04/12/2018 16:04 GMT+7

Vì đâu cơn giận 'Áo khoác vàng' ở Pháp?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Những người phản đối tăng giá xăng dầu ở Pháp đã sử dụng áo phản quang bảo hộ màu vàng làm dấu hiệu tập hợp. Các nhà nghiên cứu đã phân tích ba yếu tố cơ bản thúc đẩy họ xuống đường.

Vì đâu cơn giận Áo khoác vàng ở Pháp? - Ảnh 1.

Những người biểu tình mặc áo khoác vàng bắt đầu phong tỏa đường giao thông từ ngày 17-11-2018 - Ảnh: LP

Sau khi chính phủ Pháp công bố quyết định tăng giá xăng dầu từ ngày 1-1-2019, từ ngày 17-11 hàng trăm ngàn người đã xuống đường phong tỏa đường sá trên khắp nước Pháp. 

Họ đồng loạt mặc áo phản quang bảo hộ màu vàng (gọi nôm na là "Áo khoác vàng").

Chiếc áo cảnh báo nguy hiểm

Giáo sư sử học Michel Pigenet tại Đại học Panthéon-Sorbonne giải thích trong lịch sử các phong trào xã hội ở Pháp, màu vàng là màu không được ưa chuộng, thậm chí còn có nghĩa xấu để chỉ những người phản đối đình công (gọi là "công đoàn vàng").

Năm 1899, bãi công bùng nổ tại thành phố Creusot. Công nhân các nhà máy thép Schneider đòi quyền đình công.

Giới chủ đồng ý yêu sách nhưng đề nghị có thời gian chuyển tiếp, sau đó lại ủng hộ thành lập Công đoàn các nghiệp đoàn công nhân ở Creusot và các chi nhánh vào tháng 10-1899. Công đoàn do giới chủ thành lập chủ trương đàm phán với giới chủ, phản đối đình công.

Xung đột bùng nổ giữa công đoàn đích thực (công đoàn đỏ) và công đoàn do giới chủ thành lập. Để thay các cửa kính bị đập phá, các văn phòng công đoàn giới chủ đã dùng giấy bìa màu vàng. Từ đó mới có tên gọi "công đoàn vàng".

Tập hợp với chiếc áo khoác màu vàng là một chiến thuật hiệu quả. Vật dụng này dễ nhìn thấy và người đi xe nào cũng có”

Giáo sư sử học Michel Pigenet

Vì đâu cơn giận Áo khoác vàng ở Pháp? - Ảnh 3.

Những người biểu tình không hẳn là thành phần nghèo nhất trong xã hội - Ảnh: YOUTUBE

Vậy tại sao những người biểu tình tại Pháp lại mặc áo khoác vàng? 

Áo khoác vàng là trang bị lao động giúp gia tăng tầm nhìn nhằm bảo đảm an toàn. Từ năm 2008, luật của Pháp quy định người điều khiển xe máy bắt buộc phải mặc áo khoác vàng. 

Đến năm 2016, quy định được mở rộng cho người điều khiển xe có hai, ba và bốn bánh có động cơ không thùng xe.

Tháng 9-2016, người đi xe đạp và xe đạp máy bắt buộc phải mặc áo khoác vàng khi ra ngoài khu vực đô thị, vào ban đêm hoặc khi có sương mù. 

Đối với người đi ôtô, trong trường hợp dừng khẩn cấp cũng phải mặc áo khoác vàng trước khi ra khỏi xe.

Áo khoác vàng là trang bị bảo hộ cảnh báo nguy khốn, tai nạn, nguy hiểm. Ngoài ra, áo khoác vàng còn là vật dụng đơn giản ở đâu cũng có.

Theo Giáo sư Arnaud Benedetti ở Đại học Paris-Sorbonne, chính vì lý do đơn giản ấy mà người biểu tình hiện nay xem áo khoác vàng là biểu tượng cảnh báo tình trạng khẩn cấp về xã hội và bỏ qua ý nghĩa xấu về màu vàng. 

Năm 2016, các công nhân cảng Havre đã từng mặc áo khoác vàng biểu tình đòi rút lại luật lao động.

Vì đâu cơn giận Áo khoác vàng ở Pháp? - Ảnh 4.

Luật bắt buộc trong trường hợp dừng khẩn cấp, người đi ôtô phải mặc áo khoác vàng trước khi ra khỏi xe - Ảnh: BLOGZINEAUTO.COM

Ba yếu tố thổi bùng phẫn nộ

Giám đốc nghiên cứu Olivier Galland ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) phân tích cho thấy có ba yếu tố thúc đẩy phong trào áo khoác vàng xuống đường.

Yếu tố đầu tiên là mức sống người Pháp không tăng từ khủng hoảng năm 2008 trong khi trong thập niên 1990 gần như tăng liên tục (tăng 1,7%/năm đến năm 2008, trừ năm 2002-2004).

Chênh lệch mức sống của 10% những người giàu nhất và 10% những người nghèo nhất không tăng từ 20 năm nay. 

Tuy nhiên, người Pháp rất nhạy cảm với vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập. Yếu tố sức mua đình trệ suốt 10 năm qua khiến họ tức giận vì sức mua tác động đến cuộc sống mạnh hơn mức thu nhập thấp.

Yếu tố thứ hai là các khoản chi tiêu cần thiết như tiền thuê nhà và chi phí liên quan đến chỗ ở, tiền vay, tiền bảo hiểm, tiền thuê bao cứ gia tăng. 

Các khoản này chiếm 38% mức tiêu dùng của hộ nghèo, 35% hộ trung bình và chỉ chiếm 22% hộ khá giả.

Từ năm 2001, các khoản chi tiêu này tăng nhanh nơi hộ nghèo và trung bình hơn hộ khá giả, từ đó khoản thu nhập còn lại giảm mạnh.

Yếu tố cuối cùng là khả năng chọn lựa bị hạn chế. Đối với nhiều người, đặc biệt là dân nông thôn, tiền xăng đi lại là khoản chi bắt buộc. 

Bởi thế tăng giá xăng dầu tác động rất lớn đến túi tiền và họ vẫn phải lái xe đi làm chứ không còn cách nào khác.

Theo Giám đốc Olivier Galland, tình cảm bi quan và giận dữ càng trở nên cao trào khi người dân không nhìn thấy viễn ảnh tương lai tươi sáng hơn và khả năng định hướng cuộc sống của họ tiếp tục bị hạn chế.

Vì đâu cơn giận Áo khoác vàng ở Pháp? - Ảnh 5.

Để bày tỏ thái độ ủng hộ người biểu tình, người lái xe chỉ cần để chiếc áo khoác vàng nơi dễ thấy nhất trên xe - Ảnh: EUROPE 1

Nhà nghiên cứu Romain Pasquier ở CNRS ghi nhận ngoại trừ vài thành phố lớn và thủ đô Paris, phong trào biểu tình áo khoác vàng chủ yếu diễn ra ở khu vực ngoại ô.

Tham gia biểu tình gồm đủ thành phần, từ công nhân, người thu nhập thấp cho đến người buôn bán, thợ thủ công. Họ là những người phải lái xe hơi mỗi ngày, có thu nhập khiêm tốn và không phải là thành phần nghèo nhất trong xã hội.

Khải Hoàn Môn của Pháp bị đập phá, bôi bẩn Khải Hoàn Môn của Pháp bị đập phá, bôi bẩn

TTO - Người dân Pháp đã đi từ cảm xúc ngỡ ngàng đến căm giận khi biểu tượng quốc gia ngay giữa đại lộ Champs-Élysées bị phá hoại và bôi bẩn.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên