Một phần của tác phẩm có tên gọi La Marseillaise (như tên quốc ca Pháp) của François Rude bên trong Khải Hoàn Môn bị đập vỡ góc mặt - Ảnh: TWITTER
Có lẽ chưa có cuộc biểu tình nào xâm phạm và gây tổn hại cho văn hóa Pháp như cuộc biểu tình ngày thứ bảy 1-12 vừa qua.
Hình ảnh biểu tượng lịch sử tầm quốc gia là Khải Hoàn Môn bị vẽ sơn lên tường, bị đập phá một số tác phẩm nghệ thuật, cửa hiệu trong đó đã khiến người dân căm giận.
Phải nói rằng không phải những người biểu tình "Áo khoác vàng" đích thực - những người chống đối lại biện pháp tăng thuế nhiên liệu, đã gây ra sự việc đau lòng đó mà chính những kẻ "có chủ tâm quậy phá" như cách gọi của chính quyền Paris.
Khi đang còn làm việc tại Buenos Aires (Argentina) trong hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 1-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh: "Không có cách gì để biện hộ cho việc Khải Hoàn Môn bị bôi bẩn như thế".
Theo ghi nhận của báo Pháp Le Figaro, bên trong di tích Khải Hoàn Môn đã bị bôi bẩn và đập phá vì những kẻ chống đối đã leo được lên tận nóc.
Nhân viên Trung tâm di tích quốc gia (CMN) dọn dẹp tại Khải Hoàn Môn ngày 2-12. Trên tường bị những kẻ quá khích dùng sơn bôi bẩn - Ảnh: AFP
Trên đường đi lên, những kẻ này đã đập phá các trang thiết bị, các cửa hàng lưu niệm và tệ hại hơn nữa là chúng không nương tay cả với những tác phẩm nghệ thuật cổ.
Như phần tượng thể hiện nữ anh hùng của Pháp Marianne thực hiện năm 1899, lấy cảm hứng từ một phần của tác phẩm điêu khắc có tên "Chuyến lên đường của những người tình nguyện" của tác giả François Rude (thực hiện năm 1792).
Tác phẩm nghệ thuật bị xịt sơn vào hai mắt - Ảnh: TWITTER
Ngày 2-12 Điện Elysée cho biết Tổng thống Macron không có bài phát biểu về cuộc khủng hoảng "áo khoác vàng", sau cuộc họp khẩn với chính phủ nhằm tìm biện pháp giải quyết tình trạng căng thẳng từ 3 tuần nay trên toàn nước Pháp.
Nguồn tin trên nhấn mạnh tổng thống đã không đề cập đến việc thiết lập lại tình trạng khẩn cấp, cũng như khả năng giải tán hạ viện để tổ chức bầu cử sớm như phe đối lập đang đề nghị.
Tại cuộc họp với Thủ tướng Edouard Philippe, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner và Bộ trưởng Môi trường François de Rugy, Tổng thống Macron đã "điểm lại toàn bộ các sự kiện" ngày thứ bảy 1-12 để "có một đánh giá chính xác về tình hình chung", tình trạng người bị thương, thiệt hại do hành vi đập phá, cũng như số người bị bắt giữ và thẩm vấn.
Tổng thống Macron đã đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Castaner tiến hành phân tích "về sự cần thiết tăng cường lực lượng an ninh trật tự trong những ngày tới" để đối phó với những "kẻ côn đồ ngày càng hung hăng hơn, hoạt động rộng hơn và có tổ chức hơn".
Một tác phẩm mô hình Khải Hoàn Môn bị đập tan nát - Ảnh: TWITTER
Ông cũng nhấn mạnh lại rằng không một hành vi bạo lực nào trong cuộc biểu tình ngày 1-12 được phép thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Ông Macron cũng yêu cầu Thủ tướng Philippe tiếp lãnh đạo các đảng phái có mặt tại nghị viện, cũng như đại diện của những người biểu tình.
Cùng ngày 2-12, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá tình hình thiệt hại kinh tế mà theo bà là rất nghiêm trọng.
Để giúp đỡ các chủ cửa hàng khắc phục hậu quả, Paris dự kiến sẽ thành lập một quỹ đảm bảo khẩn cấp và kêu gọi chính phủ cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Sự trợ giúp này từng được áp dụng sau vụ tấn công khủng bố năm 2015 để vực dậy các hoạt động kinh tế của thủ đô.
Dự kiến, trong ngày 4-12, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner sẽ trình bày trước Ủy ban pháp luật của thượng viện tình trạng tấn công cảnh sát và phá hoại của những người biểu tình quá khích cũng như các biện pháp đối phó.
Người biểu tình ra dấu ngón tay thối khiêu khích khói lựu đạn cay của lực lượng cảnh sát - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình mặc áo khoác vàng tụ tập quanh Khải Hoàn Môn ở quảng trường Ngôi Sao, trung tâm Paris đến tận tối 1-12 - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình từng dựng chướng ngại vật và đốt lửa trước Khải Hoàn Môn ở quảng trường Ngôi Sao, trung tâm Paris trong cuộc biểu tình ngày 24-11 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận