trường học".

Vị chuyên gia này kiến nghị 3 giải pháp với phát triển nhà ở xã hội thời gian tới, đó là, phát triển nhà ở xã hội phải do Nhà nước chủ đạo, doanh nghiệp đồng hành.

Phải thiết kế mẫu, để áp dụng được tất cả mọi nơi, nhà giống nhau, chỉ khác móng thôi, và cần thực tế, đầy đủ, thuận tiện cho đối tượng công nhân, người thu nhập thấp.

Và trong quy hoạch, cần gắn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bám phải bám vào hệ thống giao thông công cộng, giúp người mua di chuyển thận tiện giữa chỗ làm và chỗ ở.

Hầu hết các dự án đầu tư tại Hà Nội, TP.HCM những năm gần đây là căn hộ trung, cao cấp, còn nhà ở vừa túi tiền đang

Hầu hết các dự án đầu tư tại Hà Nội, TP.HCM những năm gần đây là căn hộ trung, cao cấp, còn nhà ở vừa túi tiền đang "tuyệt chủng" - Ảnh: BẢO NGỌC

Chung cư vừa túi tiền có thể đã tăng giá gấp đôi

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO cho rằng cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền bên cạnh phân khúc nhà ở xã hội.

Kinh nghiệm từ các quốc gia như Mỹ, Đức, Trung Quốc thì nhà ở vừa túi tiền ngày càng nhận được sự quan tâm lớn hơn từ Chính phủ.

Theo ông Bình nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại theo cơ chế thị trường, nhà ở vừa túi tiền sẽ có mức giá căn hộ hoàn thiện cơ bản dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65m2 có giá khoảng 65.000 USD tương đương 1,6 tỉ đồng, khoảng 25 triệu đồng/m2.

Nhưng theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản VN thì căn hộ chung cư với mức giá này gần như "tuyệt chủng" ở Hà Nội và TP.HCM.

Hiện "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 thành phố này đã nâng lên 20-30%, ở mức 2 - 2,4 tỉ đồng/căn.

Tại hội nghị với Thủ tướng vừa diễn ra, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có đề xuất cho phép nhà có giá dưới 3,5 tỉ đồng được phép tiếp cận gói 120.000 tỉ đồng.

"Như vậy, khái niệm về nhà ở vừa túi tiền hiện nay có thay đổi rất lớn, không còn ở mức 1.000 USD mà có thể đã tăng lên gấp đôi", ông Bình nêu.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Đối với việc phát triển nhà ở xã hội không nên có cách tiếp cận theo hướng "ta chỉ nên", "ta chỉ làm". Mà nên tiếp cận theo nhiều cách, nhiều góc độ để miễn sao kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân.

Chúng ta nên cho thuê nhà ở xã hội nhưng cũng nên cho phép mua bán để ai có đủ năng lực mua thì mua, ai không đủ thì thuê.

Nghe doanh nghiệp nói thẳng về lý do nhà ở vừa túi tiền Nghe doanh nghiệp nói thẳng về lý do nhà ở vừa túi tiền 'bói' mãi không ra

Dù có nhiều chính sách và hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng chung cư cũ nhưng đến nay các kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên